Tập trung chăm lo đời sống cho người dân

(Mặt trận) - Đây là vấn đề được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức ngày 6/1/2019.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh tại Hội thảo.

Hội thảo do các ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban kinh tế Trung ương; bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Vĩnh Phúc đồng chủ trì.

Dự hội thảo còn có ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Duy Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nhấn mạnh, trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn để đạt được những thành tựu to lớn, trở thành một trong những tỉnh, thành phố tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cũng khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc.

Đi vào phân tích nội dung đề án, ông Cao Đức Phát cho rằng: Trong phần mục tiêu, cơ quan soạn thảo Đề án cần bổ sung, làm rõ về mặt quan điểm thực hiện, trong đó bên cạnh chủ trương tiếp tục thu hút đầu tư các doanh nghiệp lớn cần tập trung vào điều chỉnh chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển doanh doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về nhiệm vụ, giải pháp, đồng chí đề nghị tỉnh quan tâm, đầu tư mạnh hơn nữa vào phát triển giáo dục, phát huy tiềm năng lợi thế về nguồn nhân lực sẵn có của tỉnh.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao cách đặt vấn đề cũng như mục tiêu, nhiệm vụ và các nhóm giải pháp mà đề án đã đặt ra. Đồng thời, một số ý kiến cho rằng, đề án cần tập trung làm rõ một số vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực, tiềm năng thế mạnh của tỉnh, trình độ phát triển công nghiệp của tỉnh, việc thu hút doanh nghiệp trong các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, kết quả công tác lập quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch…

Bên cạnh đó, các đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo đề án cần quan tâm tới các giải pháp về giáo dục, đặc biệt là giáo dục trình độ cao; nâng cao chất lượng, hoàn thiện thể chế; phát triển việc làm bền vững cho người lao động; xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp mới, nhất là cách tiếp cận để doanh nghiệp giải phóng khu vực công nghiệp nông thôn; lựa chọn hướng phát triển căn cứ vào xu thế thời đại; bổ sung vai trò của các hội quần chúng vào phần tổ chức thực hiện nhằm phát huy vai trò khối đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận khi triển khai thực hiện…

Kết luận hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan ghi nhận, gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã dành thời gian, có những đóng góp tâm huyết cho tỉnh.

Các ý kiến tham luận đều chung quan điểm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế phải nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Vĩnh Phúc có cơ hội thụ hưởng những thành quả của sự phát triển của tỉnh.

Cơ chế chính sách của tỉnh về nâng cao thu nhập và phúc lợi phải phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của tỉnh trong từng thời kỳ, từng năm, đảm bảo sự công bằng cho người dân trong tiếp cận các dịch vụ công ích cơ bản, các dịch vụ an sinh xã hội đồng thời có cơ chế, chính sách tập trung ưu tiên cho các đối tượng, khu vực nông thôn, miền núi, nơi có thu nhập thấp, ít được tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội, nhằm tạo sự công bằng, hài hòa giữa các khu vực, giữa các tầng lớp nhân dân. Tạo môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư thuận lợi hấp dẫn trên tất cả các ngành, lĩnh vực.

Đổi mới tư duy, phương thức sản xuất, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện giải quyết việc làm gắn với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp.

Theo Báo Vĩnh Phúc