Bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) - Sáng nay (9/11), tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (từ năm 2021-2025) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II (từ năm 2026 đến năm 2030).

Chủ tịch nước Lương Cường chúc Tết, tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ông Hầu A Lềnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bộ máy mới ổn định, vận hành hiệu quả

 Chủ trì Hội nghị

Chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Cùng tham dự có lãnh đạo, đại diện một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo của 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai gần 4 năm trên địa bàn 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Đây là chương trình MTQG được xây dựng mới hoàn toàn trên cơ sở tích hợp 118 chính sách dân tộc và triển khai trên phạm vi toàn quốc nhằm đạt được 9 nhóm mục tiêu cụ thể và 24 chỉ tiêu chủ yếu, tập trung hướng tới các "lõi nghèo", các địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn và giải quyết những vấn đề cấp bách nhất, bức xúc nhất của đồng bào.

 Đại biểu tham dự Hội nghị

Góp phần quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của các địa phương

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cho biết, theo kế hoạch, cả giai đoạn 2021-2025, nguồn lực thực hiện Chương trình các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên dự kiến là 22.564,237 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương đầu tư hỗ trợ là 20.529,413 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 1.707,723 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác 327,102 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện giải ngân vốn ngân sách Trung ương của Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi: Nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2024 đến thời điểm 30/9/2024 của 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên cao hơn so với tỉ lệ bình quân chung của cả nước. Riêng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình hiện nay đạt 74,3%, cao hơn gần 1,3 lần so với tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư chung của cả nước là 57,7%. Cụ thể, số vốn giải ngân của 16 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là 12.933,999 tỷ đồng, tương đương 60,6%, trong đó vốn đầu tư phát triển là 8.560,613 tỷ đồng, tương đương 74,3%, vốn sự nghiệp là 4.373,386 tỷ đồng, tương đương 44,5%.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr khẳng định, Chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của các địa phương thực hiện Chương trình nói chung, đặc biệt các tỉnh thuộc địa bàn miền Trung và Tây Nguyên.

Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương, đến nay, cấp Trung ương đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện về Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể, đã ban hành 74 văn bản liên quan đến Chương trình, gồm: 3 nghị quyết của Quốc hội; 4 nghị định của Chính phủ; 27 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 40 thông tư và văn bản hướng dẫn. Hệ thống văn bản hướng dẫn đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, bảo đảm cho các địa phương có đầy đủ cơ sở pháp lý, thuận lợi trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Các địa phương cũng đã đặt quyết tâm chính trị cao nhất, nỗ lực lớn nhất để hoàn thiện khung pháp lý theo thẩm quyền, kiện toàn bộ máy quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình và tích cực giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn đời sống của bà con nhân dân.

Bằng sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trên địa bàn trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, một số chỉ tiêu ước đến 31/12/2024 đã hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao như: Tỉ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 16 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong đó một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ở mức cao như: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Nông... Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn.

Bên cạnh nhóm các chỉ tiêu đã hoàn thành sớm, còn có nhóm các chỉ tiêu đã đạt tỉ lệ hoàn thành cao, dự báo sẽ sớm về đích mục tiêu theo kế hoạch như: Tỉ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỉ lệ trường, lớp học, trạm y tế được xây dựng kiên cố; tỉ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác…

Tại Hội nghị, các đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là những kết quả đạt được và hạn chế, tốn tại trong thực hiện từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần; chỉ rõ các nội dung còn chậm hoặc vướng mắc cần tập trung tháo gỡ; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trong giai đoạn I cũng như đề xuất những nội dung cụ thể Chương trình giai đoạn II, đặc biệt là việc xác định mục tiêu tổng quát và các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của Chương trình; đề xuất cơ cấu, nội dung các dự án thành phần và nguồn vốn của Chương trình; các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện Chương trình cho giai đoạn II;…

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

Khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm mạnh mẽ của các địa phương

Phát biểu kết Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng hành ủng hộ của nhân dân 16 tỉnh trong thực hiện Chương trình; khẳng định, nhờ vào những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia vào các chương trình phát triển KT-XH, các hoạt động cộng đồng, góp phần vào việc duy trì an ninh trật tự tại địa phương.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, chúng ta đã ban hành một chương trình rất đúng và trúng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình đã được triển khai thực hiện và thành công bước đầu.

Qua thực hiện Chương trình, đời sống đồng bào được nâng lên đáng kể, hộ nghèo giảm, hạ tầng phát triển, diện mạo vùng dân tộc, miền núi thay đổi nhiều; nhiều chính sách nhân văn đến với người dân. Nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sinh kế, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Thu nhập bình quân tăng đáng kể, đạt trung bình 34,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn 2,5 lần so với năm 2019.

Các lễ hội truyền thống được phục hồi và tổ chức thường xuyên, giúp bảo tồn bản sắc văn hóa, đồng thời thúc đẩy tinh thần tự hào dân tộc. Nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tạo sân chơi lành mạnh và gắn kết cộng đồng, qua đó khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường và quyết tâm vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ năm 2021 đến nay, ngân sách Trung ương đã giao 16 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hơn 21.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình, chiếm khoảng 31,09% tổng vốn của cả nước.

Đến nay, các địa phương đã giải ngân được hơn 60% nguồn vốn này, cao hơn mức trung bình của cả nước (57,6%); trong đó có một số địa phương đạt kết quả giải ngân tốt như Ninh Thuận (76,5%), Khánh Hòa (76,3%), Bình Định (69,5%). Đây là nỗ lực lớn của các địa phương, cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, quyết tâm mạnh mẽ và tinh thần trách nhiệm cao của các địa phương, các cấp, các cơ quan trong việc triển khai, thực hiện Chương trình.

"Thay mặt Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG tôi ghi nhận và đánh giá cao những quyết tâm, nỗ lực, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng hành ủng hộ của nhân dân 16 tỉnh trong thực hiện Chương trình", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhấn mạnh, vẫn còn một số nhóm chỉ tiêu và chỉ tiêu cụ thể chưa đạt. Đồng thời, quá trình thực hiện Chương trình cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được khắc phục để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình trong năm 2025 cũng như trong giai đoạn tiếp theo.

Trong đó, nổi lên là một số các cơ chế, chính sách vẫn còn bất cập, thiếu hợp lý, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan và địa phương có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ, chặt chẽ. Triển khai các dự án hạ tầng còn khó khăn, ngoài nguyên nhân khách quan do địa hình của khu vực còn có một phần nguyên nhân do tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thờ ơ vô cảm, sợ sai của một bộ phận cán bộ, làm việc chưa đến nơi đến chốn. Chất lượng nguồn nhân lực địa phương còn hạn chế…

Để kịp thời báo cáo, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện Chương trình giai đoạn II từ năm 2026 đến năm 2030, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là lãnh đạo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trên cơ sở đánh giá toàn diện, tổng thể các dự án của Chương trình đã triển khai ở giai đoạn I cần tiếp tục rà soát hành lang pháp lý, đề xuất, xác định các dự án thiết thực cho giai đoạn II, trong đó tập trung vào các dự án có tác động thúc đẩy và nên có thứ tự ưu tiên đối với các dự án, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, "ra tấm ra món".

Cùng với đó là cần đặc biệt quan tâm tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý, giám sát, triển khai dự án, chủ động quyết định các chính sách cụ thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn triển khai, bảo đảm phù hợp mục tiêu chung của Chương trình và điều kiện thực tiễn.

Tiếp tục tổ chức các hội nghị tổng kết Chương trình cấp vùng và toàn quốc theo hình thức, quy mô phù hợp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Rút kinh nghiệm quá trình thiết kế, xây dựng Chương trình giai đoạn I để đề xuất Chương trình giai đoạn II bảo đảm tiến độ, chất lượng, bám sát thực tiễn và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tâm từ nay đến cuối năm 2024, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh triển khai và giải ngân vốn thực hiện Chương trình; chủ động rà soát, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để có giải pháp tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn, xử lý kịp thời theo quy định hiện hành và phù hợp tình hình thực tiễn.

Chú trọng kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi, đặc biệt là đội ngũ thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc tại cấp cơ sở; tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp cơ sở gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai thực hiện và giám sát Chương trình.

"Hết sức chú trọng công tác kiện toàn nhân sự; tham gia thực hiện Chương trình phải thực sự lựa chọn được những người có kinh nghiệm, kiến thức, tâm huyết, trách nhiệm và thiết tha với đồng bào, với vùng dân tộc", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình lưu ý.

 
 
 

Trước đó, sáng 9/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã tới dâng hoa, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng trường Ðại đoàn kết, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.