Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

(Mặt trận) -Ngày 4/4, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và đánh giá việc thể chế hóa Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư trong dự thảo Luật.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 Quang cảnh Hội thảo

Dự và chủ trì Hội thảo có ông Lê Quang Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010). Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết về kịp thời thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế; trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập sau 12 năm ban hành, tổ chức thực hiện các quy định hiện hành cho thấy Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cần được sửa đổi, bổ sung.

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 07 Chương, 79 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021. Các nhóm Chính sách này đồng thời cũng bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cẩu của Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 22/1/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Hiện nay, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật đang trong quá trình hoàn thiện dự án Luật để dự kiến, Quốc hội sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến, xem xét thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5 tới.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào các nội dung: Bảo vệ người tiêu dùng trong thời đại thương mại điện tử; Trách nhiệm của cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc bảo vệ người tiêu dùng; Thực hiện các qui định của pháp luật về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung...

 Ông Nguyễn Văn Hùng - nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội.

Đánh giá việc thể chế hoá Chỉ thị số 03CT/TW  ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của  Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong dự thảo “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)”, TS.Nguyễn Văn Hùng - nguyên Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, Uỷ viên Hội đồng Tư vấn Văn hoá - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)” cần đi vào cuộc sống một cách thực chất như tập trung vào lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, mua sắm tài sản công, mua bán hàng hóa, của người dân. Mặt khác, Luật phải làm rõ hơn quyền lợi của người tiêu dùng trong sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, TS.Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, cần quan tâm Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, nhân lực trong việc bảo vệ người tiêu dùng hay hòa giải với các đơn vị bán hàng khi xảy ra kiện cáo, tranh chấp trong mua bán, phân phối hàng hóa.

TS.Nguyễn Văn Hùng đề xuất với Ban soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần nêu rõ hơn trong dự án Luật về việc đảm bảo hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các địa phương. Người tiêu dùng không chỉ giao dịch trực tiếp mà còn mua bán hàng hóa, giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng. Bên cạnh những thuận lợi do giao dịch trên mang lại thì người tiêu dùng cũng đang đối mặt với những rủi ro. Đó là người tiêu dùng có thể bị bán hàng không đảm bảo chất lượng, bị lợi dụng tên tuổi để gắn vào quảng cáo sản phẩm hàng hóa.

PGS.TS Trần Đình Thiên – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 

Đồng thuận với quan điểm trên, PGS.TS Trần Đình Thiên – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần thể chế hóa phù hợp với thời đại thương mại điện tử. Quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc để người dân tự bảo vệ mình. Ngoài ra, cần có tiêu chuẩn, tiêu chí sản phẩm để cho cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện cũng như tự bảo vệ mình.

Một số đại biểu cho rằng cần tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với các luật liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Cần quy định rõ hơn về bảo vệ thông tin, bảo mật dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng khi giao dịch, mua bán hàng hóa; các doanh nghiệp cần coi trọng việc cải tiến quy trình, quy định các dịch vụ truyền thống củng cố và phát triển hệ thống phân phối trong nước hiện có, nghiên cứu xây dựng hệ thống, kênh bán hàng mới; tăng cường công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy khẳng định, Hội thảo là cơ hội, điều kiện để các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên các Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam tham gia góp ý sâu vào dự thảo Luật liên quan mật thiết đến đông đảo người dân. Đây cũng là lĩnh vực quan trọng tác động đến việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy, thời gian qua, UBTƯ MTTQ Việt Nam rất quan tâm đến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), bởi đây là dự án Luật có phạm vi tác động rất lớn, không chỉ đến kinh tế mà còn tác động sâu sắc đến đảm bảo an sinh xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người dân. UBTƯ MTTQ Việt Nam đã gửi cán bộ tham gia thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật, tham gia đầy đủ và có ý kiến đóng góp cụ thể tại các hội nghị lấy ý kiến.

Đồng thời, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tích cực triển khai thực hiện, đảm bảo chất lượng, tiến độ, và việc tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là rất cần thiết.

Quang cảnh Hội thảo.

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy đề nghị, các chuyên gia, nhà khoa học ngoài việc rà soát, góp ý chung cần tham gia ý kiến với các vấn đề cụ thể hơn, bao gồm trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam; tăng cường công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt Nam, các thương hiệu Việt Nam uy tín, phát triển thương mại điện tử, công khai minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Cùng với đó là hình thành các cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ các vấn đề về chất lượng, giá cả, độ an toàn của sản phẩm đối với sức khỏe của người tiêu dùng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, thương hiệu của sản phẩm, bởi đây là những yếu tố quan trọng nhất khi người dân lựa chọn mua sắm sản phẩm, hàng hóa Việt, đồng thời cũng là những giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường trong nước và mở rộng ra thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại.

Đồng thời cần có cơ chế khuyến khích, động viên khen thưởng các tổ chức cá nhân có đóng góp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xử lý nghiêm minh các đối tượng kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên về các chính sách pháp luật và việc thực hiện pháp luật, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

“Với trách nhiệm của mình, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo để gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian sớm nhất”, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy nhấn mạnh.