Như đã đưa tin, Chính phủ quyết định bãi bỏ quản lý dân cư theo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, thay vào đó là quản lý mã số định danh. Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tế phải có thời gian, có hướng dẫn cụ thể để triển khai chứ không phải nói bỏ là bỏ được ngay.
Thông tin Chính phủ đồng ý bãi bỏ quản lý dân cư theo sổ hộ khẩu, CMND được đông đảo người dân đồng tình, đặc biệt là những công dân ngoại tỉnh đang sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính này như trút bỏ được gánh nặng cho họ bởi người dân ngoại tỉnh về các thành phố lớn học tập rồi ở lại làm việc và sinh sống sẽ gặp không ít khó khăn khi làm các giấy tờ thủ tục hành chính.
Việc Chính phủ quyết định bãi bỏ quản lý công dân theo sổ hộ khẩu và CMND là một trong những cải cách hành chính mang tính đột phá nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người dân. Bỏ sổ hộ khẩu thì người dân sẽ được công bằng hơn trong quyền khám chữa bệnh, đi học, làm việc,… vừa giúp mọi công dân được quyền tự do cư trú, vừa đỡ tốn kém, phiền hà, khắc phục được những tiêu cực tham nhũng có thể xảy ra liên quan đến quản lý dân cư bằng hộ khẩu.
Đối với quyền làm chủ của người dân thì tự do cư trú là một quyền cơ bản do hiến pháp quy định, quan trọng hơn là tự do cư trú nghĩa là tự do di chuyển nguồn lao động theo đòi hỏi của thị trường. Khi bị bó buộc bởi các quy định, người lao động không có tự do cư trú thì không thể có thị trường lao động lành mạnh.
Ảnh minh họa (internet)
Tuy nhiên, có một thực tế là bỏ hộ khẩu sẽ sinh ra bất cập bởi những người chưa có số định danh cá nhân vẫn phải làm thẻ căn cước công dân, và thủ tục làm thẻ thì quy định có sổ hộ khẩu là bắt buộc để đối chiếu, chứng minh.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua Nhà nước quản lý dân cư, cư trú và các thủ tục hành chính đều cần sổ hộ khẩu nên cán bộ ở phường cũng hình thành thói quen khi làm việc, cần phải có những buổi tập huấn, hướng dẫn cụ thể trước khi chính sách này đi vào thực tế đời sống.
Việc bãi bỏ sổ hộ khẩu, CMND hiện nay chỉ là phương án đơn giản hóa thủ tục trong lĩnh vực quản lý cư trú, là định hướng để giao việc, định hướng trong tương lai, chứ chưa thể bắt buộc áp dụng ngay. Việc bỏ một số giấy tờ, thủ tục chỉ thực hiện được khi cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được thống nhất.
Theo Bộ Công an, đầu năm 2019, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ đi vào vận hành, đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Đặc biệt, đây là căn cứ quan trọng để thực hiện lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng một công dân phải dùng nhiều loại giấy tờ như hiện nay. Công dân khi đến các cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính chỉ cần đưa ra 3 thông tin cơ bản, gồm: Họ, tên; mã số định danh và chỗ ở. Khi đó, công dân không cần xuất trình các loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh… không phải đi chứng thực hay xác nhận của xã, phường như trước đây.
Theo Phạm Hằng/Tạp chí Kiểm sát