(Mặt trận) - Ngày 28/5, Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức góp ý 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) và Luật Giáo dục sửa đổi. Đây là 2 dự luật sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận trong tuần này. Bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì Hội nghị.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ GD và ĐT cho biết, dự thảo luật sửa đổi mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học: tự chủ về hoạt động chuyên môn, về tổ chức bộ máy và nhân sự, về tài chính, tài sản. Cùng với đó, đổi mới công tác quản trị đại học theo hướng quy định rõ cơ chế quản trị trong trường đại học công lập tự chủ, trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ, sửa đổi, bổ sung các quy định để Hội đồng trường là hội đồng có thực quyền, thực hiện chức năng quản trị trong trường đại học tự chủ. Đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục, bổ sung quy định về bộ máy quản lý theo tiêu chí chủ sở hữu; bổ sung quy định về đại hội đồng cổ đông và ban kiểm soát để áp dụng những thiết chế quản trị đại học hiện đại, vận dụng cơ chế quản trị doanh nghiệp; bổ sung các quy định phù hợp để khuyến khích đầu tư, phát triển các trường tư thục.
Về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, đáng chú ý sẽ nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở; giảng viên giảng dạy trình độ đại học và giảng viên giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ để đảm bảo chất lượng đào tạo, giảng dạy. Dự thảo luật bổ sung một điều quy định chuyển tiếp, theo đó các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026 và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc chuẩn hóa đối với nhà giáo.
Dự thảo luật cũng bổ sung trách nhiệm của gia đình phối hợp với nhà trường, nhà giáo trong việc giáo dục học sinh; tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm và thân thể nhà giáo. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung quy định về học phí của học sinh, sinh viên sư phạm theo hướng học sinh, sinh viên sư phạm thực hiện việc đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành khác.
Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc sửa đổi này nhằm thực hiện đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi đối với người học sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách nhà nước..., đồng thời rút vấn đề lương giáo viên ra khỏi dự thảo luật vì Chính phủ đã có đề án cải cách tiền lương. Đồng thời, đối với việc nâng chuẩn giáo viên, Bộ đã có lộ trình thực hiện để không gây xáo trộn.
Góp ý về dự thảo, nhiều GS, PGS, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đã bày tỏ nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn. Tuy nhiên, các đại biểu cũng góp ý nhiều vấn đề còn bất cập của 2 dự thảo luật này.
Cụ thể, về Luật Giáo dục sửa đổi, GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, Luật Giáo dục có nhiều sửa đổi quan trọng, tuy nhiên, nó chưa đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn, của cuộc cách mạng 4.0. Cụ thể, tin học phải là một môn học riêng biệt, không thể tích hợp thành toán-tin. Giáo sư bày tỏ lo lắng, đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT) lần này liệu có thành công khi thực hiện, ví dụ tích hợp 3 môn lý- hóa-sinh thành môn khoa học là không hợp lý, trong khi ở rất nhiều quốc gia, việc tích hợp này chỉ diễn ra ở bậc tiểu học. Vậy thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi chương trình thất bại?
GS. Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng, chương trình GDPT chưa bảo đảm được việc phân luồng học sinh, chưa dạy những gì mà thực tiễn cần, dẫn đến thực tế rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không có việc làm. Cũng theo ông, tiền lương của giáo viên hiện nay còn thấp, chưa đảm bảo cho đời sống, sinh hoạt.
GS. Nguyễn Lân Dũng cũng cho biết, xã hội đau lòng về đạo đức học sinh xuống cấp, đạo đức nhà giáo cũng có vấn đề. Do đó, trong giáo dục, dạy người phải được coi trọng hơn cả dạy chữ và thầy cô phải là những người thực sự mẫu mực. Từ những vấn đề đã nêu, GS. Nguyễn Lân Dũng đề nghị sửa đổi Luật Giáo dục lần này cần toàn diện, căn bản.
GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, giảng viên Đại học Luật Hà Nội, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh, giáo dục phổ thông phải dạy học sinh cách làm người trung thực, “đừng dạy học sinh nói dối”, phải làm sao để học sinh có lòng tự hào dân tộc, ý thức tự tôn, tự chủ.
TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa, Xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, đổi mới phải là đổi mới một cách toàn diện. Phải đặt lên trên vấn đề dạy chữ, dạy học làm người. Cùng với đó, phải đổi mới hệ thống giáo dục và phải đặt giáo dục trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự cũng đưa ra quan điểm thẳng thắn về vấn đề đổi tên các cấp học, những khó khăn, bất cập trong việc đổi mới sách giáo khoa trong giai đoạn hiện nay.
Góp ý về Luật Giáo dục đại học, TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư Văn hóa, Xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ủng hộ Luật GDĐH phải bảo đảm tự chủ thực sự cho các trường đại học, tự chủ GDĐH là tất yếu. Đại học mà không được chủ động thì không đào tạo ra được con người chủ động. Vì thế, Bộ GD-ĐT không thể ôm đồm mọi việc, chỉ quản lý GD-ĐT chứ không phải xông vào các hoạt động đào tạo như hiện nay.
“Mỗi trường có một sản phẩm đào tạo riêng, vì thế, sửa Luật GDĐH lần này phải bảo đảm tự chủ hoàn toàn cho các trường đại học”, ông Chức nói.
Cũng theo TS. Nguyễn Viết Chức, hệ thống đào tạo đại học hiện nay đang bị chia thành các trường lớn, trường nhỏ. Đại học phải là tự chủ, trường nào đào tạo chất lượng tốt thì được người học đón nhận, không nên chia thành đại học quốc gia, đại học, học viện.
Từ những phân tích đó, TS. Chức đề nghị sửa luật lần này phải bám sát yêu cầu về căn bản, toàn diện, rà soát kỹ, không phải là sửa đổi vài vấn đề, mục tiêu là sửa đổi để đáp ứng yêu cầu giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Cuire, thành viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường băn khoăn về vấn đề cho vay tín dụng cho sinh viên sư phạm. Thầy trăn trở, nếu ra trường mà chưa xin được đi dạy ngay thì tính sao, có nhiều em ra trường phải đi làm trái nghề, làm giúp việc… sau đó mới xin được đi dạy, vậy thì các em tính sao. Chính vì vậy, dự thảo phải làm rõ thời gian các em được xóa nợ tín dụng, nên quy định rõ luôn vào luật, không để Chính phủ quy định.
GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, giảng viên Đại học Luật Hà Nội, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đề nghị cần tập trung sửa những điều cần thiết nhất như việc phải dẹp được nạn học giả bằng thật, nạn sinh viên không đủ điều kiện vẫn được ra trường. “Không nên chú trọng kiểm tra đầu vào như hiện nay mà cần chuyển sang kiểm soát đầu ra.”, ông Dung đề nghị.
GS.TS. Nguyễn Đăng Dung cũng cho rằng, Luật GDĐH không thấy đề cập đến Giáo sư (GS), bộ môn. “Phải có chính sách cho các GS giảng dạy đại học. Đại học phải phát triển thì đất nước mới phát triển được. Không có một quốc gia nào mà đại học kém phát triển được”, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung phát biểu. Theo ông, đã là GS là phải giảng dạy, và GS phải gắn với nghiên cứu, vì thế không thể tách các viện nghiên cứu ra khỏi trường đại học.
Ông Đỗ Duy Thường nêu những ví dụ để thấy giáo dục có vấn đề: bạo lực học đường, không chú trọng dạy đạo đức cho học sinh, quá tải chương trình, học giả bằng thật... và đề nghị không nên sửa luật nửa vời, phải sửa luật toàn diện. Ông Trần Hậu cũng góp ý, sửa là phải toàn diện, không nên nửa vời, nếu lần này chưa ổn thì xin Quốc hội lùi lại, chưa sửa. Nếu chỉ sửa một số điều thì không nên sửa, vì sửa như vậy chỉ làm yên lòng xã hội. Sửa phải toàn diện để làm chuyển biến tích cực nền giáo dục.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh đánh giá cao sự chủ động của Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức góp ý vào 2 dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Từ những ý kiến trách nhiệm, có chất lượng của các đại biểu góp ý tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh mong muốn Ban soạn thảo tiếp thu để hoàn thiện 2 dự thảo Luật trước khi Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.
Hương Diệp - Ảnh Kỳ Anh