Thành quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường

(Mặt trận) - Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương, chính sách phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiều quan điểm, chủ trương lớn quan trọng, trong đó có quan điểm về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trả lời phỏng vấn báo chí về những kết quả trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trân trọng giới thiệu tới độc giả.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Phóng viên: Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo ông, khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được củng cố như thế nào?

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Có thể nói, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định vị trí quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực và nguồn lực quan trọng và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tôi đã đọc rất kỹ báo cáo giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và muốn bổ sung, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ được củng cố mà còn được tăng cường.

Vì sao lại nói tăng cường ở đây?

 Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiều quan điểm, chủ trương lớn quan trọng, trong đó có quan điểm về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chúng ta có thể nhìn vào bối cảnh hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế cùng dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động không nhỏ tới việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Dịch Covid-19 được coi là một thách thức an ninh phi truyền thống chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, đây cũng là lúc, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện rõ nét. Tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân; tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, tính chất gắn kết cộng đồng được kế thừa, phát huy.

Từ những thách thức, khó khăn nội tại cũng như khách quan đã càng làm nổi bật lên vai trò của Đảng trong phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong bối cảnh đó, việc Đảng tiến hành mạnh công tác chỉnh đốn Đảng càng góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền. Đoàn kết trong Đảng được củng cố, trở thành hạt nhân cho đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc mang đến không khí vui tươi, thắm tình đoàn kết tại mỗi khu dân cư trên cả nước

Phóng viên: Chúng ta đã đi được nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với tình hình trong nước, thế giới có nhiều biến động, theo ông, làm thế nào để giữ vững cũng như tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc?

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Phải khẳng định, đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, truyền thống này đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đảng ta luôn xác định “đoàn kết” là giá trị cốt lõi và “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam.

Tại buổi Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta.

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, theo tôi, cần làm tốt một số điểm chính, đó là:

Thứ nhất, phát huy vai trò của người đứng đầu. Thế hệ chúng tôi thời xưa có hai khẩu hiệu: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “Khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ”. Theo tôi, đến bây giờ, khẩu hiệu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” vẫn giữ nguyên giá trị, phù hợp với hoàn cảnh hiện nay cũng như đường lối, chủ trương của Đảng.

Các đồng chí đứng đầu cần phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trở thành những hạt nhân nòng cốt, cầu nối gắn kết trong phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội. Cấp ủy các cấp cần tăng cường chỉ đạo, làm tốt công tác định hướng nội dung hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp theo định kỳ hằng năm; tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của công tác giám sát, phản biện xã hội. Công tác giám sát, phản biện xã hội phải toàn dân làm; khơi dậy quyền làm chủ của nhân dân, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Thứ ba, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa, đưa việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở đi vào nền nếp.

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc mang đến không khí vui tươi, thắm tình đoàn kết tại mỗi khu dân cư trên cả nước

Phóng viên: Với vị trí, vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực để nâng cao, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với cương vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần làm gì để củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thưa ông?

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Phải khẳng định, với vai trò là trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn chú trọng công tác vận động, tập hợp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Đại hội XIII của Đảng đã nêu vấn đề tăng cường vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đây là lần đầu tiên cụm từ “vai trò nòng cốt chính trị” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đề cập trong vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, trước đây chỉ dừng lại ở “vai trò nòng cốt”. Như vậy, “vai trò nòng cốt chính trị” ở đây có thể hiểu rằng, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ ngày càng cao và hết sức nặng nề.

 Hội nghị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phải thông qua các tổ chức thành viên làm sao tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng. Nhận thức của hội viên, thành viên khi được tuyên truyền phải trở thành những hành động thực tế, tự nguyện thực hiện những chủ trương của Đảng, Nhà nước. Nói cách khác, Mặt trận Tổ quốc cần thực hiện việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân làm theo đúng định hướng của Đảng là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Một mặt khác, Mặt trận Tổ quốc phải thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội bởi đây có thể coi là chức năng bẩm sinh của Mặt trận Tổ quốc. Mặt trận cần tăng cường giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tăng cường giám sát trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là giám sát hoạt động quản lý Nhà nước về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.

 Mặt trận Tổ quốc phải thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội

Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng cần tổ chức tạo điều kiện để nhân dân tham gia phản biện trong quá trình xây dựng dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Thực hiện được tốt những điều này, Mặt trận Tổ quốc sẽ thực sự phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Trên cơ sở sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường; sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao và tích cực hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân sẽ tạo động lực bền vững để xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, giàu đẹp.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!