Tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

(Mặt trận) - Ngày 20/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Phát biểu tại tổ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ quan điểm đồng tình với sự cần thiết ban hành luật khi trong giai đoạn hiện nay, tình hình an ninh, chính trị, dịch bệnh trên thế giới, khu vực, trong nước đang diễn biến hết sức khó lường, đòi hỏi nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh, trật tự ngày càng nặng nề hơn.

Infographic: 10 hoạt động và sự kiện nổi bật của công tác Mặt trận trong năm 2024

10 hoạt động và sự kiện nổi bật của công tác Mặt trận trong năm 2024

Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, triển khai công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn trong năm 2025

 Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu

Theo đó, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, khối lượng nhiệm vụ và yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cấp cơ sở hiện nay ngày càng tăng lên, nhất là ở địa bàn rộng, là nơi tập trung các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà hàng, khách sạn hoặc là xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có địa hình hiểm trở, chia cắt, đi lại khó khăn… không thể bố trí đủ lực lượng Công an xã chính quy trên toàn bộ địa bàn, do đó, việc tiếp tục phải huy động, sử dụng các lực lượng quần chúng cùng phối hợp tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự để giúp lực lượng Công an chính quy chủ động, kịp thời phát hiện, giải quyết ngay tại chỗ các vụ, việc, mâu thuẫn xã hội, không để bị động, bất ngờ là rất cần thiết.

Đóng góp cho nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà quan tâm tới 3 vấn đề:

Thứ nhất, liên quan đến vấn đề phối hợp, theo trong tổng thể luật thấy thể hiện rất rõ tinh thần đây là lực lượng nòng cốt, phối hợp với Quân đội, MTTQ, các đoàn thể, các tổ chức quần chúng, nhân dân. Hiện nay do đặc điểm bảo vệ an ninh cơ sở tại cơ sở thì sự tham gia của nhân dân, các tổ chức mang tính chất quần chúng, mang tính chất nhân dân là vô cùng quan trọng. Do đó dù đã được luật đề cập nhưng vấn đề này cần nhấn mạnh hơn đến yêu cầu phối hợp trong luật, thể hiện rõ hơn.

“Ví dụ nguyên tắc hoạt động như: tuân thủ Hiến pháp; hoạt động dưới sự quản lý của chính quyền địa phương; giám sát của UBMTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn và nhân dân; kiểm tra trực tiếp của công an là đúng nhưng chưa đủ. Trong vấn đề phối hợp nên đưa ngay vào Điều 2 về nguyên tắc hoạt động, theo đó một số điều kiện cụ thể có thể tính toán thêm để rõ hơn. Trong Điều 5 về quan hệ phối hợp quy định rõ với ai? phối hợp về việc gì? là rất tốt nhưng cần cụ thể hoá”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nêu vấn đề đồng thời nhấn mạnh tới Chỉ thị 09 của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới có nói tăng cường quan hệ phối hợp giữa Công an nhân dân với Quân đội nhân dân, MTTQ và các ban ngành đoàn thể để huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh toàn quốc. Cho nên Điều 5 cần cụ thể hơn về phạm vi, yêu cầu phối hợp.

Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký phân tích thêm rằng: Trên thực tế mọi việc đều diễn ra ở cơ sở, không thể lường trước được hôm nay là vấn đề tệ nạn xã hội, mai lại là hoà giải. Tất cả mọi việc đều từ cơ sở vậy mình lực lượng này là nòng cốt nhưng cần nhấn mạnh thêm vai trò phối hợp. Hoặc Khoản 2 Điều 7 thực hiện tình hình nắm nguồn tin của nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng là đúng nhưng chưa đủ. Vì nguồn tin nhân dân có thể là nguồn tin trực tiếp, có thể là nguồn tin phản ánh kiến nghị của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội. Do đó trong phối hợp cần đưa vào nguyên tắc một số các điều cụ thể sau này để làm rõ hơn.

Thứ hai, đề cập đến Điều 4 về Tiêu chuẩn tuyển chọn, hồ sơ tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký cho rằng, ngoài các điều kiện đã quy định tại dự thảo thì đề nghị cân nhắc bổ sung quy định ưu tiên lựa chọn người tự nguyện đăng ký lực lượng tham gia bảo vệ trật tự ở cơ sở là người dân tộc thiểu số chiếm đa số, am hiểu địa bàn, là người thành thạo tiếng dân tộc thiểu số chiếm đa số cộng đồng dân cư; nơi có đông đồng bào công giáo thì cần có ưu tiên người am hiểu về phong tục, tập quán, lối sống, địa hình, tình hình dân cư ở cơ sở tốt tại địa phương xét tuyển chọn.

“Nơi đồng bào khó khăn cần cán bộ là người dân tộc, biết tiếng dân tộc, am hiểu địa bàn thì chắc chắn hiệu quả sẽ tốt hơn rất nhiều”, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký kiến nghị.

Thứ ba, về kinh phí đảm bảo băn khoăn về phân cấp ngân sách, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, phân cấp ngân sách là đúng nhưng ở tại Điều 16, địa phương khó khăn được ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện theo khả năng cân đối của ngân sách trung ương, hay Điều 20 người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh tại cơ sở được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng do HĐND cấp tỉnh quyết định.

“Nhưng trong điều kiện của chúng ta  thu ngân sách của các địa phương khác nhau. Có địa phương chỉ 1 phường nhưng thu ngân sách bằng cả 1 địa phương trong 1 tháng. Cho nên sự hỗ trợ sẽ có sự khác nhau. Vậy với địa phương khó khăn về ngân sách không biết hỗ trợ bao nhiêu? như thế nào? do các địa phương có thể khác nhau. Do đó phân cấp cho HĐND nhưng nên có khung, có trần. Ví dụ không quá bao nhiêu % bởi đây là mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng do HĐND quyết định. Tôi e ngại nơi địa bàn khó khăn, ngân sách khó khăn, địa bàn khó khăn như miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa thì lực lượng này khó đảm bảo mức tối thiểu để cho họ hoạt động. Do đó không nên có sự quá chênh lệch về cùng tính chất, chức năng nhiệm vụ ở các địa bàn khác nhau”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Cùng phát biểu thảo luận tại Tổ, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cũng góp ý trực tiếp vào một số quy định cụ thể của dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, cụ thể:

Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật quy định về về hành vi bị cấm “Thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không đúng thẩm quyền”, tuy nhiên tại dự thảo Luật chưa quy định thẩm quyền bố trí, thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ cở. Để bảo đảm thống nhất trong các quy định của dự thảo Luật, đề nghị rà soát, bổ sung vào khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật quy định về thẩm quyền thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Bên cạnh đó, đề nghị rà soát các quy định tại khoản 3 Điều 13 dự thảo Luật về thẩm quyền triệu tập và chủ trì tổ chức họp thôn, tổ dân phố để đại diện hộ gia đình tham gia bầu Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự để bảo đảm thống nhất với quy định về thẩm quyền của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trong việc triệu tập Cuộc họp của cộng đồng dân cư tại Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.

Thứ hai, cần bổ sung vào Chương II dự thảo Luật quy định nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong việc định kỳ báo cáo nhân dân về kết quả thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng trong phạm vi địa bàn được phân công phụ trách.

Thứ ba, đề nghị rà soát, bổ sung vào khoản 3 Điều 14 dự thảo Luật trường hợp cho thôi tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở “theo phản ánh, kiến nghị của Ban công tác Mặt trận về ý kiến của nhân dân đối với tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự không đủ điều kiện, không đáp ứng yêu cầu công tác, nhiệm vụ, chức trách trước nhân dân”./.