Thành tựu 30 năm đổi mới của tỉnh Yên Bái tiếp cận từ không gian phát triển của vùng Trung du, miền núi phía Bắc

(Mặt trận) - Sáng ngày 24/9, tại Hội thảo “Yên Bái - 30 năm một chặng đường phát triển” (1/10/1991 - 1/10/2021), ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái (giai đoạn từ 18/8/2011-15/02/2015) đã có bài tham luận với chủ đề "Thành tựu 30 năm đổi mới của tỉnh Yên Bái tiếp cận từ không gian phát triển của vùng Trung du, miền núi phía Bắc" nhằm làm nổi bật lên vị trí của Yên Bái trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Phùng Quốc Hiển, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái; lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo của tỉnh Yên Bái qua các thời kỳ và lãnh đạo tỉnh Lào Cai.

Bày tỏ niềm vui mừng khi được tham dự Hội thảo quan trọng, ý nghĩa này, trong bài tham luận tại Hội thảo, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh tới 3 nội dung để làm sâu sắc hơn về lý luận và thực tiễn, nhằm đánh giá đúng đắn thành tựu đạt được sau 30 năm đổi mới của tỉnh Yên Bái; từ đó góp phần tri ân công sức của các thế hệ cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; đồng thời chỉ ra hạn chế, bất cập, đề ra giải pháp khả thi, tăng thêm năng lượng tích cực để tỉnh Yên Bái bước vào giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ, toàn diện, bền vững hơn.

Những thay đổi đột phá sau 30 năm

Nhắc tới một số thành tựu chủ yếu của tỉnh Yên Bái sau 30 năm đổi mới, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã đánh giá khái quát là: đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với năm trước đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu, sau đó được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ghi trong Văn kiện: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

"Cùng với sự phát triển của đất nước, 30 năm qua, từ khi tái lập tỉnh, tháng 10/1991 đến nay, tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện và bền vững, có mặt nổi bật, là điểm sáng của các tỉnh Tây Bắc.", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Điểm lại tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái trong năm 2020 khi GDP tăng, cơ cấu công nghiệp, dịch vụ tăng và giảm dần cơ cấu nông lâm nghiệp, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng đề cập tới thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh khi cuối năm 2020, có 27 dự án, đăng ký đầu tư với số vốn là 400,5 triệu USD, tương đương hơn 9.200 tỷ đồng. Đặc biệt, giai đoạn 5 năm vừa qua đã có một số dự án hoàn thành đầu tư, bước vào sản xuất tạo ra một số sản phẩm mới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Kinh tế phát triển, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 57,2 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, khá bền vững, cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 4,52%.

Cùng với đó, tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm quy hoạch đầu tư phát triển mạng lưới giao thông theo hướng hiện đại, đa dạng, phục vụ phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh theo quy hoạch, các công trình có điểm nhấn như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa bàn tỉnh Yên Bái hơn 80 km, cùng với đường nối IC14 với trung tâm thành phố Yên Bái, đường Nguyễn Tất Thành, làm thay đổi diện mạo của tỉnh; dự án cầu Bách Lẫm, cầu Tuần Quán, cầu Cổ Phúc bắc qua sông Hồng, tạo điều kiện khai thác quỹ đất phát triển thành phố 2 bên sông; nâng cấp cải tạo quốc lộ 37, 32C đoạn qua địa bàn tỉnh; đầu tư giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật thị xã Nghĩa Lộ để xây dựng mô hình thị xã văn hóa-du lịch, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Tây của tỉnh. Đặc biệt là đầu tư giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn của tỉnh.

Một số cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, du lịch, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư như: Trường chuyên Nguyễn Tất Thành, Trường Nội trú tỉnh, Trường Cao đẳng nghề, Bệnh viện Đa khoa 500 giường, Bảo tàng tỉnh, Khu tưởng niệm khởi nghĩa Yên Bái gắn với tên tuổi Cụ Nguyễn Thái Học; chỉnh trang khu trung tâm, nâng cấp Sân vận động thành phố, Sân vận động thị xã Nghĩa Lộ... Bước đầu tạo được sản phẩm du lịch đặc trưng, ấn tượng, được bạn bè, du khách muôn phương biết đến như: Dù lượn Mù Cang Chải, Tuần văn hóa du lịch Mường Lò, lễ hội đền Đông Cuông...

Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Cơ quan tham mưu về công tác tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra, dân vận, nội chính, văn phòng... đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở. Từ đó, tinh thần đoàn kết thống nhất trong Đảng, dân chủ, đồng thuận trong tỉnh ngày càng cao; vai trò, vị thế lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường; chất lượng cấp ủy viên các cấp, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được nâng lên rõ rệt. Đội ngũ cán bộ các cấp luôn xác định 4 định hướng để triển khai nhiệm vụ, đó là: tận tụy để dân mến, trách nhiệm để dân thương, kỷ cương để dân trọng, năng động để dân được nhờ.

"Thành tựu 30 năm đổi mới gắn với 30 năm tái lập tỉnh mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đạt được rất lớn, toàn diện, đáng phấn khởi, trân trọng và tự hào, đã được các kỳ Đại hội của Đảng bộ tỉnh đánh giá sâu sắc. Những nét nổi bật này sẽ lan tỏa năng lượng tích cực để mỗi người cùng chung tay, góp sức xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển mạnh mẽ, toàn diện, bền vững hơn nữa trong thời gian tới", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội thảo

Nông thôn, nông dân trong toàn tỉnh được thụ hưởng thành quả đổi mới

Nhìn nhận thành tựu của tỉnh Yên Bái trong không gian phát triển của vùng Trung du, miền núi phía Bắc, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đã nhắc tới 5 tiêu chí cơ bản để so sánh với sự phát triển của 14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc nói chung (Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ) và với 6 tỉnh Tây Bắc (Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình) nói riêng thời điểm cuối năm 2020.

Theo đó, về tốc độ tăng trưởng kinh tế: cuối năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Yên Bái là 5,41%, xếp thứ 4 so với 14 tỉnh; xếp thứ 3 so với 6 tỉnh Tây Bắc.

Về thu hút đầu tư: cuối năm 2020, tỉnh Yên Bái có 27 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 400,5 triệu USD, tương đương với hơn 9.200 tỷ đồng. Xếp theo vốn đầu tư, đứng thứ 6 trong 14 tỉnh; đứng thứ 3 trong 6 tỉnh Tây Bắc.

Về thu ngân sách trên địa bàn: năm 2020 tỉnh Yên Bái thu 3.592 tỷ đồng (vượt 42,5% dự toán Trung ương giao và vượt 8,8% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, bằng 99,4% dự toán phấn đấu), xếp thứ 7 trong 14 tỉnh, xếp thứ 4 trong 6 tỉnh Tây Bắc (nếu không tính thu qua cửa khẩu và công trình thủy điện trọng điểm quốc gia thì tỉnh Yên Bái có thể xếp thứ 5 trong 14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc và thứ 2 trong 6 tỉnh Tây Bắc).

Về xây dựng nông thôn mới: tỉnh Yên Bái có 75 xã, 1 huyện và 1 thành phố đạt tiêu chí nông thôn mới; xếp thứ 4 so với 14 tỉnh, xếp thứ nhất trong 6 tỉnh Tây Bắc.

Về tỷ lệ hộ nghèo: tỉnh Yên Bái còn 4,52% hộ nghèo, thấp thứ 4 trong 14 tỉnh, thấp nhất trong 6 tỉnh Tây Bắc.

"Qua 5 tiêu chí nêu trên, cho thấy: so với 14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc và so với 6 tỉnh Tây Bắc, tỉnh đều xếp ở nhóm đầu. Đáng mừng nhất là đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, nông thôn, nông dân trong toàn tỉnh được thụ hưởng thành quả đổi mới ở mức khá trong các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc và xếp thứ nhất trong các tỉnh Tây Bắc.", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, thời gian tới, nhân dân trong toàn tỉnh cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa thì toàn tỉnh sẽ đạt được mục tiêu ghi trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

Nhấn mạnh tới việc Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong lúc dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát trên diện rộng, đến nay tình hình đã thay đổi, hệ lụy và tổn thất của dịch bệnh Covid-19 là rất lớn, chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến toàn tỉnh, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị lãnh đạo tỉnh Yên Bái cần có chủ trương đánh giá lại tình hình, đề ra giải pháp thiết thực, cụ thể, khả thi để vừa thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa chủ động đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.

"Cần thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh. Biến khó thành dễ, nguy thành cơ, yếu thành mạnh, vượt qua thách thức, chiến thắng dịch bệnh", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gợi mở.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh nghiên cứu, tổng hợp kết quả của cuộc Hội thảo này cùng với Văn kiện của các kỳ Đại hội, biên tập thành cuốn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra, phục vụ cho công tác tuyên truyền.

Đặc biệt có thể làm chuyên đề để sinh hoạt Chi bộ nhằm phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự tin, tự hào, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, các lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân, truyền cảm hứng, lan tỏa năng lượng tích cực để tỉnh Yên Bái phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.