Xây dựng đường biên giới Việt Nam – Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển

(Mặt trận) - Thực hiện Bản ghi nhớ của Hội nghị Chủ tịch Mặt trận 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam đã ký trực tuyến vào ngày 26/11/2020; trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Thông cáo chung về kết quả Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển đã ký ngày 16/8/2017 tại tỉnh Kam Pot, Vương Quốc Campuchia, ngày 20 tháng 9 năm 2022 tại tỉnh An Giang, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế Xây dựng đường biên giới Việt Nam-Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển lần thứ 6, giai đoạn 2022-2025.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ trì Hội nghị 

Tham dự Hội nghị, về phía Việt Nam có Ngài Lê Tiến Châu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ trì Hội nghị; Ngài Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh An Giang; Ngài Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Đại diện lãnh đạo: Ban Đối ngoại Trung ương; Bộ Ngoại giao; Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng Việt Nam; Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 10 tỉnh có chung đường biên giới với Vương quốc Campuchia: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.

Quang cảnh Hội nghị 

Về phía Campuchia có Ngài Hei Bavy, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia; Ngài Mao Pirun, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Hội đồng Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia tỉnh KANDAL; Đại diện lãnh đạo: Tỉnh trưởng kiêm Chủ tịch, hoặc Chủ tịch Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia 10 tỉnh có chung đường biên giới với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Rattanakiri, Mondulkiri, Kratie, Tboung Khmum, Svayrieng, Preyveng, Kandal, Takeo, Kampot, Kep.

Phát huy truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước

Hội nghị đã lắng nghe bài phát biểu quan trọng của Ngài Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ngài Hei Bavy, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia; bài phát biểu chào mừng của Ngài Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh An Giang cùng tham luận của các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Campuchia.

Ngài Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ hai nước trong 55 năm qua, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTW MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia đã và đang tiếp tục được củng cố, đổi mới và phát triển sâu rộng hơn, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Trong từng bước tiến của hai nước, hai dân tộc hôm nay, đều có sự đóng góp tích cực của hai tổ chức Mặt trận vun đắp cho quan hệ đặc biệt Việt Nam - Campuchia ngày càng bền chặt và không ngừng đơm hoa kết trái.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị hai tổ chức Mặt trận cần tăng cường phối hợp hơn nữa trong việc tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, phát huy truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước; hướng dẫn các địa phương ở dọc theo đường biên giới giữa mỗi nước triển khai hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trên tất cả các lĩnh vực; tổ chức trao đổi đoàn đại biểu cấp cao thăm hữu nghị, đoàn cán bộ sang thăm, hợp tác nghiên cứu, học tập trao đổi kinh nghiệm công tác; thực hiện có hiệu quả các chương trình kết nghĩa giữa các đồn biên phòng, giữa các thôn, bản, phum, sóc, xã, phường, huyện hai bên biên giới; đề xuất cơ chế tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho kiều dân hai nước sinh sống tại nước sở tại được đối xử bình đẳng để ổn định, làm ăn và phát triển lâu dài.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng cho rằng, hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối giao thông, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu của hai nước và tích cực phối hợp trong việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt các liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia trong các thời kỳ chiến tranh. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung các văn kiện pháp lý về biên giới giữa hai nước tới mọi tầng lớp nhân dân, nhằm tạo thuận lợi cho công tác phân giới, cắm mốc 16% đoạn biên giới còn lại. Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục vận động, khuyến khích và làm cầu nối cho các doanh nghiệp, doanh nhân hai nước đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, khu kinh tế, trung tâm thương mại tại các cửa khẩu, lối mở, các công trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển và quảng bá sản phẩm du lịch nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân của hai nước.

“Trong không khí thắm tình láng giềng hữu nghị của Hội nghị đường biên ngày hôm nay - một sự kiện quan trọng trong chuỗi các sự kiện của “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022”, với niềm tin vững chắc về sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai đất nước, hai dân tộc, chúng ta càng thêm quyết tâm cùng chung tay gìn giữ và vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Ngài Hei Bavy, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia phát biểu tại Hội nghị 

Trong bài phát biểu của mình, Ngài Hei Bavy, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia cũng khẳng định, Campuchia và Việt Nam là hai nước láng giềng có đường biên giới tiếp giáp kéo dài 10 tỉnh của phía Việt Nam và 10 tỉnh của Campuchia, hai nước có truyền thống gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Sau 55 năm, quan hệ hai nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần vào sự ổn định và phát triển của khu vực Đông Nam Á. Hai nước đã duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai nước trên cả kênh Đảng, Chính phủ và Mặt trận, hai bên đã tăng cường trao đổi, thăm hỏi, gặp gỡ và duy trì quan hệ giữa lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các cấp.

“Với truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác trên mọi lĩnh vực, cũng như sự giúp đỡ nhau có hiệu quả, kịp thời. Trong 55 năm qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận và nhân dân hai nước luôn luôn giữ vững niềm tin rằng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp này là nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của hai nước Việt Nam - Campuchia trong tương lai”, Ngài Hei Bavy khẳng định.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài trình bày báo cáo tại Hội nghị 

Hội nghị cũng lắng nghe báo cáo Kết quả thực hiện Thông cáo chung Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam -Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển lần thứ 5, năm 2017. Báo cáo nêu rõ, hơn 5 năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, hai bên vẫn tiếp tục phát huy truyền thống hợp tác, gắn bó hữu nghị giữa hai nước, thông qua việc triển khai thực hiện Thông cáo chung của Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển tổ chức tại tỉnh Kampot, Vương quốc Campuchia năm 2017, đạt được nhiều kết quả thiết thực, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của hai quốc gia nói chung và các tỉnh có chung đường biên giới của hai nước Việt Nam và Campuchia nói riêng.

Tiếp tục xây dựng tổ chức Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hai nước ngày càng vững mạnh

Những cái bắt tay thật chặt thể hiện mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai đất nước, hai dân tộc

Trong khuôn khổ các hoạt động của năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967-24/6/2022), với tinh thần đoàn kết, hữu nghị và trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi bên, quy định pháp luật liên quan của mỗi nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà mỗi nước là thành viên; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia (sau đây gọi là hai bên) đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và thống nhất phương hướng, nhiệm vụ phối hợp xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giai đoạn 2022-2025, với các nội dung trọng tâm được thể hiện qua Thông cáo chung như sau:

Trong công tác tuyên truyền, hai bên tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng để mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên của hai nước hiểu biết sâu sắc hơn và tự hào về lịch sử quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia, qua đó có trách nhiệm giữ gìn và vun đắp hơn nữa cho mối quan hệ vô giá này; nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân vùng biên giới hai nước về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của hai Nhà nước; phổ biến rộng rãi thông tin về các chương trình, hoạt động hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Campuchia nói chung, về xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị nói riêng, vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển của mỗi nước.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nhân dân khu vực biên giới cảnh giác, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những âm mưu, hành động phá hoại, gây mất ổn định của các phần tử xấu, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh và thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của hai văn kiện pháp lý (ký năm 2019) ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới giữa hai nước và công tác quản lý biên giới theo các văn kiện đã được ký kết tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cư dân khu vực biên giới và các lực lượng trực tiếp tham gia công tác biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia nhằm tạo luận lợi cho công tác phân giới, cắm mốc 16% đường biên giới còn lại.

Hai bên phối hợp với các cơ quan chức năng của mỗi bên tuyên truyền, nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới; đấu tranh chống các loại tội phạm xuyên biên giới, an ninh phi truyền thống như hoạt động: buôn lậu, mua bán người, xuất, nhập cảnh trái phép, di cư tự do và kết hôn không giá thú; đồng thời nắm bắt tình hình, tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh.

 
Ngài Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ngài Hei Bavy, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia tiến hành ký kết tại Hội nghị

Nội dung thông cáo chung cũng nêu rõ, hai bên tiếp tục xây dựng tổ chức Mặt trận và các đoàn thể nhân dân vững mạnh, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng biên giới, trong đó đặc biệt quan tâm việc xây dựng các khu dân cư, thôn, bản đảm bảo an ninh trật tự; phát huy và giữ gìn bản sắc dân tộc; phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo; chăm lo việc học tập của trẻ em trong độ tuổi đến trường, không để các cháu bị thất học; khắc phục tình trạng mê tín, cúng bái khi ốm đau, không để người ốm không được đến các cơ sở y tế thăm khám, chữa bệnh.

