(Mặt trận) - Bốn tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai đã có phản hồi về phương án đi lại của người lao động giữa các địa phương này với TP.HCM.
Phương án tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển, khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn được UBND TP.HCM gửi 4 tỉnh giáp ranh góp ý từ hôm 1/10.
Đối tượng vận chuyển là công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) đến trụ sở sản xuất đóng trên địa bàn TP,.HCM và ngược lại.
TP.HCM đưa ra 2 phương án tổ chức cho người lao động di chuyển giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận gồm: vận chuyển bằng ô tô và công nhân tự lái xe cá nhân đi làm.
Với hai phương án này, khi di chuyển, đối tượng vận chuyển cũng như đội ngũ người phục vụ, tài xế phải đủ điều kiện đã tiêm ngừa Covid-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần).
Tỉnh Đồng Nai đồng ý người lao động khi đi làm việc được chuyên chở bằng ôtô, với điều kiện bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch.
Trong đó, người lao động phải được tiêm 1 mũi vắc xin ngừa Covid-19 đủ 14 ngày hoặc là người đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng.
Tạm thời chưa đồng ý về phương án để người lao động tự lái xe cá nhân (ô tô, xe máy) giữa Đồng Nai và TP.HCM.
UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, tỉnh vẫn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 và tiếp tục thực hiện các biện pháp để từng bước phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Đối với hoạt động vận tải hàng hóa, tỉnh Đồng Nai đề nghị thực hiện theo "Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng ôtô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19" của Bộ GTVT ban hành, để đảm bảo thực hiện thống nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành.
Tỉnh Đồng Nai cho biết, ngay khi đủ điều kiện trở lại trạng thái bình thường mới, tỉnh sẽ có văn bản thông báo đến TP.HCM.
Tỉnh Tây Ninh: UBND tỉnh này sau khi tiếp nhận văn bản từ UBND TP.HCM đã giao Sở GTVT Tây Ninh tham mưu có ý kiến đối với dự thảo phương án tổ chức cho người lao động di chuyển giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Theo phản hồi của giám đốc Sở GTVT Tây Ninh Nguyễn Tấn Tài, tỉnh cơ bản thống nhất với dự thảo về phương án đi lại liên tỉnh, chỉ góp ý về thời gian sau khi tiêm vắc xin và thời hạn xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.
Tỉnh Tây Ninh đề nghị đối tượng vận chuyển, người phục vụ, người điều khiển phương tiện, người ngồi trên xe phải đáp ứng đã tiêm ngừa Covid-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 21 ngày sau khi tiêm) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng. Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả).
Bình Dương, Long An cho phép người lao động lái xe cá nhân qua lại với TP.HCM
Trong văn bản góp ý phương án di chuyển liên tỉnh của người lao động nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn của UBND TP.HCM, tỉnh Bình Dương thống nhất với phương án.
Tỉnh Bình Dương cho phép đưa đón chuyên gia, người lao động đi lại làm việc liên tỉnh, cũng như cho phép người dân đi xe cá nhân giữa vùng giáp ranh của hai địa phương, kèm theo một số điều kiện như: đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và có giấy xét nghiệm âm tính 7 ngày/1 lần.
UBND tỉnh Bình Dương đề nghị người lưu thông liên tỉnh bằng xe cá nhân phải có giấy xác nhận về việc lưu thông thể hiện nội dung về địa điểm, cung đường theo mẫu thống nhất.
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị việc người lao động di chuyển bằng xe cá nhân liên tỉnh chỉ áp dụng với các địa bàn giáp ranh của 2 địa phương là TP Thủ Đức (TP.HCM), TP Thuận An, và TP Dĩ An (Bình Dương).
Để tạo điều kiện cho việc lưu thông, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị cho phép doanh nghiệp tự thực hiện xét nghiệm cho người lao động và tự chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm này, hoặc tổ chức xét nghiệm cho người lao động thông qua các cơ sở y tế.
Trong khi đó, UBND tỉnh Long An cơ bản thống nhất phương án tổ chức cho người lao động di chuyển giữa TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh.
Tuy nhiên, tỉnh Long An đề nghị UBND TP.HCM cân nhắc, điều chỉnh việc bỏ giấy nhận diện theo mẫu, chỉ cần nhận diện bằng văn bản trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp do các Sở GTVT trong khu vực cấp (4 tỉnh và TP.HCM).
Động thái này được tỉnh Long An đưa ra góp ý là nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cấp do số lượng phương tiện của từng doanh nghiệp lớn (thời gian chấp thuận bằng văn bản chung cho doanh nghiệp sẽ được rút ngắn so với việc cấp giấy nhận diện cho từng phương tiện).
Tuấn Kiệt