Tết Chol Chnăm Thmây ấm áp với đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang

(Mặt trận) - Chiều 5/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn công tác của Quốc hội đã đến xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang thăm và chúc mừng đồng bào dân tộc Khmer nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnăm Thmây.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi gặp mặt 

Cùng đi có: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ An Giang Lê Hồng Quang; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn và đại diện các sở, ban ngành tỉnh An Giang. 

Tại Chùa Soài So, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đã thăm, tặng quà Hòa thượng Chau Ty, trụ trì Chùa và các vị hòa thượng, đại đức, chức sắc, người có uy tín trong đồng bào Khmer cùng nhiều gia đình chính sách là đồng bào Khmer trên địa bàn.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời chúc mừng năm mới đến các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức cùng đồng bào, phật tử đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay vui tươi, hạnh phúc; tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, linh hoạt, thích ứng với điều kiện bình thường mới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà các hòa thượng, thượng tọa 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, hai năm qua, tuy tình hình thế giới, khu vực vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ; sự giám sát, đồng hành, chia sẻ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân, nước ta tiếp tục đạt được những thành quả đáng mừng.

Năm 2021, tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 2,58%, quy mô nền kinh tế khoảng 363 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người 3.680 USD, thu ngân sách nhà nước hơn 1,523 triệu tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52%. Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành vượt mức tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021. Quốc phòng an ninh được đảm bảo, đối ngoại được tăng cường, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt kết quả quan trọng. Trong 3 tháng đầu năm 2022, cả nước tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng mừng về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực về thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Năm 2021, tỉnh An Giang cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Dù trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 3 tỉnh tăng trưởng âm (Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh) nhưng An Giang vẫn tăng trưởng 2,15%; thu ngân sách đạt gần 7.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa hơn 6.600 tỷ đồng; 59,48% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3/11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Số hộ nghèo, cận nghèo đều giảm so với năm 2020.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác dân tộc, không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, nhất là những nơi khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong đó có đồng bào Khmer của tỉnh An Giang.

Đặc biệt, năm 2021, An Giang đã thực hiện tốt chính sách dân tộc, giải quyết, hỗ trợ cho hàng chục hộ nghèo dân tộc thiểu số về nhà ở, đất ở với tổng trị giá trên 22,2 tỷ đồng. Tỉnh cũng rất quan tâm thực hiện việc giữ gìn, khôi phục, phát huy bản sắc dân tộc; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào Khmer vào các dịp Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ Sene Dolta của đồng bào. Nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, đến cuối năm 2021, số hộ nghèo của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh An Giang chỉ còn 3.768 hộ (gần 18,8%); số hộ cận nghèo còn 1.655 hộ (8,3%).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn đồng bào dân tộc Khmer, mà nòng cốt là các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, các vị A char, Ban quản trị các chùa... tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống cách mạng; thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; đồng thời bà con tiếp tục quy hoạch lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, động viên con em ra sức học tập, nâng cao trình độ, dân trí, chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh môi trường,  giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn công tác đã trao tặng 65 phần quà cho các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, các vị A char, Ban quản trị các chùa và gia đình chính sách tiêu biểu là người Khmer trên địa bàn tỉnh An Giang.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu tặng quà các hòa thượng, thượng tọa

Hòa thượng Chau Ty, Trụ trì chùa Soài So cảm ơn những tình cảm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh An Giang dành cho các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, các vị A char, Ban quản trị các chùa cùng bà con dân tộc Khmer nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay 2022.

Theo Hòa thượng Chau Ty, thời gian qua, chùa Soài So nói riêng và các chùa Phật giáo Nam tông trên địa bàn tỉnh An Giang nói chung đã đồng hành cùng tỉnh trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, chung tay giúp người dân từng bước vượt qua khó khăn của đại dịch với nhiều hoạt động hỗ trợ, thiện nguyện; từ đó, thắt chặt thêm mối quan hệ và tình đoàn kết giữa các dân tộc.

Tỉnh An Giang hiện có hơn 93.717 người Khmer, chiếm 4,2% tổng dân số toàn tỉnh, sống đan xen với các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm; trong đó có khoảng 80.000 người (chiếm gần 92% tổng số dân tộc Khmer toàn tỉnh) sống tập trung ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, số còn lại sống rải rác ở các huyện: Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng các vị hòa thượng, thượng tọa, các vị a cha, Ban quản trị các chùa