Ám ảnh tai nạn do rượu bia

Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta đứng thứ hai khu vực Đông - Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Ước tính mỗi năm, chi phí tiêu thụ rượu bia của cả nước khoảng 3,4 tỷ USD. Những dịp lễ Tết, tình trạng sử dụng rượu bia lại tăng vọt, kéo theo nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT), các vụ án mạng, bạo lực tăng theo mà chưa có giải pháp khắc phục.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Lái xe sử dụng bia rượu và ma túy đã gây tai nạn nghiêm trọng tại huyện Bến Lức (Long An) làm bốn người chết và 18 người bị thương.

Tai nạn kinh hoàng do "ma men"

Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 2/1, tại xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (tỉnh Long An) đã xảy ra một vụ TNGT thảm khốc. Xe công-ten-nơ do Phạm Thành Hiếu (SN 1987, ngụ ấp 1, xã Thạnh Ðức, huyện Bến Lức) điều khiển, khi đến ngã tư Bình Nhựt đã đột nhiên tăng tốc, lao thẳng vào những người dừng chờ đèn đỏ, khiến bốn người chết, 18 người bị thương. Kết quả kiểm tra cho thấy, lái xe đã sử dụng bia rượu và dương tính với ma túy. Chiều tối 18/12//2018, chiếc xe Lexus bảy chỗ BKS 29A - 742.75 do Nguyễn Thu Trang (SN 1989, trú tại Lò Sũ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều khiển, khi đang lưu thông trên đường Trích Sài (quận Tây Hồ, Hà Nội), đã bất ngờ vọt lên vỉa hè, lao thẳng vào ba người đi bộ, sau đó tiếp tục phi sang bên kia đường, đâm vào ta-xi đi ngược chiều và tiếp tục tông vào bảy chiếc xe máy trước khi va vào xe dẫn đoàn của CSGT. Tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của lái xe, kết quả cho thấy vi phạm nồng độ cồn hơn 0,7 mg/lít khí thở (trong khi quy định nghiêm cấm điều khiển ô-tô khi nồng độ cồn vượt quá 0,25 mg/lít khí thở)... Trước đó, tối 20/10/2018, bà Nguyễn Thị Nga (SN 1972, ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh), điều khiển ô-tô BMV lưu thông trên đường Ðiện Biên Phủ hướng từ trung tâm quận 1 về cầu Sài Gòn. Khi đến nút giao Hàng Xanh, bất ngờ chiếc xe BMV lao vọt, tông vào nhiều xe gắn máy đang dừng đèn đỏ phía trước, khiến một phụ nữ chết tại chỗ, nhiều người bị thương. Nhiều nhân chứng cho biết, sau khi gây tai nạn, bà Nga đã ngồi luôn trong xe và có dấu hiệu say xỉn. Khi lực lượng chức năng đo nồng độ cồn, kết quả lên tới 0,94 mg/lít khí thở, vượt quá mức cho phép bốn lần…

Có thể thấy, rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra đều bắt nguồn từ bia rượu. Do say xỉn không làm chủ được tay lái, xử lý tình huống kém, nhiều người đã vô tình gieo những án "tử" không hẹn trước cho những người tham gia giao thông khác và cả chính mình. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, thống kê chưa đầy đủ, trong thời gian gần đây, có tới 65 đến 70% các vụ TNGT mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn. Cách đây vài năm, một cuộc khảo sát do Ủy ban ATGT quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 địa phương cho thấy, tỷ lệ các vụ TNGT do rượu bia chiếm khoảng 40%. Tại Bệnh viện Việt Ðức (Hà Nội), năm nào cũng vậy, cứ vào ngày lễ Tết là tình trạng bệnh nhân nhập viện do TNGT lại tăng cao, trong đó các ca chủ yếu liên quan bia rượu. Trong bốn ngày Tết Dương lịch 2019, bệnh viện đã tiếp nhận gần 400 ca cấp cứu, trong đó, hơn 200 ca do TNGT, nhiều ca chấn thương sọ não, đa chấn thương. Hầu hết nạn nhân trong độ tuổi từ 20 đến 30, nhập viện vẫn còn mùi bia rượu nhiều ca không thể tiến hành gây mê vì bệnh nhân còn say xỉn.

Ngăn chặn lạm dụng rượu bia dịp Tết

Những năm qua, nước ta đã trở thành một trong những nước tiêu thụ rượu bia tốp đầu của thế giới. Trong những ngày xuân, rượu bia là thức uống truyền thống gần như không thể thiếu và trở thành một phần của văn hóa Tết. Thói quen "gặp nhau lần nào cũng rượu" trong ngày Tết và sở thích ép nhau uống rượu để đánh giá "phong độ"… đã tồn tại từ lâu, khó thay đổi trong một sớm một chiều, hay giải quyết qua một vài chiến dịch.

Trong hoàn cảnh hiện tại, khi nhận thức chưa đủ mạnh để thay đổi hành vi thì việc sử dụng những biện pháp cưỡng chế đặc biệt nghiêm khắc là cần thiết. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hình thức phạt tù giam, tịch thu phương tiện với người lái xe sau khi uống rượu. Nếu lái xe là người nước ngoài vi phạm, thậm chí bị trục xuất. Chỉ khi có chế tài nghiêm khắc, người điều khiển phương tiện mới không dám vi phạm. Lực lượng thực thi công vụ, xử phạt cũng phải nghiêm túc, không được phép nể nang hay "thông cảm có điều kiện". Một số thành phố lớn ở các quốc gia tiến bộ cũng chỉ cho phép bán rượu bia trong một số khung giờ nhất định, không bán cho người dưới 18 tuổi. Ðây cũng là một kinh nghiệm hay để các cơ quan quản lý tham khảo, vận dụng phù hợp. Trước đây, một số nhà hàng, quán nhậu ở Hà Nội đã thực hiện việc đặt máy đo nồng độ cồn, nếu quá ngưỡng cho phép, sẽ có phương tiện ta-xi, xe buýt hoặc xe ôm chở về nhà, tuy nhiên sau đó, do các chế tài không đồng bộ, cách làm này đã bị bỏ lửng, rất đáng tiếc.

Việc hạn chế TNGT do uống rượu bia trong những ngày Tết chỉ có thể thực hiện được bằng chính ý thức của người lái xe. Nếu không muốn uống, có lẽ không ai có thể ép mình trong những ngày vui. Chén rượu trong những bữa tiệc đón Tết, mừng Xuân lâu nay vẫn được coi là một phần không thể thiếu trong văn hóa của người dân. Nhưng niềm vui của một người phải gắn trách nhiệm và tình cảm với gia đình, cộng đồng, đừng để quá đà, mải mê trên bàn nhậu dẫn đến việc rượu bia "điều khiển" bản thân. Mỗi người phải tự ý thức tiết chế sử dụng rượu bia, tránh gây những hệ lụy cho người thân và xã hội.

Theo thống kê, hằng năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 2,7 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu. Và hiện nay, bình quân mỗi ngày, nước ta có khoảng 20 người chết do TNGT. Mặc dù quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên, việc tuyên truyền, phòng, chống vi phạm nồng độ cồn hiệu quả chưa cao do thói quen uống rượu bia của người dân khá phổ biến.