Vị trí, vai trò của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hiện nay, một số vấn đề lý luận và thực tiễn

(Mặt trận) - Để tăng cường vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư”. Trên cơ sở đó, ngày 30/7/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII ban hành Quyết định số 24-QĐ/TW quy định về thi hành điều lệ Đảng, trong đó xác định rõ thẩm quyền quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của cơ quan giúp việc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về vị trí, vai trò của cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ mười ba khóa IX mở rộng diễn ra tại tỉnh Ninh Bình vào ngày 8/8/2022

Trên cơ sở đó, ngày 30/7/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII ban hành Quyết định số 24-QĐ/TW quy định về thi hành điều lệ Đảng, trong đó xác định rõ thẩm quyền quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của cơ quan giúp việc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về vị trí, vai trò của cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc của Nhân dân ta đã chứng minh rằng, trong thời kỳ Pháp thuộc, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam (3/2/1930), đã có rất nhiều phong trào yêu nước, các cuộc vận động cách mạng, với nhiều phương thức khác nhau để huy động sức mạnh của dân tộc đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột từ thực dân, đế quốc đến xâm lược nước ta, điển hình là: Hoàng Hoa Thám với Phong trào nông dân Yên Thế, kéo dài 30 năm (1884 - 1913); Phong trào Cần vương do Vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết khởi xướng và sự hưởng ứng của các văn thân, sĩ phu yêu nước, kéo dài 11 năm (1885 - 1896), với các cuộc khởi nghĩa: Khởi nghĩa Ba Đình (1886 - 1887) do Phạm Bành, Đinh Công Tráng lãnh đạo; Khởi nghĩa Bãi Sậy (1885 - 1892) do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo; Khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896) do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Các phong trào, cuộc vận động yêu nước như: Phong trào Đông Du (1904 - 1908) do Phan Bội Châu khởi xướng; Phong trào Đông kinh nghĩa thục (1907) do Lương Văn Can và Nguyễn Quyền khởi xướng; Cuộc vận động Duy Tân và phong trào chống thuế ở Trung kỳ do Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Các cuộc khởi nghĩa của: Thái Phiên, Trần Cao Vân (Huế, 1916); Lương Ngọc Quyến và Trịnh Văn Cấn (tức Đội Cấn) (Thái Nguyên, 1917); Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính (Yên Bái, 1930)… với sự tham gia hưởng ứng của hàng triệu người dân để giành lấy độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì cơm no, áo ấm của Nhân dân. Nhưng tất cả các cuộc khởi nghĩa, phong trào cách mạng yêu nước đều thất bại và bị thực dân Pháp dìm trong bể máu vì chưa đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn cách mạng giải phóng dân tộc thời bấy giờ. Những người yêu nước hoặc bị xử tử hoặc lưu đầy biệt xứ.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố thành lập, kế thừa, vận dụng và phát triển tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là của cá nhân anh hùng”1. Mục tiêu của cách mạng là phục vụ lợi ích của quần chúng nhân dân, vì theo Người: "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân; trong thế giới không có gì quý bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân"2. “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân; sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân;... nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”3. Trên cơ sở đó, Đảng xác định mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam là từ Nhân dân, do Nhân dân và vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân trên cơ sở độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Do đó, dựa vào Nhân dân, ở trong lòng Nhân dân để phát động và triển khai nhiệm vụ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc là phương thức hành động căn bản của cách mạng Việt Nam.

Để không ngừng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phục vụ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế Đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Từ đó đến nay, ở mỗi thời kỳ, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam có những hình thức tổ chức với tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng.

Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam là nơi hội tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử, thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam ở thời kỳ hiện đại. Thực tiễn đã chứng minh, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh (1941) đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay Nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - nhà nước dân chủ, nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ của Mặt trận Liên Việt (1951) làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng của chiến dịch Điện Biên phủ chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán Gernever và công nhận chủ quyền của Việt Nam cũng như các nước Đông Dương. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc (1955); Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (1960) và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam (1968) ở miền Nam đã làm nên thắng lợi to lớn của cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, mà đỉnh cao là chiến thắng của chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1976) đến nay đã góp phần quan trọng đưa nước ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong các giai đoạn vừa bị khủng hoảng kinh tế, xã hội, vừa phải đối đầu với hành động bao vây, cấm vận của Mỹ. Từ năm 1986 đến nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần to lớn vào kết quả thực hiện đường lối đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và ngày càng hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế. Đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế, xã hội, bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ và ngày càng phát triển như ngày nay.

Như vậy, trong các giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Đảng lập nên Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (ngày nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) là sự hiện thực hoá quan điểm “Sự nghiệp cách mạng là của dân, do dân và vì dân”. Cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị nước ta.

Xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, sau khi giành chính quyền về tay Nhân dân, nước ta xây dựng nhà nước với bản chất là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhân dân, thông qua đại diện là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị với cơ cấu: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội. Trong hệ thống chính trị ấy chỉ do một đảng chính trị duy nhất cầm quyền, nhưng vẫn bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Đây là đặc điểm riêng có của thể chế chính trị Việt Nam.

Để việc kiểm soát quyền lực của Nhân dân được thực hiện triệt để và không ngừng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị, tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở nước ta phải bảo đảm sự kết hợp nhuần nhuyễn nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, chế độ thủ trưởng trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước và nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đặc biệt, sự kết hợp nhuần nhuyễn nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, cấp uỷ Đảng với nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là yếu tố rất quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong hệ thống chính trị các cấp, vì các lý do như sau:

Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (cũng như Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp) là một chỉnh thể thống nhất gồm 3 bộ phận, được ví như 3 vòng tròn đồng tâm: Bộ phận trong cùng là tổ chức Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đảng uỷ cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bộ phận này, có chức năng là hạt nhân lãnh đạo việc thực hiện đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; đồng thời với việc xây dựng về tổ chức và triển khai các hoạt động của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua bộ máy chuyên trách là cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nguyên tắc hoạt động của bộ phận thứ nhất này là tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số.

