Truyền thông chính sách góp phần chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật

(Mặt trận) - Ngày 24/6, tại Hà Nội, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ trì Hội nghị 

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, Phó chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương;  Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Phó chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương chủ trì hội nghị.

Có cơ chế để người dân tham gia vào các hoạt động phản biện xã hội.

Tại Hội nghị, sau khi nghe giới thiệu nội dung cơ bản của Quyết định số 407/QĐ-TTg và Đề án “Tổ chức chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”, các diễn giả đã trình bày tham luận, thảo luận, góp ý, đề xuất giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả đề án này.

Qua thảo luận các ý kiến đại biểu đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời xây dựng Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách hằng năm, các tài liệu truyền thông để cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin, báo chí với phương châm truyền thông phải đi trước một bước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội.

Các ý kiến cũng đề xuất, trong quá trình thực hiện, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp về dự thảo chính sách để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời cần có hình thức phù hợp để công khai nội dung tiếp thu, giải trình.

Quang cảnh Hội nghị 

Phát biểu tai Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ này đã rất quan tâm đến công tác hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật, có nhiều chỉ đạo, đặc biệt là Chỉ thị 407 về tổ chức truyền thông chính sách trong xây dựng văn bản qui phạm pháp luật. Đây là nội dung rất quan trọng, nếu tổ chức tốt truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội là phương thức quan trọng chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật, tạo đồng thuận xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, trong quá trình thực hiện quyền, trách nhiệm góp ý, phản biện xã hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn chú trọng công tác truyền thông chính sách, đặc biệt những chính sách lớn có tác động lớn đến xã hội tạo sự đồng thuận của cơ quan, tổ chức và người dân ngay từ khâu soạn thảo. Thông qua hoạt động góp ý, phản biện chính sách của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã góp phần làm minh bạch hơn các chính sách, nâng cao nhận thức của các chủ thể trong xã hội đối với chính sách được góp ý, được phản biện xã hội, đồng thời góp phần bảo đảm hài hòa hơn về lợi ích của nhà nước, xã hội và công dân trong các chính sách được ban hành. Đặc biệt, thông qua hoạt động góp ý, phản biện xã hội góp phần thông tin nhanh chóng, kịp thời, từ sớm, từ xa nội dung chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng Nhân dân.

Từ năm 2013 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật được nhân dân, xã hội quan tâm với quy mô đại biểu tham gia tương đối lớn và phản biện có chiều sâu. Bên cạnh đó Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội cũng tổ chức phản biện xã hội nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên của tổ chức mình nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của hội viên tổ chức mình.

Ở địa phương, căn cứ hướng dẫn hằng năm của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, căn cứ các Kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án của địa phương, trên cơ sở điều kiện, tình hình thực tế của từng địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp đã hiệp thương, thống nhất lựa chọn nội dung, vấn đề phản biện xã hội phù hợp, đúng, trúng những vấn đề mà Nhân dân đang quan tâm  theo định hướng: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh tập trung phản biện dự thảo các chính sách, pháp luật; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã tập trung phản biện xã hội các dự thảo chương trình, đề án có liên quan đến cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương. 

Đồng thời với nhiệm vụ phản biện xã hội các dự thảo chính sách, pháp luật, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tham gia góp ý kiến vào nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án, đề án. Đối với một số nội dung dự thảo Luật quan trọng, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam còn tổ chức các hoạt động góp ý trước và sau hội nghị phản biện xã hội để tăng tính thuyết phục; đồng thời theo dõi việc tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan chủ trì soạn thảo. Theo số liệu thống kê, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý từ 60 đến 80 dự thảo văn bản pháp luật của các cơ quan bộ, ngành, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

“Công tác góp ý, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã đạt kết quả bước đầu tích cực, đã đi trọng tâm vào góp ý, phản biện xã hội những chính sách nhân dân đang quan tâm”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định.

4 mục tiêu, nhiệm vụ lớn của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nêu rõ, Mặt trận Tổ quốc các cấp coi trọng việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, coi đây là một kênh quan trọng thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là phương thức để Mặt trận thực hiện vai trò đại diện.

Để làm được điều này,  MTTQ Việt Nam đã đề ra 4 mục tiêu, nhiệm vụ lớn, trong đó phải kể đến nhiệm vụ hoàn thiện tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh để tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng pháp luật theo Điều 21 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và Điều 6 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung năm 2020.

Cùng với đó phát huy được vai trò của các tổ chức thành viên Mặt trận, đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận và sự tham gia của Nhân dân trong hoạt động phản biện xã hội, giám sát hoạt động xây dựng pháp luật;  Kiến nghị để hoàn thiện các cơ chế đảm bảo hoạt động phản biện xã hội, giám sát hoạt động xây dựng pháp luật có hiệu quả trên thực tế. Đặc biệt là cơ chế tiếp thu và phản hồi các kiến nghị của Mặt trận đối với các cơ quan có thẩm quyền.

Nhiệm vụ tiếp theo là ứng dụng công nghệ, nền tảng kỹ thuật số để thực hiện nhiệm vụ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân phục vụ việc tham gia xây dựng pháp luật, giám sát công tác xây dựng pháp luật, góp ý và phản biện xã hội các dự thảo văn bản pháp luật

Các giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả góp ý, phản biện xã hội

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cùng các đại biểu tham dự Hội nghị 

Về các giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả góp ý, phản biện xã hội góp phần truyền thông chính sách, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động góp ý, phản biện xã hội với nhiều hình thức phong phú; công khai kết quả góp ý, kết quả phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động góp ý, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cần phối hợp chặt chẽ lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của nhân dân, của hội viên, đoàn viên đối với các văn bản quy phạm pháp luật; có sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên hơn nữa giữa các cơ quan báo trí, truyền thông với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên tạo sức mạnh tổng hợp tham gia vào hiệu quả hoạt động góp ý, phản biện xã hội.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng nhấn mạnh tới việc cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội dân chủ, khách quan trong công tác lập pháp nói chung và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói riêng. Đề cao vai trò góp ý kiến và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; chính sách về dân tộc, tôn giáo; người có công với cách mạng, gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số …có cơ chế để người dân tham gia vào các hoạt động phản biện xã hội.

Khắc phục việc lấy ý kiến hình thức

Về các đề xuất, kiến nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng cần xây dựng cơ chế cụ thể để việc lấy ý kiến tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của MTTQ Việt Nam thực sự có hiệu quả với những hình thức và phương pháp thực hiện khoa học; phạm vi và hình thức tham gia tương xứng và phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và các tổ chức xã hội khác. Sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định xác định trách nhiệm đến cùng của cơ quan tham mưu, đề xuất chính sách, trình dự án luật, trong đó rõ trách nhiệm của người đứng đầu; khắc phục những lỗ hổng trong kiểm soát chính sách, không bảo vệ chính sách đưa ra, chống lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, pháp luật.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng kiến nghị sửa đổi luật đất đai, đấu thấu, một số bất cập của cơ chế đầu tư BT, BOT, những quy định sơ hở dẫn đến thao túng lũng đoạn thị trường, tham nhũng, lãng phí, là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo. Tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập, không dùng tiền mặt, thực hiện chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Cùng với đó, cần đề ra các giải pháp và tổ chức thực hiện nghiêm túc đánh giá tác động của chính sách một cách thực chất trong công tác xây dựng pháp luật. Đặc biệt là phải công khai lấy ý kiến rộng rãi của nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, nhất là đối tượng liên quan trực tiếp, chịu tác động trực tiếp của văn bản, có như vậy, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới có tính khả thi cao.

”Cần phải công bố công khai quá trình hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để nhân dân, các tổ chức có liên quan có điều kiện trao đổi, bàn bạc, tham gia ý kiến ngay từ đầu vào quá trình hoạch định các chủ trương, chính sách; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Các chính sách lớn liên quan đến số đông người dân, đến hội viên, đoàn viên có ý kiến trái chiều phải có ý kiến tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể liên quan” Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề xuất.

Cũng theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần được hướng dẫn rõ các hình thức, thời gian, cách tổng hợp lấy ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, các chuyên gia về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cũng như giá trị pháp lý của mỗi loại; làm rõ thời điểm cần tiến hành lấy ý kiến, phạm vi lấy ý kiến, nội dung lấy ý kiến; bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của MTTQ Việt Nam đối với các văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, quy định cụ thể về thời gian tổ chức lấy ý kiến hợp lý để bảo đảm chất lượng cho việc đóng góp ý kiến về các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung lấy ý kiến của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể không trùng với lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của văn bản luật.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị Chính phủ, pháp luật thực hiện nghiêm công khai các dự thảo các văn bản luật trên cổng thông tin điện tử; mở hộp thư điện tử để tiếp nhận các ý kiến góp ý của công dân; có hình thức chia sẻ, trao đổi, phản hồi các ý kiến của công dân, của báo chí, các chuyên gia, nhà khoa học qua kênh thông tin điện tử; tránh việc chỉ đăng nguyên văn sẽ rất ít có ý kiến phản hồi; có biện pháp cụ thể khắc phục việc lấy ý kiến hình thức.

”Để thực hiện việc xây dựng pháp luật có hiệu quả, đồng thời với việc quan tâm xây dựng, củng cố bộ máy cơ quan chuyên trách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cần phải huy động sự tham gia của các thành viên, các cá nhân tiêu biểu, các Hội đồng Tư vấn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lực lượng cộng tác viên và đoàn viên, hội viên là những chuyên gia trên các lĩnh vực. Đồng thời xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy và nhân sự để bảo đảm cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có đủ năng lực để tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nói.

Để phối hợp triển khai truyền thông chính sách theo chỉ thị số 407, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng cho biết Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam hằng năm sẽ hiệp thương phân công nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của MTTQ và các tổ chức thành viên. Rõ nội dung MTTQ Việt Nam chủ trì và từng tổ chức thành viên chủ trì, có trọng tâm, trọng điểm, nêu rõ nội dung tổ chức hội nghị góp ý và phản biện xã hội một số dự thảo văn bản pháp luật trong Kế hoạch tham gia xây dựng pháp luật của Chính phủ và của Quốc hội hàng năm.