Ai có đề kháng tự nhiên với COVID-19?

Cơ chế lây nhiễm virus SARS-CoV-2, ai có thể nhiễm hay vắc xin đã có chưa... là những câu hỏi bạn đọc quan tâm xung quanh dịch COVID-19. Để giải đáp những thắc mắc trên, Cục Quân y (Học viện Quân y) đã đưa ra 100 câu hỏi - đáp về dịch bệnh COVID-19.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

31. Tại sao có người mắc COVID-19 thì bị bệnh, có người không bị?

Khi bị nhiễm mầm bệnh, một người có bị bệnh hay không sẽ phụ thuộc vào các yếu tố từ mầm bệnh và các yếu tố từ người bị nhiễm mầm bệnh. Bị bệnh hay không là kết quả của cuộc chiến giữa mầm bệnh và con người, nếu mầm bệnh thắng thì người đó sẽ bị bệnh. Cùng một người nhưng nếu bị nhiễm với số lượng virus ít và độc lực của virus thấp có thể sẽ không phát thành bệnh; cùng lượng virus nhưng khả năng đề kháng chống virus của mỗi người khác nhau, trong đó người có sức đề kháng tốt có thể không bị bệnh. Vì vậy, bên cạnh việc bảo vệ bản thân hạn chế lây nhiễm mầm bệnh, luyện tập làm tăng sức đề kháng chung cũng góp phần phòng chống bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.

32. Có ai có đề kháng tự nhiên với COVID-19 hay không?

Hoàn toàn có thể có. Những người có đột biến gen mã hóa thụ thể dành cho virus làm cho virus không thể chui được vào bên trong tế bào là người có khả năng đề kháng tự nhiên với virus. Điều này đã được khẳng định ở trường hợp của HIV.

Tuy nhiên, còn quá sớm để tìm ra người có đề kháng tự nhiên với COVID-19. Hy vọng công nghệ giải mã bộ gen người hiện nay đã rất phát triển cho phép giải trình tự toàn bộ bộ gen người trong thời gian ngắn và giá thành thấp sẽ tạo điều kiện sàng lọc trong số những người nhiễm hoặc phơi nhiễm với COVID-19 nhưng không bị bệnh. Bằng cách đó có thể sẽ tìm ra được những người có đột biến gen tạo khả năng đề kháng tự nhiên với COVID-19.

33. Cơ thể người đề kháng với COVID-19 như thế nào?

Là một virus hoàn toàn mới, lần đầu tiên xuất hiện ở người nên chưa ai có đề kháng đặc hiệu với virus. Vì vậy, cơ thể người mới mắc COVID-19 lần đầu tiên sẽ đề kháng chống virus bằng những phương thức tự nhiên không đặc hiệu trước (chủ yếu là các yếu tố hóa học trong dịch tiết của niêm mạc đường hô hấp).

Nếu cơ chế này chiến thắng thì người đó không bị bệnh. Nếu cơ chế này thất bại thì người đó bị nhiễm mầm bệnh vào bên trong các tế bào. Lúc này, hệ thống miễn dịch của cơ thể người nhiễm virus sẽ phát triển các cơ chế đề kháng đặc hiệu để loại bỏ virus và cả các tế bào đã bị nhiễm virus.

Đây là cuộc chạy đua giữa một bên là sức tấn công hủy diệt của virus với một bên là sức đề kháng của cơ thể khống chế sự nhân lên và loại bỏ virus cộng với khả năng tái tạo lại các tế bào đã bị tổn thương do virus. Nếu virus thắng thì bệnh sẽ tiến triển, nếu hệ miễn dịch thắng thì người bệnh khỏi bệnh.

34. Sau khi mắc COVID-19 bao lâu thì có kháng thể?

Quá trình này cần có thời gian ít nhất là 1 tuần hoặc muộn hơn tùy theo từng người, tương tự như thời gian từ khi tiêm vắc xin đến khi bắt đầu có kháng thể đặc hiệu. Khoảng thời gian này thường được gọi là “giai đoạn cửa sổ” kể từ khi nhiễm mầm bệnh đến khi có thể gián tiếp phát hiện nhiễm mầm bệnh thông qua xét nghiệm tìm kháng thể mà người đó tạo ra để chống lại mầm bệnh đã nhiễm.

Hiện nay, việc xét nghiệm tìm kháng thể IgM kháng COVID-19 cũng đã bắt đầu được áp dụng để phát hiện người mắc COVID-19. Tuy nhiên, đây chỉ là bằng chứng gián tiếp, đồng thời xét nghiệm này có nhược điểm là phải qua “giai đoạn cửa sổ” rồi mới phát hiện được.

35. Người bị bệnh do mắc COVID-19 một lần đã khỏi có bị lại bệnh này nữa không?

Có thể có hoặc không tùy theo từng điều kiện nhất định. Nếu virus SARS-CoV-2 tạo được miễn dịch bền vững như virus sởi hoặc quai bị thì không bị lại; tuy nhiên điều này chưa thể khẳng định được vì còn quá sớm. Nếu miễn dịch không bền vững, trong giai đoạn đầu mới khỏi bệnh, lượng kháng thể đủ mạnh thì có thể không bị lại, nhưng đến giai đoạn sau, lượng kháng thể đặc hiệu mất dần đi thì vẫn có thể bị lại. Trong trường hợp này thì cần sử dụng vắc xin để khôi phục lại khả năng đề kháng chống virus.

36. Có thể lấy huyết tương của người bị bệnh COVID-19 đã khỏi bệnh để chữa cho người đang bị bệnh hay không?

Có. Vì trong huyết tương (thành phần dịch lỏng của máu) người bị bệnh đã khỏi có các kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh. Chính các kháng thể này là “vũ khí” giúp cơ thể người bệnh chống lại các tác nhân gây bệnh, góp phần giúp người đó khỏi bệnh.

Truyền huyết tương (hoặc sản phẩm kháng thể tinh chế) của người bị bệnh đã khỏi cho người đang bị bệnh chính là truyền các yếu tố đã giúp người này khỏi bệnh sang cho người khác đang bị bệnh, tương tự như cung cấp “vũ khí” cho người ấy để đánh giặc. Phương pháp này đã được các bác sĩ Hồng Kông áp dụng với bệnh nhân SARS trước đây.

Điều này đòi hỏi người khỏi bệnh phải thực sự khỏi bệnh (không còn virus trong người), xét nghiệm máu có kháng thể trung hòa được virus SARS-CoV-2 và người đó đủ sức khỏe có thể hiến máu tách huyết tương chứa kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 để truyền cho bệnh nhân.

Ngoài ra, còn phải xem xét các yếu tố khác, bao gồm cả hòa hợp nhóm máu ABO và các xét nghiệm an toàn truyền máu khác, để tránh các tai biến trong điều trị bằng huyết thanh. Thực tế hiện nay, các bác sĩ Trung Quốc cũng đang bắt đầu nghiên cứu thí điểm biện pháp này cho các bệnh nhân nặng.

37. COVID-19, SARS-CoV và MERS-CoV đều là virus Corona, người bị SARS hoặc MERS đã khỏi bệnh có mắc COVID-19 nữa hay không?

Việc các virus trong cùng một họ và có bộ gen gần tương đồng mở ra hy vọng có thể có miễn dịch bảo vệ chéo giữa các loại virus này. Tuy nhiên, điều này chỉ là phỏng đoán và cần có bằng chứng thử nghiệm thực tế giữa huyết thanh kháng SARS-CoV hoặc MERS-CoV với COVID-19 mới có thể trả lời được một cách chắc chắn.

38. Tại sao dùng vắc xin dự phòng được bệnh?

Vắc xin là chế phẩm chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch, được dùng với mục đích phòng bệnh. Dùng vắc xin được ví như sử dụng “quân xanh” trong các cuộc diễn tập cho cơ thể “rèn luyện” cách đánh với một loại “địch” cụ thể nhằm tạo ra phương án đánh địch tối ưu.

Có thể coi dùng vắc xin như công việc huấn luyện, chuẩn bị trước cho hệ miễn dịch các phương án đánh địch, sẵn sàng chiến đấu một cách nhanh, mạnh và hiệu quả nhất khi “kẻ thù” là mầm bệnh thực thụ xâm nhập vào cơ thể.

39. Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh COVID-19 chưa?

Chưa. Mặc dù đã biết chắc chắn mầm bệnh và đã phân lập, nuôi cấy được virus Corona nhưng không thể dùng ngay virus SARS-CoV-2 sống để làm vắc xin vì các vấn đề về an toàn và hiệu quả của vắc xin. Vắc xin phải bảo đảm yêu cầu chỉ có tác dụng kích thích tạo miễn dịch bảo vệ và không được gây bệnh cũng như các tai biến, biến chứng do dùng vắc xin. Vì vậy, cần có thời gian nhất định mới tạo ra được sản phẩm vắc xin đảm bảo chất lượng đủ để sử dụng cho con người.

40. Khi nào thì có vắc xin phòng bệnh COVID-19?

Đã có một số phòng thí nghiệm công bố sắp chế tạo thành công vắc xin phòng bệnh COVID-19. Tuy nhiên, một vắc xin mới còn phải trải qua rất nhiều thử nghiệm để đánh giá tính an toàn và hiệu quả bảo vệ. Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dự kiến nhanh nhất là 1 năm nữa mới có vắc xin phòng bệnh COVID- 19 trên thị trường.

PGS.TS.BS LÊ VĂN ĐÔNG (HỌC VIỆN QUÂN Y) - TỔ TRƯỞNG TỔ BIÊN SOẠN

Theo Báo Lao động