Thảo luận tiêu chí nhằm lựa chọn đại biểu đại diện cho người dân tộc thiểu số tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp

(Mặt trận) - Ngày 20/5, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn về Dân tộc (UBTƯ MTTQ Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học "Tiêu chí đại diện người dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong thời kỳ mới". Dự và chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Bùi Thị Thanh, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân tộc.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Quang cảnh Hội thảo 

Hội thảo khoa học này có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá mặt tích cực và hạn chế của người đại diện tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất quan điểm, kiến nghị giải pháp phù hợp, khả thi, làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách; kế thừa, phát huy hiệu quả vai trò của người đại diện có uy tín trong cộng đồng.

Đồng thời, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo cũng làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về các tiêu chí của đại diện người DTTS tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong thời kỳ mới; làm sáng tỏ thêm thực trạng, vai trò tích cực của người đại diện DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội dưới góc độ phát triển bền vững trong thời kỳ mới hiện nay.

TS Lò Giàng Páo, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân tộc phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, TS Lò Giàng Páo, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân tộc cho rằng, để phát huy vai trò đại diện người DTTS tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong thời kỳ mới cần có sự phối hợp trong việc tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức người đại diện và trách nhiệm phát triển bền vững ở các cấp chính quyền địa phương; các vùng đều cần phát huy lợi thế để phát triển trong đó vai trò người đại diện có các hoạt động đồng hành với cộng đồng.

Cùng với đó, người đại diện thu hút rộng rãi các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân vào quá trình lựa chọn và thực hiện các phương án phát triển tại địa phương; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo đảm tính liên ngành, liên vùng, liên lãnh thổ.

“Người đại diện cho đồng bào DTTS cần xây dựng các chương trình phát triển bền vững của vùng và địa phương nhằm hướng tới việc tạo sự thống nhất trong nhận thức của các ngành, các cấp và xã hội về vị trí, vai trò của người đại diện có uy tín trong đồng bào DTTS; Thống nhất về công tác quản lý của người đại diện có uy tín trên các địa bàn và thống nhất về hình thức tổ chức, thực hiện chế độ, chính sách đối với người đại diện”, ông Lò Giàng Páo nêu ý kiến.

Cũng theo ông Lò Giàng Páo, khi các thành viên trong cộng đồng được đại diện có những hoạt động một cách hiệu quả, họ cảm thấy được lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng, từ đó dẫn đến sự gắn kết và đoàn kết hơn trong cộng đồng. Tuy nhiên, cũng có thể có những trường hợp người đại diện không thực hiện tốt vai trò của minh, dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho cộng đồng, bởi vậy cần có những cơ chế giám sát và đánh giá các hoạt động của người đại diện để đảm bảo họ thực hiện tốt trách nhiệm của mình.

TS Bế Trường Thành, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân tộc phát biểu tại Hội thảo 

Theo TS Bế Trường Thành, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân tộc, hiện nay UBTƯ MTTQ Việt Nam là tổ chức duy nhất có đủ đại diện của tất cả thành phần dân tộc ở nước ta. Tiêu chí để lựa chọn, hiệp thương để tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam về cơ bản và chủ yếu là lực lượng cốt cán từ các địa phương giới thiệu lên.

"Tỷ lệ DTTS trong tổng dân số toàn quốc là 14,7%; trong đó nhiều nhất là tỉnh Cao Bằng với 94,8% và ít nhất là tỉnh Đồng Tháp với 0,13%. Với tính chất phân bổ rất phân tán như vậy, các tỉnh, thành phố là những địa phương nào cần thiết có cơ cấu đại diện là người DTTS tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam ở địa phương? Việc xác định, lựa chọn đại diện là người DTTS tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần được xem xét tổng hợp bằng hệ thống tiêu chí và tính đến các đặc điểm, yếu tố đặc thù vùng miền", ông Thành nêu vấn đề.

Ông Đinh Hồng Vận, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Dân tộc phát biểu tại Hội thảo 

Ông Đinh Hồng Vận, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Dân tộc cho rằng, đối với Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp cơ sở phải là những người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng DTTS ở địa phương, là những người đi đầu trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần quan trọng trong tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp với cộng đồng các dân tộc ở địa phương.

"Đối với cấp Trung ương, cần đặc biệt quan tâm đến những người có ảnh hưởng rộng lớn trong một hay nhiều cộng đồng dân tộc, hiểu biết sâu rộng về chính sách và pháp luật, có tâm, có tầm, có khả năng phản biện và đóng góp xây dựng các chính sách và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách dân tộc", ông Vận kiến nghị.

  Ông Cầm Đoản, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân tộc phát biểu tại Hội thảo

Ở góc độ khác, ông Cầm Đoản, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân tộc cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của các ủy viên đại diện cho DTTS trong giai đoạn tới cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS.

"Đại diện người DTTS tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam phải là người thông thạo tiếng dân tộc mình, hiểu biết phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là văn hóa dân tộc", ông Cầm Đoản đề xuất.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, Hội thảo khoa học có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, góp phần giúp cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam xây dựng Đề án về nhân sự, phục vụ cho Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029 theo dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2024.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, các ý kiến tham luận tại Hội thảo đã làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về các tiêu chí của đại diện người dân tộc thiểu số tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong thời kỳ mới, làm rõ thêm vai trò tích cực của người đại diện dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời rút ra các bài học kinh nghiệm về phát huy vai trò của người đại diện đó trong cộng đồng tộc người thiểu số trong việc tham gia xây dựng và triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, đề xuất quan điểm, kiến nghị, giải pháp, và đề xuất một số quan điểm về tiêu chí làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách phát huy hiệu quả vai trò của người đại diện trong phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS trong thời kỳ mới.

Ghi nhận sự đóng góp, sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm các thành viện Hội đồng tư vấn về Dân tộc, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, Ban Dân tộc UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp thu những ý kiến tham luận trong Hội thảo, tổng hợp gửi Ban Thường trực để làm cơ sở hoàn thiện việc lựa chọn đại diện người dân tộc thiểu số tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong nhiệm kỳ mới.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đã trao tặng Bằng khen của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho bà Bùi Thị Thanh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc vì đã có đóng góp xuất sắc trong công tác Mặt trận. 

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đã trao tặng Bằng khen của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho bà Bùi Thị Thanh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc vì đã có đóng góp xuất sắc trong công tác Mặt trận.