Hai bên tiếp tục hướng dẫn Mặt trận các tỉnh có chung đường biên giới chọn các nội dung thiết thực, phù hợp với địa phương để Mặt trận các huyện, xã và các bản (phum, sóc, ấp) giáp biên ký kết thi đua, góp phần xây dựng khu dân cư, xã, huyện khu vực biên giới đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Hai bên cũng tiếp tục vận động các doanh nghiệp phối hợp với chính quyền các địa phương có chung đường biên giới tổ chức các “Phiên chợ Đoàn kết” để đưa hàng Việt Nam, hàng Campuchia có chất lượng cao về khu vực biên giới phục vụ nhân dân các thôn, bản vùng giáp biên; định kỳ hằng năm tổ chức hội chợ thương mại, triển lãm sản phẩm có chất lượng cao của hai nước tại khu vực có nhiều cư dân sinh sống ở vùng biên giới; đồng thời có biện pháp hỗ trợ, phát triển và giúp tiêu thụ các mặt hàng truyền thống, các mặt hàng mà mỗi bên có thế mạnh ở khu vực biên giới hai nước; khuyến khích Mặt trận 10 tỉnh và Mặt trận các huyện có chung đường biên giới giữa hai nước hằng năm, phối hợp với các tổ chức thành viên và các bệnh viện trên địa bàn tổ chức thăm, tặng quà, khám, chữa bệnh và hỗ trợ thuốc chữa bệnh cho nhân dân khu vực biên giới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Sở y tế hoặc đội y tế biên giới phối hợp giúp nhau tiêm phòng cho người dân, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm COVID-19; hằng năm, khuyến khích tổ chức dạy và học các lớp tiếng Việt và tiếng Khmer cho nhân dân hai nước khu vực biên giới chưa thông thạo các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, nhất là thế hệ trẻ, học sinh các cấp; đồng thời khuyến khích việc phối hợp tổ chức dạy, đào tạo nghề cho nhân dân hai nước khu vực biên giới.

Kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, chế biến, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, tạo công ăn, việc làm, thu nhập, chỗ ở ổn định cho nhân dân khu vực biên giới của hai nước.

Tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh các mô hình, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, các cơ chế chính sách và triển khai các biện pháp tạo môi trường thông thoáng thu hút mạnh mẽ hơn nữa doanh nghiệp của hai bên khu vực biên giới.  

 

Thông cáo chung cũng đề cập tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của 5 thành phố trực thuộc Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của các tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi tăng cường hợp tác (kết nghĩa) với Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc 10 tỉnh biên giới của Vương quốc Campuchia nhằm chia sẻ kinh nghiệm công tác Mặt trận cũng như nghiên cứu, kiến nghị cấp ủy Đảng, Chính quyền mỗi bên quan tâm, hỗ trợ, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh.

Trong hoạt động đối ngoại nhân dân, hai bên tiếp tục mở rộng các hình thức giao lưu hữu nghị nhân dân. Theo đó, nhân ngày quốc khánh, các ngày lễ truyền thống và kỷ niệm lớn của mỗi nước, Mặt trận hai nước phối hợp hướng dẫn Mặt trận các tỉnh giáp biên tổ chức các hoạt động chào mừng thiết thực, phù hợp; Vận động các nguồn đóng góp, hỗ trợ và tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, nhà nhằm chia sẻ những khó khăn của nhân dân khu vực biên giới nhất là các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh và các sự cố rủi ro bất thường; Hằng năm, Mặt trận hai nước tổ chức các đoàn đại biểu thăm, trao đổi kinh nghiệm công tác Mặt trận; đồng thời thường xuyên giữ liên hệ và định kỳ thông tin cho nhau về kết quả thực hiện các nội dung của Thông cáo chung giữa Mặt trận hai nước về xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển và đề xuất, kiến nghị bổ sung, sửa đổi những nội dung khác (nếu có) của Thông cáo chung mà hai bên cùng quan tâm.

 
 Mặt trận 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Campuchia có chung đường biên giới ký kết Bản Giao ước thi đua

Tại Hội nghị, căn cứ Thông cáo chung được hai tổ chức Mặt trận nhất trí thông qua tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Mặt trận 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Campuchia có chung đường biên giới giữa hai nước đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và thống nhất ký kết Bản Giao ước thi đua.

Nội dung Giao ước thi đua tập trung vào một số chỉ tiêu cụ thể như: Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; phối hợp tổ chức giao lưu giữa các thôn, bản (phum, sóc, ấp) giáp biên để nhân dân hai nước hiểu biết về truyền thống văn hóa của hai đất nước; Thực hiện quy định của địa phương về các quy hoạch vùng sản xuất, giảm thiểu tình trạng xâm canh; thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống, giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng biên giới; Phấn đấu đưa tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường được đi học đạt trên 85%; Khắc phục tình trạng mê tín, dị đoan, cúng bái khi ốm đau, không để người bị bệnh không được đưa đến cơ sở y tế để khám và chữa bệnh; Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; hướng tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Cùng với đó, vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật; Không vi phạm Quy chế Biên giới hai nước; Tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của hai văn kiện pháp lý (ký năm 2019) ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới giữa hai nước và công tác quản lý biên giới theo các văn kiện đã được ký kết tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cư dân khu vực biên giới và các lực lượng trực tiếp tham gia công tác biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia nhằm tạo luận lợi cho công tác phân giới, cắm mốc 16% đường biên giới còn lại; Không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu qua biên giới; không tham gia vào các hoạt động buôn bán người trái phép qua biên giới; Không xuất cảnh trái phép qua biên giới…

Bản giao ước thi đua cũng nhấn mạnh tới việc Tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân khu vực giáp biên; Hướng dẫn nhân dân khu vực biên giới tổ chức các hoạt động chăm sóc, bảo vệ các Đài hữu nghị, mốc giới quốc gia, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và hòa bình, ổn định khu vực biên giới và hàng năm, Mặt trận 10 tỉnh giáp biên của hai nước tổ chức các đoàn đại biểu thăm, trao đổi kinh nghiệm công tác Mặt trận. 

 Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Thay mặt phía Campuchia, Ngài Hei Bavy, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao những nỗ lực không mệt mỏi của Ủy ban Mặt trận các tỉnh có đường biên giới chung giữa hai nước đã nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên cương vị, vai trò và trách nhiệm của mình, trong đó có những nỗ lực giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của đất nước, thượng tôn pháp luật, phát huy giá trị văn hóa, hòa bình, phi bạo lực, đề cao các giá trị đạo đức xã hội và tham gia ngăn chặn mọi hành vi tiêu cực có thể gây phương hại tới đoàn kết, tình hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.

Trên cơ sở kinh nghiệm công tác trong thời gian qua và kết quả xuất sắc của các kỳ hội nghị giữa hai nước vừa qua, Ngài Hei Bavy tin tưởng rằng Ủy ban Mặt trận các tỉnh có chung đường biên giới giữa hai nước sẽ có những bước tiến mới mạnh mẽ trong việc tạo động lực thúc đẩy các phong trào, củng cố và mở rộng hơn nữa các hoạt động công tác của mình.

Khẳng định nhiệm vụ của Mặt trận các cấp hai nước, nhất là các tỉnh có chung biên giới phải bám sát vai trò, nhiệm vụ và phương hướng công tác của mình, phấn đấu thực hiện thắng lợi theo tinh thần Thông cáo chung và biên bản thi đua đã ký kết, Ngài Hei Bavy đề nghị Mặt trận hai nước tiếp tục đẩy mạnh công tác trong giai đoạn mới thông qua việc triển khai hợp tác chặt chẽ, bền chặt trong việc tăng cường an ninh dọc biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển ổn định giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích trong quan hệ hai nước.

 
Ngài Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ngài Hei Bavy, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia tặng những món quà lưu niệm là sản phẩm đặc trưng của hai nước Việt Nam - Campuchia 

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đề nghị từ nội dung bản thông cáo chung, 2 tổ chức Mặt trận cần tuyên truyền sâu rộng về kết quả Hội nghị trên báo chí, các phương tiện truyền thông của mỗi nước và ở các địa phương, nhất là các tỉnh có chung đường biên giới để cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam, nhân dân Campuchia biết, hiểu về hoạt động của Mặt trận hai nước từ đó tích cực tham gia các hoạt động do Mặt trận hai nước tổ chức, góp phần thực hiện thắng lợi Thông cáo chung của Mặt trận hai nước giai đoạn 2022 - 2025; Tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967- 24/6/2027), góp phần tăng cường tình hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Cùng với đó cần tăng cường thông tin, chia sẻ kinh nghiệm Mặt trận hai nước và Mặt trận các tỉnh giáp biên trong công tác Mặt trận, nhất là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo điều kiện đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân và không ngừng củng cố, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Campuchia.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu tin tưởng, từ các nội dung thiết thực vừa được Hội nghị thông qua, Mặt trận hai nước sẽ góp phần tô thắm lịch sử quan hệ đặc biệt, trong sáng, sâu sắc tình anh em của hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.

 Đại biểu hai nước chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị