Thông qua 2 Nghị quyết về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND

(Mặt trận) - Ngày 11/1, với 100% ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua 2 Nghị quyết gồm: Quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung; và Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 20

Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam khảo sát thực tế tại Ninh Bình

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại phiên họp. 

Cũng trong phiên họp, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Báo cáo tại phiên họp, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với người ứng cử đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH được thực hiện ở từng cơ quan, đơn vị nơi người ứng cử công tác có ưu điểm là việc đóng góp ý kiến cho người ứng cử sẽ sâu sát, chi tiết và cụ thể do cử tri nắm rất rõ về người được giới thiệu ứng cử. Số lượng cử tri tham gia hội nghị không quá nhiều nên sẽ tạo điều kiện để tất cả cử tri nơi người ứng cử công tác phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án này thì còn một số vấn đề cần được nghiên cứu, cân nhắc một cách kỹ lưỡng để bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Bầu cử.

Ông Tùng đã đưa ra 4 vấn đề. Theo đó, thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 45 của Luật Bầu cử thì hội nghị cử tri ở cơ quan nhà nước do người đứng đầu cơ quan phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì.

Đối với khối các cơ quan Quốc hội, do đặc thù chỉ có một cơ quan giúp việc chung là Văn phòng Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội đều sinh hoạt Công đoàn cùng với công chức thuộc Văn phòng Quốc hội tại các Công đoàn bộ phận thuộc Ban chấp hành Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội. Do đó, nếu tổ chức lấy ý kiến cử tri theo từng cơ quan của Quốc hội thì sẽ không có Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan tương ứng để phối hợp theo đúng quy định của Luật Bầu cử. 

Thứ hai, theo quy định của Luật Bầu cử thì đây là “hội nghị cử tri ở cơ quan nhà nước”, do đó cần xác định rõ “cơ quan” trong trường hợp này là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hay chỉ là bộ phận thường trực của Hội đồng, Ủy ban. Nếu chỉ lấy ý kiến cử tri của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban và thậm chí là các công chức thuộc đơn vị trực tiếp giúp việc thì cũng chưa phải là “cơ quan” theo đúng nghĩa. Hơn nữa, với cách thức tổ chức hội nghị cử tri theo từng cơ quan thì sẽ có sự chênh lệch đáng kể số lượng cử tri tham dự hội nghị, đặc biệt là giữa các hội nghị lấy ý kiến đối với người ứng cử đang công tác tại Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội và các Ban thuộc UBTVQH với hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử đang công tác tại Văn phòng Quốc hội.

Thứ ba, theo quy định tại khoản 5 Điều 41 của Luật Bầu cử thì sau khi kết thúc hội nghị cử tri, biên bản hội nghị phải được gửi về Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam kèm theo biên bản hội nghị ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhận xét về người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trước khi hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức. Do đó, nếu tổ chức hội nghị ở từng cơ quan thì danh sách người được giới thiệu ứng cử và biên bản hội nghị sẽ được các cơ quan này gửi trực tiếp đến Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam mà không thông qua trình tự UBTVQH xem xét, cho ý kiến về người được giới thiệu ứng cử như đã được thực hiện từ trước đến nay. Điều này sẽ ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội và UBTVQH đối với công tác lựa chọn nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.

Thứ tư, thực tiễn cho thấy, việc tổ chức một hội nghị chung tại Văn phòng Quốc hội để lấy ý kiến về tất cả những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội về cơ bản không có vướng mắc gì lớn. Việc tổ chức chung một hội nghị như vậy có ưu điểm là khâu tổ chức thực hiện sẽ thuận lợi hơn cho cả cơ quan chủ trì và người ứng cử mà vẫn bảo đảm trình tự, thủ tục và yêu cầu về việc triệu tập và chủ trì hội nghị cử tri theo đúng quy định của Luật Bầu cử, bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội và UBTVQH trong việc giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội.

Từ phân tích trên, để bảo đảm tính ổn định, phát huy các ưu điểm, khắc phục được một số vướng mắc trong kỳ bầu cử trước, ông Tùng cho biết: “Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, Văn phòng Quốc hội thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Quốc hội bao gồm cả cử tri công tác tại Viện Nghiên cứu lập pháp. UBTVQH giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban Chấp hành công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội triệu tập và chủ trì hội nghị này.

Phát biểu tại phiên họp, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam cho rằng: Cách thức tổ chức như đề xuất của Ủy ban Pháp luật là phù hợp, thành phần được mở rộng hơn, giảm bớt hội nghị và phù hợp hơn vì trong cơ quan thì Ban Chấp hành công đoàn tổ chức là hợp lý.

Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng: Ban Chấp hành công đoàn tổ chức hội nghị cử tri thì trước đây có ý kiến là theo hộ. Nhưng cũng có thể xử lý được vì mỗi lần họp thì người đứng đầu cơ quan có thể mời Ban Chấp hành công đoàn dự. Thay vì tổ chức 13 cuộc họp và 13 lần Ban Chấp hành công đoàn tham dự 13 cuộc này thì có thể họp tất 1 lần sẽ đơn giản và nhanh hơn. “Thực tế vừa qua thấy nhiệm kỳ khóa trước khi biểu quyết danh sách thì không vướng gì, không có nhiều ý kiến, cơ bản là đồng thuận cao các ý kiến nhân sự được Đảng đoàn, Ban Chấp hành, hay thường vụ các cơ quan giới thiệu ra hội nghị. Do đó có thể bớt các hội nghị tập trung vào 1 hội nghị vẫn đảm bảo tính phù hợp. Bên cạnh đó trong lấy ý kiến nhận xét thì sau khi có bản nhận xét của mỗi người thì Đảng đoàn hay TVQH vẫn phải xác nhận cho nên vẫn đảm bảo các tiêu chí. Vì vậy, nên tổ chức hội nghị 1 lần tại Văn phòng Quốc hội”-ông Phúc cho hay.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri nơi công tác đối với người ứng cử công tác tại cơ quan Quốc hội, cơ quan thuộc UTVQH thì UBTVQH nhất trí với đề nghị của Ủy ban Pháp luật để phù hợp với thực tiễn và Luật Bầu cử hiện nay. Như thế gọn hơn trong quá trình tổ chức. Về số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại Hà Nội, UBTVQH thống nhất với đề xuất báo cáo Quốc hội xem xét quyết định vấn đề này tại kỳ họp Quốc hội tới.

Qua biểu quyết, 100% Ủy viên UBTVQH đã nhất trí đồng ý thông qua 2 Nghị quyết gồm: Nghị quyết Quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung; và Nghị quyết Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.