76 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2021): Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng tháng Tám

(Mặt trận) - Thắng lợi Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, là mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm của dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, trực tiếp tham gia chiến đấu bên cạnh các cơ sở, lực lượng dân quân ở các địa phương, đóng vai trò nòng cốt, quyết định sự thành công của Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: Tư liệu TTXVN 

Thắng lợi đó gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với những quyết định lịch sử

Mùa thu năm 1945, cả dân tộc Việt Nam vùng lên lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật, đánh đuổi thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong bản hùng ca ấy, không thể không kể đến vai trò lĩnh xướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã có những quyết định quan trọng, góp phần to lớn tạo nên thắng lợi của cách mạng mùa thu năm ấy, làm thay đổi vận mệnh nước nhà.

Quyết định đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng chính là việc người thanh niên Nguyến Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5/6/1911. Từ Bến cảng Nhà Rồng, với một quyết tâm cháy bỏng “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, trải bao khó khăn, vất vả Người đã tiếp cận với Luận cương của V.I. Lênin, từ đó hình thành nên con đường cứu nước.

Đội du kích Ba Tơ thành lập ngày 14/3/1945 sau ngày khởi nghĩa Ba Tơ (Quảng Ngãi) nổ ra và giành thắng lợi (11/3/1945), thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân, là lực lượng nòng cốt, trực tiếp tham gia chiến đấu trong tổng khởi nghĩa ở miền Trung, góp phần vào thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát 

Quyết định quan trọng thứ hai của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Sự ra đời của Đảng với hệ thống tổ chức chặt chẽ và cương lĩnh cách mạng đúng đắn đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về lãnh đạo cách mạng kéo dài mấy chục năm đầu thế kỷ XX. Sự ra đời của Đảng là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính chất quyết định cho những bước phát triển trong tiến trình lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam, được mở đầu bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngay từ ngày mới thành lập "Đảng đã giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời, xé tan màn đêm đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong".

Quyết định quan trọng tiếp theo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là trở về nước vào ngày 28/1/1941 và chọn Cao Bằng là nơi xây dựng căn cứ cách mạng. Ở đây, Người và các đồng chí bắt tay vào công tác vận động, tập hợp và tổ chức lực lượng quần chúng.

Sau thời gian xây dựng thí điểm các đoàn thể cứu quốc, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh ngày 19/5/1941. Đây là quyết định về tổ chức có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cách mạng Việt Nam lúc này. Cùng với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là sự phát triển mạnh mẽ của các đoàn thể trong mặt trận, như: Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc… Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, mọi tầng lớp nhân dân yêu nước được tập hợp đoàn kết tham gia phong trào đứng lên đánh đổ thực dân xâm lược giành độc lập tự do. Có thể nói, sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là yếu tố quyết định cho thắng lợi Cách mạng tháng Tám.

Song song với việc thành lập Mặt trận Việt Minh, để làm cơ sở và nòng cốt cho đấu tranh chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho xây dựng lực lượng vũ trang mà đầu tiên là thành lập đội vũ trang Cao Bằng, làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cách mạng, huấn luyện chính trị quân sự cho các đội tự vệ, dân quân du kích địa phương, hậu thuẫn cho các cuộc đấu tranh của quần chúng. Đến tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Ngay sau khi thành lập đội đã gây được tiếng vang lớn với chiến thắng diệt gọn 2 đồn địch ở Phay Khắt và Nà Ngần. Uy tín của đội lan tỏa khắp cả nước và nhiều địa phương cũng đã chủ động thành lập các đội vũ trang. Lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh đã tạo điều kiện vô cùng quan trọng cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.

Ngày 28/8/1945, đoàn Giải phóng quân ở Việt Bắc về duyệt binh ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản/TTXVN phát 
Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về căn cứ cách mạng, tổ chức chính trị, lực lượng cách mạng đặc biệt là đội quân vũ trang tinh nhuệ, cùng với yếu tố thuận lợi về thời cơ cách mạng, quân và dân ta đồng loạt đứng dậy tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.

Theo đó, từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhận định thời cơ đã đến, quyết định Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Lúc này, thời cơ thắng lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Ngay trong đêm ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa đã ra Quân lệnh số 1, phát lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng do Người làm Chủ tịch. Trong thư kêu gọi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Tại Sài Gòn, ngày 25/8, hơn một triệu quần chúng nội thành và ven đô cùng một số tỉnh lân cận tiến hành mít tinh, tuần hành vũ trang khổng lồ, lật đổ chính quyền phát xít Nhật. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát 

Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8). Đặc biệt, ngày 19/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội gây tiếng vang lớn trong cả nước. Cuộc khởi nghĩa nổ ra thắng lợi ở Hà Nội đã góp phần làm tan rã nhanh chóng toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền tay sai của Nhật trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần "đem sức ta mà giải phóng cho ta" đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong 15 ngày, từ 13 đến 28/8/1945. Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân.

Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn người dân nước Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên của độc lập, tự do, tạo thế và lực cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Ảnh: Tư liệu TTXVN 

Biểu tượng sức mạnh dân tộc và tinh thần thời đại

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trước hết đã chứng minh rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Sau này, Đảng ta đã tiếp tục lãnh đạo nhân dân đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là hội tụ của ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; là thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo để “lựa tình thế, chọn thời cơ”, đưa ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo ở tầm chiến lược. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 cũng chứng minh rằng, một dân tộc dù nhỏ bé nhưng nếu có truyền thống nồng nàn yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, thông minh, sáng tạo dưới sự lãnh đạo của đảng cách mạng chân chính thì vẫn có thể làm nên những sự kiện vĩ đại có tầm vóc và đi vào lịch sử của dân tộc và thế giới.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là động lực mạnh mẽ cổ vũ toàn thể dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đưa nước ta phát triển để có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay.

Cách mạng tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong ảnh: Quần chúng nhân dân Thủ đô đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ, ngày 19/8/1945. Ảnh: TTXVN 

Không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Việt Nam, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 đã cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, mở ra thời kỳ tan rã của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới. Đánh giá ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc".

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc mà ý nghĩa của những tư tưởng đó vẫn còn giá trị lâu dài. Nhiều bài học kinh nghiệm trong Cách mạng tháng Tám của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Đó là bài học về chớp thời cơ và tận dụng thời cơ để giành thắng lợi. Bài học về tập hợp, đoàn kết, lôi cuốn toàn dân tham gia sự nghiệp cách mạng, tham gia sự nghiệp xây dựng đất nước; nâng cao ý thức tự lực tự cường, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của dân tộc, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế. Bài học về xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, việc áp dụng các bài học trên, nhất là bài học về phát huy tinh thần đại đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau… sẽ tạo nên sức mạnh to lớn, góp phần giúp chúng ta đẩy lùi dịch bệnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt sau phiên họp đầu tiên, sáng 3/9/1945. Tại phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề về sự cần thiết phải có một bản Hiến pháp dân chủ cho nước Việt Nam. Ảnh: TTXVN 

Đã 76 năm trôi qua nhưng thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn là một sự kiện diệu kỳ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Diễn ra và giành thắng lợi trong một thời gian ngắn, nhưng Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã để lại nhiều bài học quý báu cho Đảng và nhân dân ta trong hành trình hướng đến tương lai.

 Cách mạng Tháng Tám tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân tộc. Cuộc cách mạng lấy dân làm gốc, đoàn kết, tập hợp nhân dân, "lấy sức ta giải phóng cho ta," đã tạo nên cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ.