Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị phản biện lần hai dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(Mặt trận) - Ngày 21/4, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị chuẩn bị nội dung phản biện xã hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần 2. Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ và Pháp luật chủ trì hội nghị.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị 

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong quản lý, sử dụng đất đai. Trong đó, tất cả các khâu của quản lý Nhà nước về đất đai từ đánh giá đất, quy hoạch sử dụng đất đến thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đều phải có mặt của cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước theo Hiến pháp năm 2013. Theo đó, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ  chức thành viên của Mặt trận không nên chỉ quy định vào một Điều  20 mà nên quy định trong tất cả các Chương. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung quy định cụ thể mang tính bắt buộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai trong thực hiện việc tiếp thu, trả lời các kiến nghị, đề nghị, phản ánh qua quá trình giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp trong quy định thời gian cụ thể.

Tại hội nghị các đại biểu cũng đã tập trung xem xét, cho ý kiến vào các nội dung mà Ban soạn thảo chưa tiếp thu hoặc tiếp thu chưa đầy đủ ý kiến của nhân dân trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp đến MTTQ Việt Nam như: Việc bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách đất đai tôn giáo; về quyền của người sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; vấn đề tích tụ, tập trung đất nông nghiệp; các quy định về tài chính đất đai; việc thể chế hóa quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, thực hiện trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã rất quan tâm và chỉ đạo sát sao việc phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai. Tháng 9/2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị phản biện lần một đối với dự thảo này. Trong suốt quá trình phản biện xã hội, tham gia góp ý kiến xây dựng, Ban Thường trực đã nhận được sự chia sẻ, đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học; các tổ chức thành viên....

Tiếp thu các ý kiến sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu, trong đó các ý kiến tập trung vào 3 nhóm vấn đề như: Đền bù, giải phóng mặt bằng; vai trò của MTTQ được quy định trong Luật; tính phù hợp trong Hiến pháp và các quy định của Đảng, bà Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, những ý kiến tâm huyết trên sẽ góp phần giúp cho hội nghị phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần 2 chất lượng hơn, từ đó đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các ý kiến của MTTQ Việt Nam một cách thấu đáo.

“Trong thời gian tới, mong các đại biểu sẽ tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến quý báu, chất lượng để hoàn thiện dự thảo Luật này cũng như nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân", Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định.