3 nguy cơ bùng phát diện rộng và 4 viễn cảnh kết thúc dịch Covid-19

Dịch Covid-19 liệu có tiếp tục bùng phát trên quy mô lớn và khi nào đại dịch toàn cầu này sẽ chấm dứt?

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả“

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Covid-19 đã trở thành một đại dịch toàn cầu "càn quét" qua mọi châu lục, trừ châu Nam Cực khi khiến gần 146.000 người nhiễm bệnh và ít nhất hơn 5.400 người tử vong (cho tới ngày 14/3).

Việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch Covid-19 là một đại dịch có tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu nhưng động thái này cũng có ý nghĩa quan trọng qua việc huy động được mọi nguồn lực để kiềm chế sự lây lan nhanh của dịch bệnh. WHO khẳng định đây là đại dịch đầu tiên do virus corona chủng mới gây nên nhưng cũng nhấn mạnh đại dịch này "có thể kiểm soát được".

Dịch Covid-19 liệu có tiếp tục bùng phát trên quy mô lớn và khi nào đại dịch toàn cầu này sẽ chấm dứt? Ảnh: Reuters

Có thể việc tăng nhanh các ca nhiễm như chúng ta thấy ở nhiều quốc gia hiện nay là do dịch bệnh đã đạt đỉnh tại các nước đó. Hoặc cũng có thể số ca nhiễm tăng cao là kết quả từ việc nhiều quốc gia đã có những tiến triển trong việc xét nghiệm và nhanh chóng phát hiện thêm được các trường hợp nhiễm mới. Trong cả hai trường hợp, việc chủ động về nguồn lực luôn là yếu tố quan trọng.

Các trường hợp mắc Covid-19 cũng có thể đã bị bỏ qua trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát do các triệu chứng tương tự như cúm và thời kỳ đầu dịch Covid-19 trùng với thời điểm cúm mùa ở bán cầu bắc.

3 nguy cơ khiến dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô lớn

Nguy cơ thứ nhất có thể khiến dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô lớn nằm ở những người mắc bệnh được gọi là "bệnh nhân siêu lây lan". Trung bình nếu một ai đó bị nhiễm Covid-19, người này sẽ lây nhiễm cho 2 - 3 người khác. Sau đó, sẽ có những người mang mầm bệnh không lây nhiễm virus này cho bất cứ ai và cũng có những người, được gọi là các trường hợp "siêu lây lan", có thể khiến virus này lây nhiễm nhanh chóng tới nhiều người, cao hơn tỷ lệ trung bình trên.

Leong Hoe Nam, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm chuyên gia Mount Elizabeth Novena nhận định một bệnh nhân nếu truyền nhiễm cho ít nhất 5 - 10 người khác sẽ được coi là một trường hợp "siêu lây lan".

Ngoài ra, còn có những "sự kiện siêu lây lan", chẳng hạn như trường hợp của du thuyền Diamond Princess khi bị cách ly ngoài khơi Nhật Bản 14 ngày với 696 người nhiễm bệnh trong tổng số 3.711 người trên tàu.

Thứ hai, việc tập trung đông người cùng nhau, cũng có nguy cơ gây ra những đợt bùng phát dịch bệnh lớn nếu có một ai đó trong những người này mắc bệnh.

Sự bùng phát dịch Covid-19 nhanh chóng và rộng khắp ở Hàn Quốc giữa các thành viên trong giáo phái Tân Thiên Địa là một ví dụ khi những người này chiếm hơn một nửa trong số hơn 7.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này.

Trường hợp thứ 3 có thể dẫn đến dịch bệnh bùng phát trên diện rộng là ở những cộng đồng có số lượng lớn những người nghi nhiễm virus. Minh chứng trường hợp này là khi dịch Covid-19 bùng phát tại viện dưỡng lão Life Care Center ở Seattle, Washington - 1 trong những tâm chấn dịch Covid-19 tại Mỹ sau khi chứng kiến ít nhất 5 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington tuần trước đã kết luận rằng virus SARS-CoV-2 có thể đã lây lan nhiều tuần ở Mỹ, sau khi so sánh các mẫu gien của 1 trường hợp gần đây từ viện dưỡng lão trên.

Dịch Covid-19 sẽ kết thúc như thế nào?

Dù dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan trên toàn cầu nhưng đến một thời điểm nào đó, dịch bệnh này sẽ kết thúc mặc dù các nhà virus học và các nhà dịch tễ học không biết chính xác việc này sẽ diễn ra như thế nào. Tuy nhiên theo các chuyên gia, dưới đây là một số cách dịch Covid-19 sẽ kết thúc

Ngăn chặn thành công

Các biện pháp ngăn chặn hợp lý có thể chấm dứt dịch Covid-19, Tiến sĩ William Schaffner - giám đốc y khoa thuộc Quỹ Bệnh truyền nhiễm Quốc gia cho biết. Chuyên gia này đã dẫn việc dịch SARS đầu những năm 2000 là một ví dụ.

"Dịch SARS đã được kiểm soát qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà chức trách y tế công cộng và những chuyên gia lâm sàng - những người có thể chẩn đoán các trường hợp, cách ly các bệnh nhân nhiễm bệnh, theo dõi liên lạc của họ và thực hiện các chính sách kiểm soát sự lây nhiễm một cách mạnh mẽ", ông Schaffner cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Fox News.

Những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh ở Trung Quốc dường như đang hiệu quả, ít nhất là theo các số liệu chính thức mà nước này công bố. Số ca nhiễm ở Trung Quốc giảm mạnh khi ngày 12/3, lần đầu tiên nước này ghi nhận số ca nhiễm và số ca tử vong trong ngày chỉ có 1 chữ số, thấp hơn nhiều so với con số khoảng vài nghìn ca nhiễm/ngày cách đó một vài tuần.

Tỉnh Hồ Bắc với thủ phủ là thành phố Vũ Hán - tâm chấn dịch Covid-19, bị phong tỏa đã ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 60 triệu người dân. Những nơi khác trên khắp quốc gia này cũng thực hiện nghiêm túc và mạnh mẽ các biện pháp cách ly và hạn chế đi lại. WHO đã khen ngợi các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Trung Quốc trong khi nhiều nước châu Âu hiện nay cũng đang nỗ lực tiến hành các biện pháp cách ly, phong tỏa một số khu vực, đóng cửa trường học, hạn chế tụ tập nơi đông người... với hy vọng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Thời tiết ấm lên

Một khả năng nữa được đưa ra là virus corona chủng mới sẽ yếu dần khi thời tiết ấm lên nhưng hiện nay vẫn chưa rõ liệu thời điểm mùa xuân và mùa hè có khiến dịch Covid-19 chấm dứt hay không.

Hiện nay, các quốc gia có tỷ lệ truyền nhiễm cao đều là những nước có nhiệt độ từ 10 - 15 độ C hoặc thấp hơn như Hàn Quốc, Italy, và các nước châu Âu khác, cũng như khu vực đông bắc và tây bắc nước Mỹ.

Trong khi nhiều nước nhiệt đới vẫn có một số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất định thì cho tới nay, các nước này không có sự lây nhiễm rộng trong cộng đồng, có lẽ do thời tiết nóng ẩm giúp ngăn cản sự lây lan nhanh chóng của chủng virus này.

"Nếu virus SARS-CoV-2 giống như các virus hô hấp khác, chẳng hạn như cúm, thì nó sẽ yếu đi khi thời tiết ấm lên", chuyên gia Schaffner nhận định.

Nhưng hiện vẫn còn quá sớm để chắc chắn về khả năng này. Các nhà khoa học vẫn đang làm nghiên cứu để hiểu hơn về virus SARS-CoV-2.

Nếu virus SARS-CoV-2 không nhạy cảm với nhiệt độ, sự lây lan của dịch bệnh sẽ tiếp diễn trên toàn thế giới trong nhiều tháng, ít nhất là cho đến khi có sự miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng (còn được gọi là miễn dịch bầy đàn, miễn dịch dân số, hay miễn dịch xã hội) là một hình thức bảo vệ gián tiếp nhằm chống lại một căn bệnh truyền nhiễm nào đó khi một tỷ lệ lớn dân cư đã trở nên miễn dịch với virus gây bệnh, và từ đó tạo nên một lớp bảo vệ cho những người không miễn dịch.

Các nhà khoa học đang tính toán tỷ lệ dân số nhiễm bệnh sẽ là bao nhiêu trong trường hợp của dịch Covid-19. Với đại dịch H1N1 năm 2009, chúng ta biết rằng tỷ lệ này là khoảng 1/4 dân số sau đợt nhiễm bệnh đầu tiên.

Chúng ta cũng biết rằng dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn cúm thông thường, vì thế, hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt của những quốc gia thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình sẽ bị tác động đáng kể nếu một lượng lớn dân số như vậy nhiễm bệnh.

"Chúng tôi hy vọng thời điểm mùa xuân sẽ khiến virus này yếu đi nhưng những suy đoán này vẫn chưa rõ ràng. Virus corona chủng mới là một virus hô hấp và chúng tôi biết rằng các loại virus hô hấp thường xuất hiện theo mùa nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Chẳng hạn virus cúm thường xuất hiện theo mùa ở Mỹ nhưng tại một số khu vực trên thế giới, nó xuất hiện quanh năm. Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu biết rõ nguyên nhân tại sao mặc dù chúng tôi đã nghiên cứu về cúm trong nhiều năm. Virus corona chủng mới chỉ vừa được phát hiện vào tháng 12 năm ngoái. Còn quá sớm để biết chắc tác động của thời tiết ấm hơn đến dịch bệnh này sẽ là gì".

Vaccine

Một điều quan trọng cần lưu ý là dù các biện pháp điều trị chống virus hoặc vaccine có thể giúp chấm dứt đại dịch này nhưng việc tìm ra một loại vaccine sẽ cần ít nhất tới 18 tháng, WHO cho biết hồi tháng trước.

Việc phát triển vaccine sẽ cần nhiều nghiên cứu, cũng như thời gian và trong quá trình đó, chúng ta không thể không phòng bị gì trước sự tấn công của chủng virus này.

Dù vậy, mới đây, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Queensland (Australia) vừa tìm ra loại vaccine có khả năng đối phó với Covid-19 và dự kiến, vaccine này sẽ được đưa vào thử nghiệm trên người vào giữa năm nay, trong khi việc sản xuất với số lượng lớn có thể diễn ra vào cuối năm 2020.

SARS-CoV-2 trở thành virus theo mùa

Mặc dù dịch Covid-19 sẽ kết thúc nhưng virus SARS-CoV-2 có thể sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn. Thay vào đó, nó có thể thành một dịch bệnh giống như cảm lạnh thông thường.

"Nó có lẽ sẽ trở thành một phần trong các loại bệnh cúm mùa và cảm lạnh hàng năm", chuyên gia Schaffner nhận định. Dù vậy, với viễn cảnh này, có thể virus SARS-CoV-2 sẽ có ít tác động hơn so với hiện tại bởi sẽ có nhiều người miễn dịch trước chủng virus này hơn, trang Live Science cho biết.