(Mặt trận) - Sáng ngày 25/4, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã chủ trì Hội thảo khoa học “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII) ngày 17-11-1993 “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất” và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12-3-2003 Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” - Thực trạng và giải pháp”.
|
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, đại đoàn kết dân tộc là đường lối cơ bản và nhất quán của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc, ở mỗi thời kỳ, căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ cách mạng Đảng ta đã đề ra những chủ trương cụ thể về đại đoàn kết dân tộc, Nghị quyết 07, ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị khoá VII về “Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất”, đặc biệt là Nghị quyết số 23, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là những văn kiện quan trọng đã tổng kết thực tiễn và đề ra những quan điểm cơ bản của Đảng ta về đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ đổi mới đất nước.
“Với chức năng, nhiệm vụ làm nòng cốt để tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai thực hiện hai nghị quyết trên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng các nghị quyết liên quan khác, xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu cho mục tiêu chung là xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh. Qua đó, các cấp đã tích cực chú trọng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, triển khai thực hiện thắng lợi Chương trình phối hợp thống nhất hành động hằng năm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định.
|
Quang cảnh Hội thảo |
Nhấn mạnh thời gian qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước thông qua việc triển khai 5 chương trình hành động của MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, kết quả đạt được thời gian qua có ý nghĩa to lớn và quan trọng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng, bên cạnh những ưu điểm, thành tựu nêu trên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 07- NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW còn những hạn chế nhất định. Theo đó, công tác tuyên truyền phổ biến các mục tiêu, quan điểm, những chủ trương và giải pháp thực hiện Nghị quyết số 07- NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW ở một số địa phương, nhất là ở cấp huyện và cấp cơ sở có lúc, có nơi còn hạn chế; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc có lúc, có nơi còn hạn chế; Việc phát huy vai trò phối hợp, thống nhất hành động với các tổ chức thành viên chưa rõ nét, chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Từ thực tế nêu trên, tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã thảo luận nhằm đánh giá thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, thuận lợi, khó khăn, thách thức và đề xuất các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời đề xuất phương hướng, và kiến nghị để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục thực hiện hai Nghị quyết nêu trên phù hợp với điều kiện mới trong thời gian tới.
|
PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Đánh giá về thực trạng triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW, PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các hội nghị phổ biến Nghị quyết tới các thành phần trên và các cán bộ chuyên trách của Mặt trận. Đây là việc làm thể hiện tính chủ động, tinh thần trách nhiệm cao của Mặt trận nhằm phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, các cá nhân tiêu biểu, có uy tín, các chức sắc tôn giáo và hệ thống Mặt trận trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 07- NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW còn một số hạn chế nhất định cần sớm khắc phục trong thời gian tới. Đơn cử là công tác tuyên truyền phổ biến các mục tiêu, quan điểm, những chủ trương và giải pháp thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ở một số địa phương, nhất là ở cấp huyện và cấp cơ sở có lúc, có nơi còn hạn chế. Ở một số cuộc vận động và phong trào thi đua, hình thức tập hợp, đoàn kết nhân dân còn mang tính hình thức, phong trào thiếu bền vững và chưa phát huy được tính sáng tạo, tính tự quản của nhân dân tham gia phong trào. Việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội chưa chủ động, kịp thời, thiếu trọng tâm, trọng điểm, còn hình thức.
|
PGS.TS Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Đề xuất giải pháp tại Hội thảo, PGS.TS Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, từ yêu cầu xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới, cơ chế, chính sách để MTTQ Việt Nam thực hiện đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân phải được hoàn thiện hơn nữa cùng với quá trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay.
PGS.TS Lê Bá Trình kiến nghị cần hoàn thiện cơ chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là làm chủ thông qua tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam. Quyền làm chủ này phải được thể hiện trước hết là nhân dân được thực quyền lựa chọn người đại diện của mình có đủ tài, đức đưa vào bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp thông qua công việc hiệp thương, giám sát của MTTQ Việt Nam một cách thực chất, không hình thức hoặc làm cho đủ theo quy trình. Do đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật rõ hơn nữa về quyền của MTTQ Việt Nam trong việc tham gia xây dựng, giám sát tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp.
|
Ông Nguyễn Văn Triển, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Hội thảo |
Chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương, ông Nguyễn Văn Triển, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong những năm qua, MTTQ các cấp tỉnh Bắc Ninh, cùng cấp uỷ, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh địa phương, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của cả nước, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế cả nước
Để tiếp tục phát huy sức mạnh này, ông Nguyễn Văn Triển cho rằng cần tăng cường vai trò của MTTQ các cấp tỉnh Bắc Ninh trong việc đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức. Phát huy sức mạnh của các đoàn thể xã hội, đặc biệt là các tổ chức thành viên của Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh, tập hợp sức mạnh của nhân dân trong việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó tập trung giám sát, phản biện xã hội đối với các chương trình, dự án, quyết định của cấp ủy, chính quyền. Tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội thông qua việc huy động sự tham gia của nhân dân, các tổ chức xã hội trong việc giám sát, phản biện; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phân tích tình hình địa phương để nắm bắt kịp thời các vấn đề phát sinh, từ đó có những đề xuất, giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề của người dân kiến nghị.
|
Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương Nguyễn Đình Tranh phát biểu tại Hội thảo |
Từ kinh nghiệm thực tế, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương Nguyễn Đình Tranh cho rằng, để phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp không ngừng đổi mới về mọi mặt, nhất là về phương thức hoạt động thông qua việc đổi mới nội dung, phương thức tập hợp, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, theo hướng: Đa dạng các hình thức tổ chức, hoạt động tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo… nhằm động viên mọi nguồn lực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó cần kết nạp, phát triển thành viên MTTQ, hội viên các đoàn thể nhân dân. Phối hợp với các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện tốt công tác dân vận trong tình hình mới; Hướng dẫn Mặt trận cơ sở xây dựng và phát triển các mô hình tự quản ở thôn, khu dân cư; tham gia hoạt động hòa giải; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Tranh, MTTQ các cấp cần thực hiện tốt vai trò đại diện cho Nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, bằng các hoạt động cụ thể như: thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng Nhân dân, dư luận xã hội để phản ánh với cấp ủy, chính quyền xem xét giải quyết kịp thời; đôn đốc, giám sát các cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Cùng với đó cần thực hiện thường xuyên và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, theo hướng tập trung vào các vấn đề, lĩnh vực có tác động, ảnh hưởng rộng lớn đến các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời đổi mới cách thức giám sát phù hợp với từng cấp, từ việc lựa chọn vấn đề giám sát, tổ chức đoàn, phối hợp các cơ quan liên quan trong giám sát đến theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát. Đối với hoạt động phản biện xã hội, cần thực hiện có chọn lọc, phù hợp với thực tế khả năng thực hiện ở mỗi cấp.
|
Chủ trì Hội thảo |
Ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, những góp ý đã đánh giá cụ thể thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, thuận lợi, khó khăn, thách thức trong việc triển khai hai Nghị quyết, từ đó đề xuất phương hướng và kiến nghị góp phần giúp Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam vận dụng vào quá trình công tác nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.
Hương Diệp - ảnh Minh Đức