Xây dựng một nền quản trị và hành chính công hậu COVID-19 mang lại sự hài lòng cho người dân

(Mặt trận) - Ngày 10/5, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam PAPI năm 2021. TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dự và phát biểu tại buổi công bố chỉ số.

200 căn nhà đại đoàn kết đến với hộ nghèo huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ: Không bao giờ quên những người làm nên “cột mốc vàng” của lịch sử

Phát biểu của Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tại chương trình gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên

Quang cảnh Lễ công bố 

Đồng hành cùng với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) và các đối tác trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu PAPI từ năm 2009 đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trực tiếp là Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học, Mặt trận Tổ quốc các địa phương đã tham gia điều tra và hỗ trợ tổ chức các hoạt động của chương trình nghiên cứu.

Vẫn còn hiện trạng “chung chi” để làm xong thủ tục

Năm 2021, PAPI có số lượng phỏng vấn trực tiếp cao nhất từ trước tới nay với 15.833 người trả lời từ khắp 63 tỉnh, thành phố. Kết quả chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2021 cho thấy, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng chống tham nhũng của các cấp chính quyền, đồng thời phản ánh mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân. Theo đó, 4 nội dung thành phần cấu thành chỉ số nội dung gồm: kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương; kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công và quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương.

Khác với kết quả khảo sát 10 năm trước, riêng năm 2021 sự phân bố các tỉnh trong nhóm đạt điểm cao nhất phân bổ đều hơn ở phía Bắc và phía Nam. Theo phản ánh của người dân, hiện trạng “chung chi” để có việc làm trong trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến ở các địa phương giàu có, cũng như còn nghèo. Mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã/phường/thị trấn gồm: công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã/phường.

Tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới, hoặc đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi “lót tay” dao động từ 40% đến hơn 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hiện trạng “chung chi” để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại phổ biến ở các tỉnh còn nghèo như Cao Bằng, Đắc Lắc và Sóc Trăng. Trong khi đó tỷ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết họ đã phải chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn dao động từ 40 đến 80% ở khoảng 40 tỉnh, thành phố.

Theo TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng: Năm nay có nhiều tỉnh, thành phía Nam lọt vào nhóm cao nhất trong kiểm soát tham nhũng khu vực công, đây là sự thay đổi thú vị. Điểm thấp nhất và điểm cao nhất cấp tỉnh có khoảng cách tương đối xa, từ 5,42 đến 8,15 điểm trên thang điểm từ 1-10. Qua hai năm 2020 và 2021, 20 tỉnh, thành phố có mức gia tăng về điểm đáng kể, trong đó có Bình Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn và Lâm Đồng đạt mức gia tăng đáng kể trên 15% điểm qua 2 năm.

TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các đại biểu tham dự Lễ công bố

Người dân phàn nàn về khám chữa bệnh

Đáng chú ý, trong cung ứng dịch vụ công, nhất là tại bệnh viện công ở cấp huyện, quận, thành phố ở tất cả các tỉnh, thành phố cần cải thiện ở tất cả 10 tiêu chí đánh giá. Những người sử dụng dịch vụ này ở các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Cao Bằng, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Sóc Trăng và Bình Phước cho điểm thấp hơn so với các tỉnh, thành phố khác. Ngay cả những người sử dụng dịch vụ ở những tỉnh đạt điểm cao nhất như: Phú Yên, Thanh Hoá vẫn phàn nàn về việc phải dùng chung giường bệnh, nhà vệ sinh không sạch sẽ, và thời gian chờ đợi đến lượt được khám bệnh còn dài.

Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, những phát hiện từ báo cáo PAPI 2021 được công bố hôm nay có ý nghĩa quan trọng giúp chúng ta hiểu được tác động của đại dịch Covid-19 tới hiệu quả quản trị công có sự tham gia của người dân. Số liệu công bố sẽ giúp cung cấp những dẫn cứ hữu ích cho những thảo luận sắp tới trong chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2022, đặc biệt là dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở và dự án Luật đất đai sửa đổi, cũng chính là những vấn đề nghiên cứu PAPI đo lường qua nhiều năm.

Để hoạt động giám sát, phản biện xã hội mang tính dân chủ, khoa học và thực tiễn hơn

 TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu

Phát biểu tại buổi công bố, TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, PAPI coi sự hài lòng của người dân là một chỉ số quan trọng phản ánh chất lượng và hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến người dân, sự tham gia của người dân trong việc giám sát hoạt động của chính quyền.

“Báo cáo kết quả chương trình nghiên cứu PAPI thường niên là một kênh thông tin tham chiếu quan trọng, góp phần thúc đẩy chính quyền địa phương hành động vì một nền quản trị công quốc gia hiện đại, hiệu quả”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Vui mừng nhận thấy 13 năm qua chương trình nghiên cứu PAPI đã có tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức và hành động của chính quyền cấp tỉnh, thiết thực góp phần thúc đẩy cải cách hành chính Nhà nước - một trong những nội dung trọng tâm của 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, việc nghiên cứu, phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân là chỉ báo quan trọng, giúp cho các nhà hoạch định chính sách và thực tiễn kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, đến nay, Chỉ số PAPI đã và đang hỗ trợ thúc đẩy trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp chính quyền, đóng góp vào quá trình đổi mới và sáng tạo trong khu vực công vì mục tiêu “dân hưởng lợi” ngoài những mục tiêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây cũng là tinh thần của dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở lần đầu tiên được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2022; đồng thời kết quả nghiên cứu của PAPI ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong các văn kiện của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức chính trị - xã hội.

Cùng với đó, chỉ số PAPI cũng đã khẳng định được uy tín đối với công luận, là hệ thống chỉ báo, giám sát công bằng, mang tính khách quan và có chất lượng, phục vụ cho việc đổi mới công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công.

“Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chỉ số PAPI là những con số “biết nói”, chuyển tải thông điệp từ cảm nhận, suy nghĩ và ý nguyện của người dân, là cơ sở quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Quang cảnh Lễ công bố 

Nhắc tới những khó khăn, thách thức mà đất nước phải trải qua trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chương trình nghiên cứu PAPI đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra; đồng thời bày tỏ ấn tượng trước số người dân tham gia khảo sát PAPI năm 2021 khi 88% các cuộc phỏng vấn một đối một được thực hiện qua điện thoại có hình với sự giám sát thực địa chặt chẽ, số còn lại được thực hiện qua gặp trực tiếp trong đó cả phỏng vấn viên và người trả lời đeo khẩu trang và thực hiện khử khuẩn. Để có được kết quả công bố hôm nay, những người thực hiện nghiên cứu PAPI đã làm việc bằng tất cả bầu nhiệt huyết, trách nhiệm và tinh thần khoa học.

Nhấn mạnh tới vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có cam kết cao trong việc tham gia và hỗ trợ PAPI vì mục tiêu của chương trình nghiên cứu có mối quan hệ chặt chẽ với quyền hạn và trách nhiệm của Mặt trận, trong đó có việc góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình tổng thể về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (và tới đây là Luật Thực hiện dân chủ cơ sở). 

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng kỳ vọng Chỉ số PAPI sẽ tiếp tục cung cấp dữ liệu cần thiết và đáng tin cậy, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền, đóng góp đáng kể vào quá trình đổi mới tư duy, hướng tới nền quản trị công hiện đại và đổi mới chính sách dựa trên dẫn chứng từ thực tiễn.

“Chúng tôi hy vọng PAPI sẽ tiếp tục góp phần hiệu quả để hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc mang tính dân chủ, xây dựng, khoa học và thực tiễn hơn”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong muốn thời gian tới, Chương trình nghiên cứu PAPI tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan hợp tác phát triển quốc tế tại Việt Nam để có thể tiếp nối các thành tựu của 13 năm qua, góp phần xây dựng một nền quản trị và hành chính công hậu COVID-19, đem lại nhiều hơn nữa sự hài lòng của người dân.