Bộ phận thứ hai là bộ máy chuyên trách - tức là cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với thành phần của bộ phận này là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, làm việc theo chế độ công vụ của bộ máy cơ quan hành chính Nhà nước (theo quy định hiện nay). Tổ chức và hoạt động của bộ máy này thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ đối với tổ chức, cấp uỷ Đảng; cơ chế hoạt động theo chế độ thủ trưởng, do Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, làm việc theo chế độ tập thể, dân chủ bàn bạc, quyết định theo đa số và phân công cá nhân phụ trách4 lãnh đạo, điều hành. Ban Thường trực điều hành cơ quan trên cơ sở của Luật Công chức, Luật Viên chức và quy định của bộ máy hành chính Nhà nước như các bộ và cơ quan ngang bộ của Đảng, Nhà nước ở Trung ương. Bộ máy này có nhiệm vụ phục vụ hoạt động của Đoàn Chủ tịch và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bộ phận thứ ba là Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có Ban Trường trực, Đoàn Chủ tịch, với cơ cấu, thành phần bao gồm: Cán bộ, đảng viên, người ngoài Đảng, đại diện các giai cấp, tầng lớp, người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, trí thức, kiều bào… Có thể cán bộ, công chức hoặc tổ chức và hoạt động của bộ phận thứ 3 này theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phục vụ Đoàn Chủ tịch và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bộ máy chuyên trách (tức là cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) dưới sự quản lý, điều hành của Ban Thường trực, phải chuyển tải toàn bộ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến Đoàn Chủ tịch và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bằng việc giải thích, thuyết phục, vận động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ để các chủ trương, chính sách, pháp luật đó biến thành chương trình hành động và chương trình phối hợp thống nhất hành động hằng năm của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Với thành phần phong phú, đa dạng của bộ phận thứ ba (tức là Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, thì bộ máy chuyên trách phải có đầy đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất, uy tín… mới thực hiện việc tổ chức hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động được. Chính vì thế, tổ chức và hoạt động của cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải bảo đảm sự kết hợp nhuần nhuyễn cả nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc hiệp thương dân chủ.

Cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng; nhiệm vụ hết sức nặng nề; yêu cầu về tổ chức và nguồn lực nhân sự phục vụ rất cao để chuyển tải các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Do đó, cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải được xác lập địa vị chính trị, pháp lý đúng với yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ và đầu tư đúng mức mới hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng như việc xác lập vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị nước ta, vai trò, vị trí của cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng được xác lập rõ hơn trong quá trình hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị. Nếu từ trước Đại hội XIII của Đảng, tổ chức, bộ máy và biên chế của cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội ở Trung ương giao Ban Tổ chức Trung ương quản lý. Ở cấp tỉnh, cấp huyện giao Ban Tổ chức tỉnh, thành uỷ quản lý5. Thì từ Đại hội XIII của Đảng đến nay đã có sự thay đổi đáng kể: Cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương do Bộ Chính trị quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và giao Ban Tổ chức Trung ương tham mưu quản lý.

Ở cấp tỉnh, cấp huyện do Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế; Ban Thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ quản lý6. Từ việc xác lập địa vị chính trị theo chủ trương mới này của Đảng, cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phải được xác lập địa vị pháp lý một cách phù hợp, thể hiện kịp thời trách nhiệm của Nhà nước về thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng. Đó là, cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có địa vị pháp lý như các bộ, ban, ngành của Đảng và Nhà nước ở Trung ương. Có được địa vị pháp lý này sẽ giải quyết nhiều vướng mắc trong quá trình giúp Đoàn Chủ tịch và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện các mối quan hệ, phối hợp công tác với các cơ quan của Đảng và Nhà nước ở Trung ương như hiện nay. Đồng thời, cần nghiên cứu việc xác lập địa vị pháp lý của cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, huyện để phù hợp với chủ trương mới: “Ở cấp tỉnh, cấp huyện do Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế; Ban Thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ quản lý”6.

Việc xác lập đúng đắn địa vị chính trị, pháp lý của cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là yếu tố căn bản về mặt cơ chế để bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 10, tr.197.

2. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, t.5, tr.698.

3. Trích bài báo “Dân vận ”, ngày 15/10/1949, Hồ Chí Minh.

4. Điều 10. Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá IX quy định chế độ làm việc của Ban Thường trực tại Khoản 3, Điều 2. Quy chế hoạt động của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá IX.

5.  Mục 17.3. Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Quy định thi hành điều lệ Đảng.

6. Mục 17.3. Quyết định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Quy định về thi hành điều lệ Đảng.

Tài liệu tham khảo

1. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Hệ thống tư liệu - Văn kiện Đảng. Tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-3669

2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Quy định thi hành điều lệ Đảng.

3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Quyết định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Quy định về thi hành điều lệ Đảng.

4. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá IX.

5. Hồ Chí Minh (1971). Toàn tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tập 5.

6. Hồ Chí Minh (2000). Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 10.

7. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quyết định số: 50/QĐ-MTTW-UB ngày 30/12/2019 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quy chế hoạt động của Uỷ ban, Đoàn Chủ tịch, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá IX (2019 - 2024).

Lê Bá Trình

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Ủy viên Đoàn Chủ tịch,

nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam