Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Các giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay

(Mặt trận) - Ngày 22/12, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã chủ trì Hội thảo khoa học "Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Các giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay".

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt

Người hành giả Trúc Lâm dấn thân kiến tạo vì một Việt Nam giàu mạnh

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, Hội thảo khoa học lần này là nội dung quan trọng trong việc triển khai Đề tài khoa học "Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – Các giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay" do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam giao Ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam thực hiện trong năm 2023. Với mục đích, ý nghĩa thiết thực, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các nhà nghiên cứu, học giả, người hoạt động thực tiễn và các chức sắc Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, nhìn nhận về chân giá trị của Thiên phái Trúc Lâm Yên Tử xưa và nay, đó chính là việc hành giả Trúc lâm hiện hữu ngay trong đời sống thực tại, “sống là tu”, “tu là sống”, không hẳn phải lên non cao hay vào rừng thẳm, không hẳn phải xa đời, lánh thế mà cốt tủy của một vị hành giả Trúc lâm là trực nhận được bản tâm vốn có xưa nay của mình và lấy đó làm nền tảng tu học, lấy chính tập nghiệp của mình làm phương tiện tiên tu, giác ngộ, độ sinh.

Với tinh thần này, người hành giả Trúc Lâm sẽ hóa hiện mình trong từng hơi thở cuộc sống, cân bằng giữa thân và tâm, không dừng lại ở giải thoát cá nhân mà hòa hợp trong mối tương giao giữa cái chung với cái riêng, giữa cá nhân với tập thể, giữa hương vị giải thoát của bản thân và hạnh phúc của nhân sinh. Người hành giả Trúc Lâm bước đi trên con đường cao rộng, đó chính là dấn thân để kiến tạo một đời sống hạnh phúc, sáng tươi, hòa nhập vào đời sống xã hội và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, vì một Việt Nam giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt 

Nhắc tới sự tương thông giữa tinh thần Phật giáo Trúc Lâm trong tâm tư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hơn một lần nhắc tới câu nói của Nhà văn N. Ôxtơtôpxki với tấm lòng thống thiết: “Cái quý nhất của con người ta là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình và để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

"Trên tinh thần khoa học và trong khuôn khổ buổi Hội thảo, các học giả, nhà nghiên cứu và các chức sắc Phật giáo cần tập trung trao đổi, thảo luận, chỉ rõ hơn về những giá trị văn hóa, đạo đức đặc sắc của Phật giáo Trúc Lâm trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay; cách ứng vận dụng các giá trị tu học của Phật giáo Trúc Lâm trong công tác đào tạo tăng tài của Giáo hội hiện nay; đồng thời đề xuất cách phát huy những giá trị tôn giáo tiêu biểu của Phật giáo Trúc Lâm trong nước và ngoài nước", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng gợi mở.

Thiền phái Trúc Lâm gắn liền với đời sống nhân dân

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Truyền thông Trung ương GHPG Việt Nam tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt

Tham luận tại Hội thảo, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Truyền thông Trung ương GHPG Việt Nam cho rằng, tư tưởng thiền nhập thế do Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xây dựng đã để lại những dấu ấn sâu sắc và giá trị to lớn không chỉ trong lĩnh vực tôn giáo mà cả trong đời sống xã hội, không chỉ đối với quá trình xây dựng đất nước bảo vệ nền độc lập dân tộc mà còn có ý nghĩa to lớn đối với đời sống của người dân Việt Nam. Đặc biệt là tinh thần hành động cao cả, thiết thực, đánh giặc cứu nước, cứu dân, xây dựng một chế độ thân dân, yêu dân, đoàn kết nhân dân, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

"Những tư tưởng đó của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử góp phần làm cho truyền thống tốt đẹp trong tư tưởng văn hóa dân tộc được hâm nóng, bồi đắp để phát triển rộng rãi và có sức sống lan tỏa trong đời sống dân tộc Việt Nam", Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh.

Thượng tọa Thích Hạnh Tuệ, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt 

Ở góc độ khác, Thượng tọa Thích Hạnh Tuệ, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam chia sẻ, Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội. Người Phật tử nên tùy duyên, tùy thuận vào mối liên hệ phân công của xã hội theo khả năng của mình mà thể hiện đời sống đạo bằng nhiều cách. Mỗi người dân tự hoàn thiện bản thân, đóng góp cho gia đình và xã hội.

"Muốn tạo được nguồn cảm hứng nhập thế dấn thân phục vụ dân tộc, phải biết khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đưa hệ tư tưởng nhập thế của Phật giáo vào trong môi trường giáo dục một cách có hệ thống. Phát hiện, bồi dưỡng, vun trồng để ngày càng có nhiều lớp thanh niên tiên tiến, đi đầu và dẫn dắt thế hệ của mình tiến về phía trước cùng dân tộc", Thượng tọa Thích Hạnh Tuệ kiến nghị.

Thượng tọa Thích Thiện Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt 

Thượng tọa Thích Thiện Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội cho biết, Thiền phái Trúc Lâm là một thiền phái nhân văn, gần gũi với cuộc sống của người dân. Chủ nghĩa yêu nước qua tinh thần nhập thế vào đời của các thiền sư đã giúp cho Phật giáo Việt Nam gắn bó với đất nước và dân tộc trải qua suốt cuộc hành trình giữ nước của dân tộc Việt Nam.

"Có thể nói sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã tạo nên trường lực hấp dẫn mạnh mẽ, tạo đà thúc đẩy sự ra đời hàng trăm ngôi chùa lớn, nhiều tầng lớp Tăng chúng cùng quy hướng theo một dòng tu hành in đậm sắc thái Phật giáo dân tộc", Thượng tọa Thích Thiện Hạnh chia sẻ.

PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt 

Nêu vấn đề về Phật giáo Trúc Lâm ở Hải ngoại, PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Phật giáo Trúc Lâm đã thuyết phục người châu Âu hiện đại ngày nay, giới trẻ châu Âu cũng đang tìm đến Đạo Phật ngày càng nhiều. Tuy nhiên Phật giáo Trúc Lâm  không tránh khỏi những trở ngại, đặc biệt với thế hệ trẻ người Việt sinh ra, lớn lên và thụ hưởng nền văn hóa, giáo dục tại Hải ngoại. Vì vậy để hướng tới giới trẻ châu Âu, Phật giáo Trúc Lâm cần thay đổi cách thức truyền giảng giáo lý sinh động, hiện đại, dễ hiểu, pháp môn tu tập cũng phải đơn giản, dễ thực hành, thiết thực giúp giới trẻ có thể tháo gỡ những vướng mắc ngay trong cuộc sống thường nhật, giải tỏa lo âu, phiền muộn, căng thẳng.

"Để làm được điều đó, quan trọng hơn cả cần có được đội ngũ tăng tài có trình độ học vấn toàn diện, có sự nghiệp, có ý chí trau dồi đạo nghiệp, có khả năng thuyết phục, lôi cuốn hấp dẫn người khác, dù ở bất cứ đâu, bối cảnh nào Phật giáo Trúc Lâm cũng sẽ có triển vọng phát triển", PGS.TS Đỗ Lan Hiền đề xuất.

GS.TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt 

Ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết tại Hội thảo, GS.TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, Hội thảo đã góp phần nghiên cứu các giá trị vật chất, tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay.

Theo GS.TS Đỗ Quang Hưng, tham luận tại Hội thảo đều nhận định, tổng hòa các yếu tố mà mục tiêu Hội thảo hướng tới chính là nhân tố con người. Con người là nhân tố chính yếu, quyết định mọi thành công. Đối với Phật giáo thì việc học và tu đúng chính pháp của một tu sĩ là yếu tố quyết định cho tương lai của Phật giáo. Chỉ khi một tu sĩ tu học có nội lực (có vốn) thì mới có thể trở thành nhân tố tích cực, có giá trị, khi đó họ mới có thể hòa chung vào trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, góp phần thiết thực, hiệu quả trong quá trình xây dựng và phát triển Giáo hội và đất nước hôm nay và mai sau.

"Cối lõi nội dung trong các bài tham luận là việc hướng tới xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới, con người của xã hội chủ nghĩa tương lai, phát triển toàn diện cả đức, trí, thể, mĩ. Họ sống có giá trị cho mình, cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Nếu được quan tâm, phát huy đúng mức các giá trị văn hóa, đạo đức cao quý của Phật giáo Trúc Lâm sẽ góp phần thiết thực trong việc thực hiện sứ mệnh vĩ đại này", GS.TS Đỗ Quang Hưng khẳng định.