5 nhiệm vụ công tác của Chủ tịch nước thời gian tới

(Mặt trận) - Kết quả công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Chủ tịch nước Lương Cường chúc Tết, tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ông Hầu A Lềnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bộ máy mới ổn định, vận hành hiệu quả

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo công tác của Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Sáng 24/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo vắn tắt một số hoạt động và chương trình công tác của Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021 tại Phiên khai mạc kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trên các cương vị được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao cho, Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV.

“Kết quả công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới; quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề quốc kế dân sinh và những vấn đề bức xúc trong xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thúc đẩy quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.

5 bài học kinh nghiệm quý báu

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN). 

Từ những hoạt động phong phú, đa dạng và hiệu quả trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã chỉ rõ 5 bài học kinh nghiệm lớn.

Một là, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội; đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát nhiệm vụ được giao, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Hai là, tăng cường công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, thực hiện tốt hơn nữa các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

Ba là, luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; nhân dân là trung tâm; trọng dân, gần dân, hiểu dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Bốn là, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Năm là, tiếp tục mở rộng, phát triển và nâng cao quan hệ đối ngoại, tạo sự tin cậy chính trị ổn định, bền vững với các đối tác nước ngoài; xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác; thúc đẩy quan hệ đối ngoại tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch nước sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau.

5 nhiệm vụ, phương hướng trọng tâm thời gian tới

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN). 

Một là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp; tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc nghiên cứu, xem xét, hoàn thiện các văn bản luật liên quan đến việc ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; nghiên cứu, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có nội dung về cải cách tư pháp.

Ba là, tham gia chỉ đạo công tác ngoại giao của Đảng, Nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Bốn là, tập trung chỉ đạo công tác quốc phòng - an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Năm là, quan tâm lãnh đạo và tổ chức, triển khai các phong trào Thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, gắn các phong trào Thi đua yêu nước với việc "Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, MTTQ Việt Nam với các Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN