Ý kiến của các Tổ chức Thành viên vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

(Mặt trận) - Ngày 26/10, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng đại biểu tham dự Hội nghị 

Dự Hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân vào văn kiện Đại hội Đảng; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; Thông báo Kết luận số 159 của Bộ Chính trị về việc thảo luận, gửi lấy ý kiến nhân dân và tổng hợp các ý kiến đóng góp vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Căn cứ Hướng dẫn số 60 ngày 17/01/2020 của Văn phòng Trung ương Đảng; Kế hoạch số 21 ngày 20/7/2020 của Ban Dân vận Trung ương; Hướng dẫn số 151 ngày 10/9/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

 Chủ trì Hội nghị

Theo kế hoạch, Đảng đoàn, Ban Thường trực tổ chức 4 hội nghị xin ý kiến: của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên lãnh đạo MTTQ Việt Nam; Các Hội đồng tư vấn; Các tổ chức thành viên; Các nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. 

Kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với thời đại

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc tham gia ý kiến của các cụ, các vị, các đồng chí chính là tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của toàn dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; làm cho ý Đảng hợp với lòng dân; tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trân trọng nhắc lại đề nghị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về nội dung của văn kiện, trong đó nêu rõ: “Văn kiện Đại hội là một văn kiện rất quan trọng, vừa mang tính lý luận cao, tính thực tiễn sâu sắc và tính chính trị chỉ đạo cho lâu dài, tồn tại mãi mãi trong lịch sử của Đảng, của đất nước, do vậy phải có tầm nhìn chiến lược; phải làm cho chặt chẽ, chắc chắn, diễn đạt cho rõ ràng, không được sơ hở gây hiểu lầm. Văn kiện phải có tính quần chúng, giản dị, ai đọc cũng hiểu… viết sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra.

"Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, các báo cáo khác phải lấy đó làm hồn cốt, làm gốc, không được trùng lắp, nhưng cũng không được trái, khác với Báo cáo chính trị. Trên tinh thần cầu thị và lắng nghe, những vấn đề gì, việc nào đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh, các ý kiến thống nhất cao thì đưa vào báo cáo. Còn những vấn đề đang tranh luận, mới hoặc có nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, thận trọng, khách quan”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trân trọng nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để nêu bật lên những nội dung cơ bản trong góp ý văn kiện. 

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, dự thảo văn kiện lần này có nhiều điểm mới, đó là đòi hỏi khách quan, kế thừa từ các nhiệm kỳ trước, cũng như từ những kinh nghiệm thành công của các nước. Nếu trước đây ta mới chỉ ghi "xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh", thì lần này, dự thảo đề xuất "xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh".

“Như vậy, đã bổ sung cả "hệ thống chính trị" bao gồm Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội nghị 

Nhắc tới việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, yếu tố dân chủ đã được bổ sung và gắn vận mệnh dân tộc, đất nước vào thời đại, kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với thời đại. Xây dựng xã hội chủ nghĩa có bổ sung những nhân tố mới là khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí để phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc.

"Dự thảo Văn kiện tiếp tục nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh. Dân chủ trong Đảng phải là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo, là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước", Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thông tin

Một vấn đề tiếp theo mà Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề cập đó là từ Đại hội XI, XII Đảng ta đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược là: thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng. Lần này, dự thảo văn kiện tiếp tục khẳng định: thể chế là hành lang pháp lý; nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển và gắn với đó là hạ tầng, kết cấu hạ tầng. Nhưng trong từng giai đoạn phát triển phải xác định được nội hàm của từng khâu đột phá chiến lược đó.

Nhân dịp này, ghi nhận đánh giá cao sự vào cuộc của các tổ chức thành viên trong ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt những ngày qua, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị thời gian tới, các tổ chức thành viên phối hợp cùng với MTTQ các cấp tiếp tục quan tâm, theo dõi, nắm bắt tình hình để chăm lo đời sống cho đồng bào, đưa ra phương án phù hợp để cùng với bà con chủ động phòng ngừa bão lũ có thể tiếp tục đổ bộ vào miền Trung. Từ đó, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh khi cơn lũ đi qua.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị 

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cho ý kiến góp ý vào: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Loại trừ bằng được phe nhóm trong lãnh đạo, quản lý

 Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Góp ý vào các dự thảo văn kiện, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, GD-ĐT có bước phát triển nhưng quá chậm; lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường còn nhiều sai sót, môi trường chưa tốt, tài nguyên còn bị vi phạm nhiều, trong đó việc xây dựng quá nhiều thủy điện gần như xuyên suốt ở cá tỉnh miền núi gây nhiều thảm họa trong mùa lũ. Về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tuy đã tiếp tục hoàn thiện nhưng việc vi phạm của các cơ quan pháp quyền vi phạm pháp luật còn nhiều, đến mức phải  xử lý như ở TPHCM, Hà Nội Đà Nẵng..

Bên cạnh đó việc xác định cơ cấu kinh tế chưa đúng, chưa thực hiện được xây dựng công nghiệp nặng, chưa có chương trình sản xuất tư liệu sản xuất. Việt Nam đang làm việc gia công phụ kiện cho nước ngoài và đang bị lệ thuộc vào họ. Các nước đầu tư vào Việt Nam sản xuất nhiều sản phẩm nhưng chủ yếu để xuất khẩu, không chyển giao công nghệ cho Việt Nam. Việc cho thuê đất rừng, các cảng lớn với diện tích lớn, có nơi liên quan đến an ninh quốc phòng vẫn diễn ra. Đổi mới GD-ĐT, khoa học chưa trở thành động lực then chốt..

Góp ý về phương hướng phát triển trong giai đoạn tới, ông Võ Sở cho rằng, định hướng về phá triển kinh tế-xã hội 2021-2025 cần đưa công nghiệp chế tạo, chế biến lên cao hơn, trong đó quan tâm sản xuất công nghiệp nặng, có sản xuất tư liệu sản xuất, hạn chế việc để lệ thuộc kinh tế nước ngoài. Cần quan tâm đến việc nâng cao đời sống nhân dân ở nông thông, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.

Về công tác xây dựng Đảng, cần thường xuyên kiện toàn các cấp ủy, tiếp tục nêu gương của ban chấp hành Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và các uỷ viên Trung ương, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các đồng chí Bí thư chi bộ.

"Phải loại trừ bằng được phe nhóm trong lãnh đạo, quản lý. Kiên quyết loại bỏ những người không đủ phẩm chất từ khi đại hội hoặc trong quá trình có biểu hiện xấu khỏi tổ chức Đảng. Thực hiện các biện pháp để nhân dân tham gia xây dựng Đảng", ông Võ Sở nói.

“Làm sao để bà bán rau, ông bán nước là… công dân số”

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

Theo GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam, báo cáo đã có những đánh giá toàn diện, khá rõ về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, chỉ ra những nguyên nhân thành công hay chưa thành công và rút ra những kinh nghiệm cần lưu ý cho nhiệm kỳ sắp tới. Tuy nhiên, những đánh giá này thiên về định tính khái quát mà chưa đi sâu vào đánh giá thực trạng, chưa làm rõ bản chất của các hiện tượng. Bên cạnh đó, báo cáo vẫn chưa dựa vào những Nghị quyết của Đảng và Quyết định của Chính phủ đã ban hành để kiểm kiểm những việc đã làm được đến đâu, điều gì chưa đạt, việc gì phải tiếp tục ở giai đoạn sau; báo cáo chỉ nói đến chất lượng nhân lực, chất lượng con người mà vắng bóng vai trò của con người trong phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế - xã hội,…

“Trong phát triển kinh tế - xã hội vẫn vắng bóng con người. Dự thảo nói nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực, nhưng mà không thấy tiêu chí cho từng con người thế nào thì phát triển thế nào”, GS Phạm Tất Dong chia sẻ.

GS Phạm Tất Dong  nói các văn kiện bảo cần làm rõ việc giáo dục đã tiến bộ, sâu sắc hơn trước cụ thể thế nào và còn những vấn đề gì. Chẳng hạn, dự thảo nói “Chương trình SGK phổ thông đang được triển khai đúng lộ trình”. GS Dong nhận định điều này “đúng mà không đúng”. Bởi hiện nay cả xã hội đang xôn xao. Và chúng ta cần đi sâu vào bản chất xem “quần chúng mong muốn gì ở SGK”.

GS Dong cũng đề cập tới, nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số… đang đặt ra yêu cầu mới bởi nếu công dân số thì có nghĩa là từ bà bán rau, ông bán nước cũng phải sử dụng được các tiện ích số. “Có những bà bán nước nuôi 5 con ăn học, rồi mày mò dạy cho trẻ em sửa được máy tính. Rất nhiều gia đình nông dân đã có một nửa số gia đình mua ô-tô, nhà nào cũng có ô-tô, xe máy, xây lại nhà. Gia đình dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành nhưng có 5 người chủ chốt trong dòng họ là đảng viên. Mà trước đay họ rất nghèo… Họ có thể sử dụng được các phương tiện số”.

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng: vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải thêm tiêu chí “đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế”. Bởi nguồn nhân lực phải tiến đến tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; quản lý nhà nước đối với giáo dục hiện nay cần phải tập trung, không nên phân tán. Chính vì vậy, dự thảo cần ghi thêm rằng: “Quản lý nhà nước, nhất là quản lý hệ thống các trường Cao đẳng, Đại học còn phân tán”.

“Cao đẳng, Đại học là một hệ thống, nhưng quản lý chưa tập trung khiến cho quá trình liên thông gặp khó khăn. Mặt khác, hệ thống trường Cao đẳng ở nước ta là rất lớn nhưng văn kiện chưa đề cập”, PGS Trần Xuân Nhĩ nói.

Phát huy tài năng nữ, nguồn lực đội ngũ cán bộ nữ

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa phát biểu tại Hội nghị 

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa đánh giá: các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc  lần thứ XIII đã được chuẩn bị công phu, tổng kết đánh giá thực tiễn, có tính khái quát cao. Nhiều nhận định sâu sắc, đúc rút thành lý luận xứng tầm báo cáo chính trị - văn kiện trung tâm của Đại hội. Những vấn đề về vai trò của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt chính trị tiếp tục hiện diện nhiều trong dự thảo, thể hiện rõ quan điểm nhất quán về vai trò là gốc của nhân dân; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội là nòng cốt chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Đặc biệt, dự thảo lần này đã cụ thể hóa một bước cơ chế “nhân dân làm chủ” thông qua vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”; phát triển, mở rộng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đã bổ sung hai quyền rất quan trọng của nhân dân là quyền giám sát, quyền thụ hưởng theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và các quyết định 217, 218, 124, 99 của Bộ Chính trị, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân.

Liên quan đến vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới, bà Bùi Thị Hòa cho rằng: Đối với các nhóm phụ nữ tiên phong như quản lý, lãnh đạo, trí thức, doanh nhân, văn nghệ sĩ, vận động viên..., so sánh báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc XII với dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội XIII, văn kiện Đại hội XII có nêu: “tạo điều kiện để phụ nữ phát triển tài năng”, nhưng ở phần đánh giá của dự thảo văn kiện mới chỉ đánh giá kết quả thực hiện bình đẳng giới và công tác trẻ em, không đề cập đến công tác cán bộ nữ hoặc phụ nữ tham gia lãnh đạo, mặc dù nhiệm kỳ này đã có những bước tiến đáng kể về vấn đề phụ nữ tham chính.

“Vì vậy, cần bổ sung đánh giá về đội ngũ cán bộ nữ cũng như định hướng tiếp tục phát huy tài năng nữ, nguồn lực đội ngũ cán bộ nữ trong phần IV về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”, bà Bùi Thị Hòa nói.

Phản ánh tư duy, tầm nhìn và cách tiếp cận mới

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Nguyễn Phương Nga 

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Nguyễn Phương Nga đánh giá: Trên cơ sở tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn qua 35 năm đổi mới, dự thảo các văn kiện đã có nhiều điểm phản ánh tư duy, tầm nhìn và cách tiếp cận mới. Các báo cáo dựa trên nền tảng kiên định với những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thể hiện sự kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc xây dựng Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Bày tỏ sự đồng tình với những nội dung cơ bản trong dự thảo văn kiện, về chủ đề của Đại hội, bà Nguyễn Phương Nga kiến nghị bổ sung nội dung “xây dựng, phát triên nhanh và bền vững đất nước” để đảm bảo thực hiện được mục tiêu đưa nước ta thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa đến giữa thế kỷ XXI và phù hợp với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Về nội dung tại phần II về tầm nhìn và định hướng phát triển, theo Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, phần dự báo tình hình thế giới và đất nước trong những năm tới nên phân tích sâu thêm những thuận lợi và cơ hội của bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước, như các nước chú trọng hơn tới việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững; những thành tựu của quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, từng bước khẳng định được hình ảnh, vị thế của một quốc gia tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Góp ý vào vấn đề phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, ông Đinh Khắc Đính, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đề nghị, dự thảo cần nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung để hướng tới nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại.

Đối với Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, ông Đính kiến nghị bên cạnh phương hướng nhiệm vụ phát triển một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cần bổ sung thêm yếu tố bền vững, bởi cùng phát triển nhanh thì đây là mục tiêu quan trọng để ây dựng một nền nông nghiệp không còn rơi vào tình trạng được mùa mất giá.

Để công nhân chỉ phải làm việc 40 giờ/tuần

 Ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Bày tỏ nhất trí cao với mục tiêu Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm, ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kỳ vọng Nghị quyết đi vào cuộc sống, bởi việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được nhiều lần xác định là khâu đột phá nhưng sự đột phá còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Lấy ví dụ từ giai cấp công nhân hiện nay, ông Tiêm cho biết: Theo điều tra từ năm 2019, hiện nay, công nhân lao động cả nước ở trình độ tiểu học, trung học cơ sở (cấp 1, cấp 2) vẫn còn khoảng hơn 30%; trình độ trung học phổ thông (cấp 3) trở lên là 68%. Về đào tạo nghề cho công nhân lao động, mặc dù doanh nghiệp cố gắng tham gia đào tạo, nhưng mới dừng lại ở 43%, đặc biệt là trình độ tay nghề, bậc thợ (từ bậc 4 đến bậc 7) còn rất là khiêm tốn, công nhân bậc cao rất ít, hiếm. Đặc biệt, trong 5 năm qua, việc công nhân lao động học về tin học, ngoại ngữ chỉ chiếm chưa được 10%. Đây là nguồn nhân lực thực tế, đây là giai cấp công nhân - lực lượng đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, cùng với điều kiện khoa học công nghệ chưa được đồng bộ nên năng suất lao động của chúng ta hiện nay còn thấp so với các nước trong khu vực, kéo theo thu nhập của người lao động ở mức thấp. Và thu nhập thấp, đồng nghĩa với việc công nhân lao động phải tăng số giờ làm thêm.

“Hiện nay, công nhân lao động đang làm việc 48 giờ/tuần nhưng trong thực tế, phần lớn công nhân lao động làm việc 60 giờ trở lên, thậm chí đến 70 giờ/tuần, đây là điều rất bức xúc, làm sao công nhân có thời gian để học tập”, ông Vũ Mạnh Tiêm nói.

Lo lắng cho tương lai đội ngũ lao động trực tiếp của đất nước, ông Vũ Mạnh Tiêm mong muốn có sự đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục, đào tạo, bởi khi công nhân lao động được học tập suốt đời, được nâng cao trình độ đào tạo tại đơn vị thì tay nghề và thu nhập của người lao động sẽ được nâng lên.

“Chúng tôi đang đấu tranh để thời gian tới công nhân chỉ phải làm việc 40 giờ/tuần, có thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, tham gia học tập… Rất mong Nghị quyết nêu ra, chính sách phải có sự đồng bộ  giữa giáo dục – đào tạo – khoa học công nghệ và chính sách tiền lương, an sinh xã hội để mọi người dân cùng tích cực tham gia học tập. Đấy mới là mục tiêu cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới”, ông Vũ Mạnh Tiêm chia sẻ.

Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại Hội nghị 

Trên cơ sở các ý kiến tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân vào văn kiện Đại hội Đảng sẽ tiếp thu đầy đủ, chắt lọc báo cáo Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII tiếp thu ý kiến của đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận.