Làm rõ các giá trị và nguồn lực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

(Mặt trận) - Chiều 14/6, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu Đề tài khoa học cấp cơ sở "Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Các giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay".

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 Quang cảnh Hội nghị

Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài, ThS Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ nhiệm đề tài cho biết, Tôn giáo là một bộ phận thiết yếu của thượng tầng xã hội và là một bộ phận của phức hợp những yếu tố thiết yếu mà trong đó con người sống dù là theo sự sắp xếp của trật tự các quan hệ xã hội. Khi Nhà nước đặt vấn đề nhận diện, phát huy giá trị, nguồn lực tôn giáo thì sự phát triển của tôn giáo sẽ là sự phát triển có định hướng, nguồn lực tôn giáo được tập trung để phục vụ sự nghiệp cách mạng của Dân tộc.

Tuy nhiên phát huy nguồn lực và các giá trị của tôn giáo như thế nào là một nội dung cần sự thổng nhất về nhận thức, hơn thế là sự chỉ đạo của Trung ương về việc cụ thể hóa quan điểm phát huy nguồn lực, giá trị tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội của Đảng thành quy định của pháp luật, từ pháp luật về dân sự, kinh tế, đất đai đến giáo dục, y tế, dạy nghề và từ thiện, nhân đạo, bảo trợ xã hội,...

 

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, Ban Chủ nhiệm chọn nghiên cứu Đề tài khoa học: “Thiền phái Trúc lâm Yên Tử - Các giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay” vừa đảm bảo việc góp phần khẳng định và hiện thực hóa quan điểm tiến bộ của Đảng trong công tác tôn giáo: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo trong quá trình phát triển đất nước” cũng như góp phần hiện thực hóa quan điểm đó trong đời sống thực tiễn. Việc nghiên cứu Đề tài cũng là tiền đề, cơ sở khoa học góp phần đề xuất với Đảng, Nhà nước, Mặt trận tiếp tục đẩy mạnh quá trình nghiên cứu về các giá trị của tôn giáo và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm phát huy các giá trị, nguồn lực của tôn giáo trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Không chỉ vậy, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang giá trị văn hóa tiêu biểu, mang hồn cốt của dân tộc Đại Việt. Những giá trị văn hóa, đạo đức của Thiền phái là sức mạnh nội tại, là xương sống để gìn giữ hồn thiêng sông núi, là sợi chỉ thắm để tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn Dân tộc, kiến tạo nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Hiện tại, những giá trị văn hóa, đạo đức của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vẫn đang từng ngày tiếp tục thẩm thấu trong mạch sống Dân tộc, tạo nên nét văn hóa đặc sắc trong nền văn hóa Phật giáo Việt Nam, góp mặt trong dòng văn hóa dân tộc. Đặc biệt là trong bối cảnh của Thời đại Hội nhập và toàn cầu hóa, những giá trị của nó sẽ không ngừng phát huy hơn nữa.

 

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao chất lượng nội dung nghiên cứu của đề tài. Phần lớn đại biểu cho rằng đề tài có phương pháp nghiên cứu tốt, chuyên sâu và khoa học, phân tích, đánh giá theo các giai đoạn lịch sử, dẫn chứng rõ ràng, cụ thể, từ đó có được cơ sở khoa học, nghiên cứu nghiêm túc, làm rõ các giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong giai đoạn hiện nay.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu kết luận Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, đề tài có nội dung nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã đề xuất được một số khái niệm quan trọng, đề cập đến quan điểm của Đảng, Nhà nước, vai trò của MTTQ Việt Nam về phát huy vai trò văn hóa, đạo đức và nguồn lực tôn giáo, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, nội dung của đề tài có ý nghĩa quan trọng, cung cấp những thông tin tổng quan cũng như thông tin chi tiết, cụ thể về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp, kiến nghị, cụ thể, có giá trị tham khảo đối với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến MTTQ Việt Nam.

Ghi nhận sự nỗ lực, tâm huyết của nhóm nghiên cứu đề tài, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, Ban Chủ nhiệm đề tài cần nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, đặc biệt là các ý kiến phản biện tại Hội nghị để tiếp tục hoàn thiện đề tài. Trong đó điều chỉnh lại cách diễn đạt tại một số chương, phân tích định nghĩa chi tiết hơn các khái niệm. Về phần đối tượng, phạm vi, nội dung nghiên cứu, cần có sự phân biệt giữa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; đồng thời rà soát lại các kiến nghị, tập trung vào các kiến nghị có liên quan tới giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay.

Qua bỏ phiếu, Hội đồng nghiệm thu đã công nhận Đề tài đạt loại xuất sắc.