9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác Tuyên giáo năm 2022

(Mặt trận) - Ngày 20/12/2021, Ban Chỉ đạo Trung ương 35 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022; ngày 23/12/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Các đồng chí chủ trì tại Hội nghịtoàn quốc tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 tại điểm cầu Hà Nội. 

Tại 2 Hội nghị này, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có những chỉ đạo quan trọng, trong đó nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với công tác Tuyên giáo năm 2022 như sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời phát hiện, biểu dương những địa phương, đơn vị làm tốt, hiệu quả; uốn nắn, chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt. Toàn Ngành phải kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục tuyên truyền, hướng dẫn, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, phấn đấu đạt được mục tiêu: đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hai là, tập trung triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được phân công trong Kế hoạch số 03- KH/TW, ngày 01/12/2021 của Bộ Chính trị về thực hiện Kết luận số 21-KL/TW. Trước mắt, sớm nghiên cứu, ban hành hướng dẫn sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quốc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; hướng dẫn, theo dõi, đánh giá việc tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt Kết luận và Kế hoạch nêu trên ở các cấp, các ngành; tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp về tuyên truyền Kết luận số 21-KL/TW và Kế hoạch số 03-KH/TW.

Trong nội bộ ngành Tuyên giáo, các cơ quan trong lĩnh vực báo chí - xuất bản, văn học nghệ thuật, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ… cần tiến hành ngay việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW, bảo đảm nghiêm túc, thận trọng, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cấp phải gương mẫu, nghiêm túc kiểm điểm, tự kiểm điểm, tự giác điều chỉnh, sửa chữa, khắc phục những tồn tại, hạn chế; tránh hình thức, chiếu lệ, xuê xoa, nể nang hoặc lợi dụng kiểm điểm, phê bình để "đấu đá", "hạ bệ" nhau với động cơ không trong sáng.

Ba là, tiếp tục tham mưu cấp ủy chỉ đạo việc thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng Đảng, nhất là thực hiện việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đưa việc học tập, làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày của mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; qua đó, giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Bốn là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, xây dựng cơ sở khoa học vững chắc cho việc hoạch định, thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; đề cao việc tự học, tự nghiên cứu của cá nhân, xây dựng chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị định kỳ, thường xuyên đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Khắc phục tình trạng ngại và lười học tập lý luận chính trị;xác định rõ động cơ, thái độ học tập đúng đắn; học tập lý luận chính trị không chỉ để nâng cao trình độ, mà phải biết áp dụng lý luận đó vào thực tiễn, tạo chuyển biến thực sự trong mỗi hành động, việc làm của cán bộ, đảng viên; tuyệt đối tránh tư tưởng học đối phó, học chỉ vì bằng cấp, để đủ điều kiện được đề bạt, nâng lương, được bổ nhiệm làm lãnh đạo.

Năm là,quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối văn hóa nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nội dung Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua, nhất là phát biểu chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư về công tác văn hóa. Ngành Tuyên giáo tập trung nghiên cứu, tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa, trong đó chú trọng xây dựng tư tưởng đạo đức, lối sống và đời sống văn hoá lành mạnh trong xã hội, trước hết trong các tổ chức Đảng và Nhà nước, trong các đoàn thể quần chúng và trong từng gia đình; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”, kiên quyết loại bỏ những phần tử thoái hoá, biến chất; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh từ cơ sở, kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động phản văn hoá, các sản phẩm độc hại, hủ tục, các tệ nạn ra khỏi cộng đồng. Trước mắt, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải nêu gương trong thực hiện việc hiếu, hỉ, văn minh, tiết kiệm; phát huy vai trò quần chúng trong xây dựng văn hóa giao thông, ứng xử có văn hóa trong công sở, trường học, bệnh viện và từng gia đình.

