(Mặt trận) -Chiều 8/12, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã chủ trì tọa đàm khoa học “Đổi mới công tác tổ chức bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp trong giai đoạn hiện nay”.
|
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Trong giai đoạn hiện nay, MTTQ Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng mang ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền nhân dân.
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của đất nước, Mặt trận phải không ngừng nâng cao, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam có đầy đủ phẩm chất năng lực và kỹ năng hoàn thành tốt công việc.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn công tác tổ chức bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp, đánh giá thực trạng, phân tích những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp đổi mới công tác này đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo PGS.TS. Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, từ khi chính thức trở thành một đơn vị sự nghiệp độc lập trên lĩnh vực bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học về công tác Mặt trận, Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam đã thực hiện được nhiều công việc đáng ghi nhận.
Để làm tốt công tác tổ chức bồi dưỡng cán bộ trong thời gian tới, PGS.TS. Lê Bá Trình đề xuất, MTTQ Việt Nam cần có chương trình, kế hoạch tổng thể, thống nhất về bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ MTTQ các cấp trong cả nhiệm kỳ và hàng năm, khắc phục được tình trạng phân tán, không liên thông về mặt chuyên môn từ Trung ương đến cơ sở, đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả cho việc trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác Mặt trận.
Ở khía cạnh khác, bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, tài liệu giảng dạy là mấu chốt, quyết định tính hiệu quả của công tác bồi dưỡng cán bộ Mặt trận. Vì vậy, mỗi giảng viên, báo cáo viên cần thiết kế giáo trình, bài giảng điện tử đa dạng, sinh động, phân bổ thời gian giảng dạy lý thuyết và thực hành hợp lý, từ đó tạo được cảm hứng cho học viên dự học. Nguồn tư liệu cần được cơ sở đào tạo bổ sung, hoàn thiện để hỗ trợ quá trình giảng dạy.
Bên cạnh đó, việc truyền tải nội dung của tài liệu đến học viên cần được Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học chú trọng đổi mới. Cụ thể, Trung tâm cần đáp ứng đầy đủ trang thiết bị học tập cho học viên, trang bị máy chiếu, màn hình, ứng dụng công nghệ thông tin cho các bài giảng điện tử, các tài liệu phim, ảnh lịch sử, tạo môi trường học tập, sinh hoạt chuyên nghiệp cho học viên.
Đồng thời, giảng viên, báo cáo viên cần có sự linh hoạt, tích cực bổ sung kiến thức mới, đổi mới thông tin, cập nhật tính thời sự vào trong giáo trình, bài giảng, đáp ứng lượng kiến thức truyền đạt phù hợp với tình hình mới.
|
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu chủ trì buổi tọa đàm. |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, việc trang bị kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ công tác Mặt trận cho cán bộ Mặt trận là một trong những yêu cầu bức thiết của việc xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp hiệu nay và trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong muốn, từ những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, Ban chủ nhiệm đề tài cần tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện đề tài, đồng thời, lãnh đạo Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam cần trực tiếp nghiên cứu để tham mưu cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, phục vụ cho quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trong đổi mới công tác tổ chức bồi dưỡng cán bộ Mặt trận trong giai đoạn hiện nay.
TIẾN ĐẠT