Sáu là, tăng cường chỉ đạo, định hướng, kịp thời chấn chỉnh hoạt động báo chí - xuất bản với phương châm “chủ động thông tin tích cực”; phát huy vai trò của báo chí - xuất bản trong tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng tư tưởng chính trị, nhân cách, giá trị sống cao đẹp; giới thiệu và nhân rộng gương người tốt, việc tốt trong xã hội. Báo chí - xuất bản phải là lực lượng sắc bén trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa ngành Tuyên giáo, Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo các cấp trong chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí - xuất bản; giáo dục, rèn luyện, đào tạo, xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, ý thức, trách nhiệm công dân trong hoạt động nghề nghiệp.

Bảy là, chủ động nắm tình hình, tích cực nghiên cứu, nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo các lĩnh vực giáo dục, khoa học, môi trường, y tế và an sinh xã hội; kịp thời phát hiện, tham mưu giải quyết, xử lý các vấn đề bất hợp lý, cản trở quá trình triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, góp phần thúc đẩy sự sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tiềm lực khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nắm chắc tình hình diễn biến của đại dịch Covid-19, chủ động tham mưu cho các cấp ủy chủ trương, giải pháp hiệu quả để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tám là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 các cấp; kịp thời định hướng, nắm bắt, phân tích, đánh giá, dự báo, phối hợp lực lượng đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hiệu quả những thông tin xấu độc trên không gian mạng; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc. Coi trọng công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là trước những sự kiện, vấn đề có tác động lớn đến đời sống xã hội, bảo đảm khoa học, chính xác, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.

Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII, kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện và vận động Nhân dân thực hiện tốt phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, mỗi ngày, mỗi người dân khi sử dụng internet, mạng xã hội đều có ứng xử  và lan tỏa thông tin tốt đẹp, lành mạnh, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng.

Các cơ quan, đơn vị nghiên cứu lý luận đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, bổ sung cơ sở lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; cung cấp luận cứ khoa học về lý luận và thực tiễn, có tính chiến đấu, tính thuyết phục cao, phục vụ hiệu quả cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Tổ chức nghiên cứu, học tập, lan tỏa sâu rộng các bài viết, bài phát biểu chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các Hội nghị toàn quốc năm 2021.

Bảo đảm dòng chủ lưu thông tin tích cực trên hệ thống báo chí, truyền thông. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông phát huy tối đa thế mạnh của các phương thức truyền thông hiện đại, hệ thống báo điện tử và mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ thông tin chính thống, tích cực, nhất là thông tin liên quan đến các sự kiện chính trị quan trọng, vụ việc phức tạp, nhạy cảm, được dư luận quan tâm. Kiên quyết xử lý các cơ quan báo chí, phóng viên vi phạm tôn chỉ, mục đích, đạo đức nghề nghiệp, quy chế hành nghề, quy định phát ngôn.

Chín là, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp; để hoàn thành sứ mệnh “đi trước mở đường” cán bộ tuyên giáo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, hiểu biết rộng, đủ khả năng thuyết phục, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân tin và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lý giải  thuyết phục các vấn đề thực tiễn đang diễn ra. Mỗi đồng chí cán bộ làm công tác tuyên giáo phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ lý luận, khả năng tư duy, phương pháp giải quyết các vấn đề tư tưởng, phải say mê, tâm huyết với công tác của mình. Chỉ khi nào say mê, tâm huyết, có trí tuệ, phương pháp tốt, chúng ta mới nâng cao được tính thuyết phục, tính chiến đấu, tính khoa học để cảm hóa, truyền cảm hứng của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung hơn cho công tác xây dựng Đảng, nhất là chính trị, tư tưởng, đạo đức bảo đảm trong sạch, vững mạnh và quan tâm hơn nữa đến chỉ đạo ngành Tuyên giáo để Ngành tiếp tục phát huy những thành công, kinh nghiệm đã đạt được trong năm 2021, tiếp tục cố gắng, nỗ lực và sáng tạo hơn để vượt qua những khó khăn thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm tới.