Tâm huyết, thẳng thắn, chân thành góp ý vào các dự thảo Văn kiện

(Mặt trận) - Ngày 30/10, UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Quang cảnh Hội nghị 

Dự Hội nghị có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Ngô Sách Thực, Phùng Khánh Tài; đại diện các Tiểu ban Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cùng các đại biểu là nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ trì Hội nghị 

Thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; Thông báo Kết luận số 159 ngày 15/1/2020 của Bộ Chính trị; Hướng dẫn số 60 ngày 17/1/2020 của Văn phòng Trung ương Đảng; Kế hoạch số 21 ngày 20/7/2020 của Ban Dân vận Trung ương; Hướng dẫn số 151 ngày 10/9/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị thứ 3 Lấy ý kiến nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong những năm qua, MTTQ Việt Nam thường xuyên nhận được những ý kiến đóng góp quan trọng của các vị nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, chức sắc các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng thời các cụ, các vị, các đồng chí luôn sẵn sàng đồng hành cùng MTTQ Việt Nam trong công tác tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, cùng nhau hướng đến mục tiêu xây dựng: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, theo kế hoạch, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức 4 hội nghị xin ý kiến vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Chính vì vậy, việc tham gia ý kiến của các cụ, các vị, các đồng chí sẽ góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo Văn kiện trình Đại hội, đảm bảo các yêu cầu cơ bản như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh: Văn kiện Đại hội phải có tầm nhìn chiến lược, diễn đạt phải chặt chẽ, chắc chắn, rõ ràng. Văn kiện phải có tính quần chúng, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, các dự thảo Văn kiện lần này có nhiều điểm mới, đó là đòi hỏi khách quan, đồng thời kế thừa từ các nhiệm kỳ trước và chọn lọc tiếp thu những kinh nghiệm thành công của các nước. Về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, dự thảo Văn kiện tiếp tục nhấn mạnh về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; về xây dựng xã hội chủ nghĩa bổ sung những nhân tố mới là khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí để phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc.

“Dự thảo Văn kiện khẳng định: dân chủ trong Đảng là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Như vậy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo, là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Phát huy tinh thần làm việc của 2 Hội nghị góp ý trước, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn đại biểu tham dự nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, thẳng thắn, chân thành, góp ý chung vào các dự thảo Văn kiện hoặc một số vấn đề cụ thể, tâm đắc đã nghiên cứu sâu hay qua tổng kết thực tiễn.

“Mong các cụ, các vị, các đồng chí góp ý sâu sắc hơn vào những đánh giá kết quả, nhận định tình hình và yêu cầu tập hợp, xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; về nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, cũng như đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cho ý kiến góp ý vào: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Đổi mới chính trị phải đi kịp với đổi mới về kinh tế

GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội phát biểu tại Hội nghị 

Là người đầu tiên góp ý, GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội nhận định, Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, nhiều vấn đề đặt ra ở tầm quốc tế chưa có tiền lệ như đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng, biến đổi khí hậu... tác động đến nước ta.

Trong khi đó, sự nghiệp đổi mới được tiến hành từ năm 1986, đến nay đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là những thành tựu trong phát triển kinh tế, nhưng thực tiễn cũng đặt ra những vấn đề mới, đòi hỏi mới cần điều chỉnh về tư duy, giải pháp, mục tiêu.

“Các Dự thảo tôi đọc, nội dung nhìn chung ít điều mới. Quy hoạch những năm tới mới về quan điểm, mới về mục tiêu, mới về giải pháp, nhưng nếu đối chiếu với các dự thảo này, tôi thấy tư duy, quan điểm thì không có gì mới. Dự thảo chỉ cụ thể hóa các quan điểm đã có, còn quan điểm, tư duy không có gì mới”, ông Võ Đại Lược nói.

Lấy ví dụ từ việc tranh chấp, kiện cáo trong lĩnh vực đất đai hay những sai phạm trong doanh nghiệp nhà nước gây hậu quả lớn, GS. Võ Đại Lược đề xuất, Ban Soạn thảo cần phải thay đổi quan điểm, cần nghiên cứu, xem xét tư duy về nền kinh tế thị trường lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Trên thực tế, bây giờ Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ, rất nhiều nội dung trong hiệp định FTA đã được ký kết, chính vì vậy cần thay đổi để không làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của chúng ta.

"Đảng ta đã thành công trong đổi mới kinh tế nhưng đổi mới chính trị chưa đi kịp với kinh tế, chính trị chưa kiểm soát được quyền lực, chưa có giải pháp để triển khai được điều này, cơ chế xin cho chưa thay đổi, chỉ giải quyết được hệ quả nhưng chưa giải quyết được nguồn gốc. Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhưng phải đổi mới để phù hợp với tình hình hiện nay", ông Võ Đại Lược chia sẻ.

Cần có một cuộc cách mạng mới trong lâm nghiệp

TS Cầm Văn Đoản, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân tộc UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

TS Cầm Văn Đoản, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân tộc UBTƯ MTTQ Việt Nam góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội liên quan đến vấn đề dân tộc, miền núi.

Theo ông Cầm Văn Đoản, từ khi hòa bình lập lại trong các kỳ Đại hội Đảng, trong các chiến lược, quy hoạch, phát triển kinh tế xã hội đều đưa nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ số 1 ở các tỉnh miền núi, Tây Nguyên. Mặc dù Đảng, Nhà nước ban hành nhiều cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng nhưng đến nay kết quả chưa mong muốn nguyên nhân sâu xa là người bảo vệ rừng, trồng rừng chưa thể sống được, làm giàu từ rừng.

Ông Cầm Văn Đoản kiến nghị phải cần có một cuộc cách mạng mới trong lâm nghiệp và tiếp tục có chương trình phát triển rừng bền vững trong kế hoạch 5 và 10 năm tới. Bên cạnh đó cần ổn định dân cư các công trình thủy điện, thủy lợi bởi dân dân tái định cư các công trình này chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn.

“Trong chiến lược phát triển và kế hoạch 5 năm cần cơ bản ổn định và cải thiện, nâng ca mức sống, cải thiện các điều kiện ăn ở, học hành, đi lại chăm sóc  sức khỏe của đồng bào tái định cư. Cùng với đó có những giải pháp cơ bản ổn định di cư tự do, tạo sinh kế, việc làm, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số” ông Cầm Văn Đoản nói.

Tổ quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng

 Ông Trần Hải Linh, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) phát biểu tại Hội nghị

Góp ý vào lĩnh vực đột phá đã được đề cập trong văn kiện, ông Trần Hải Linh, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) cho rằng, hiện nay, học sinh tốt nghiệp các trường Trung học phổ thông ở nước ta không thua kém với trình độ học sinh trung học các nước khác. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phân tách ra 2 mô hình: đó là đại học nghiên cứu và đại học, cao đẳng chuyên đào tạo nghề mà xã hội đang cần. Bên cạnh đó cần giao quyền phong giáo sư và phó giáo sư cho các trường đại học theo mô hình giống như các nước phát triển đã và đang làm.

Ông Trần Hải Linh đề nghị, cần giao trách nhiệm và trao niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Tạo các cơ hội để cho họ cống hiến và chứng minh khả năng trên quê hương mình; cần thành lập một số nhóm nghiên cứu cho một số lĩnh vực trọng tâm ưu tiên cho Công nghệ mang tính ứng dụng cao, nhanh ra sản phẩm cụ thể, cấp cho họ khoản kính phí hoạt động ban đầu nhất định. Đổi lại họ phải đáp ứng được yêu cầu công việc là phải hợp tác được với nhau thành những nhóm nghiên cứu mạnh, nhận những nhiệm vụ cụ thể, ra sản phẩm cụ thể và chịu những trách nhiệm cam kết ra kết quả cụ thể.

“Là những người đang sinh sống, làm việc, nghiên cứu và học tập tại Hàn Quốc, cũng là những người luôn theo dõi bước chuyển mình của quê hương, chúng tôi có một niềm tin mạnh mẽ là Việt Nam sẽ tạo ra những “kỳ tích” như Hàn Quốc. Chỉ cần tổ quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng”, ông Trần Hải Linh bày tỏ.

Mở đường để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh

Thượng tọa Thích Đức Thiện phát biểu tại Hội nghị 

Góp ý cho tầm nhìn và định hướng phát triển của Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, con người; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước đã được đặt ra trong Báo cáo chính trị Đại hội XII. Tuy nhiên, theo tổng kết và nhận định của nhiều nhà nghiên cứu thì chúng ta chưa thực sự có những quyết sách chiến lược, những cơ chế cụ thể mở đường để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh phát triển đất nước. Chính vì vậy, để phát huy niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, khát vọng về một Việt Nam hùng cường thì nhân tố quyết định là ở xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bên cạnh đó, xác định tôn giáo, tín ngưỡng là một thành tố của văn hóa; tín ngưỡng, tôn giáo góp phần làm nên những giá trị cốt lõi văn hóa truyền thống dân tộc, do đó, Dự thảo Báo cáo cần nhấn mạnh tôn giáo không chỉ là thành tố văn hóa, mà thực sự còn là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước.

Đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Thiện cho rằng, khủng hoảng, thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu như thiên tai lũ lụt, dịch bệnh hiểm nghèo... đang đe dọa đời sống của nhân dân. Bão lũ miền Trung trong mấy ngày qua chính là hậu quả của vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Bởi vậy, Dự thảo Báo cáo chính trị cần đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì hệ lụy của nó vô cùng nguy hiểm có thể làm tiêu tan những thành quả mà con người đã dày công bỏ ra để xây dựng một thế giới giàu đẹp.

Khoa học xã hội chưa được quan tâm thích đáng

Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội phát biểu tại Hội nghị

Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, hiện nay, khoa học xã hội (KHXH) chưa được quan tâm thích đáng, xứng tầm và đúng vai trò của lực lượng góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng và lý thuyết định hướng cho sự phát triển của đất nước. Nhiều vấn đề xã hội nổi cộm xảy ra trong thời gian vừa qua phần nào phản ánh việc KHXH chưa làm tròn trách nhiệm, vai trò của mình. Tình trạng cải cách giáo dục nhiều lần trong mấy chục năm qua nhưng vẫn tiếp tục khiến người dân lo lắng, bức xúc, hay việc hàng tỷ đô la chảy ra nước ngoài theo con đường du học cũng là một minh chứng cho sự lúng túng trong việc xác định một triết lý giáo dục con người đúng đắn. Đó là nhiệm vụ chưa hoàn thành của KHXH.

“Nếu KHXH tiếp tục ít được quan tâm, ít được lắng nghe thì việc tham mưu cho Đảng và Chính phủ xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại, dân chủ như đã đề ra nhiều năm nay, sẽ là nhiệm vụ bất khả thi”, bà Khuất Thu Hồng bày tỏ.

Cùng đề cập đến nội dung giáo dục, đào tạo trong Dự thảo văn kiện, PGS.TS Lê Thị Lan, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam đề nghị thêm từ “có nhiều nỗ lực” trong đánh giá công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập: “Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập có nhiều nỗ lực đi vào thực chất và hiệu quả hơn”. Thực tế hiện nay, những vấn nạn này trong lĩnh vực giáo dục diễn ra hết sức nghiêm trọng trong các năm 2018, 2019 và nhờ sự quyết liệt chỉ đạo của Đảng, Nhà nước thì công tác này mới được cải thiện trong năm 2020.

Trong phần hạn chế, khuyết điểm của công tác đổi mới giáo dục, bà Lan cũng đề nghị làm rõ hạn chế bởi đất nước đang nỗ lực đổi mới giáo dục và khoa học công nghệ nhưng công tác đổi mới đó chưa thực sự hiệu quả để giáo dục và khoa học công nghệ trở thành then chốt thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Tăng cường xây dựng Đảng

 Ông Đinh Ngọc Giang, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 

Ông Đinh Ngọc Giang, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, phần phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng trong dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng lần này (phần XIV- trang 53-61) đã có những đổi mới về kết cấu, hình thức trình bày và một số nội dung mới trong từng mặt công tác xây dựng Đảng. Tiểu ban văn kiện đã tiếp thu khá nhiều ý kiến của các giới chức, ngành, địa phương và chuyên gia, đồng thời kế thừa những nội dung đã nêu từ Đại hội XII còn nguyên giá trị để thể hiện trong dự thảo lần này, ví dụ như bảy phương hướng, giải pháp nêu trong mục: “Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị”. Ở các mục khác đều có sự kế thừa và phát triển cho phù hợp nhiệm kỳ mới.

Về kết cấu, nếu ở Đại hội XII, trình bày phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác xây dựng Đảng thành 10 mục lớn, thì Dự thảo Văn kiện lần này rút gọn lại, còn 5 mục lớn: “(1). Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; (2) Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; (3) Tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; (4) Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; (5) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới”. Rút gọn lại như này có ưu điểm là dễ nhớ.

Những điểm cần sửa đổi để hoàn chỉnh báo cáo, ông Đinh Ngọc Giang đề nghị, tách thành 8 mục lớn (rút 2 mục so với Đại - hội XII) với tên gọi từng mục có thể là: “(1) Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị; (2) Tăng cường công tác tư tưởng của Đảng;(3)Chú trọng  xây dựng Đảng về đạo đức:(4)Đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức; kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, đảng viên và bảo vệ chính trị nội bộ; (5) Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng: (6) Tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; (8) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong điều kiện mới".

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị

Thay mặt Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trân trọng cảm ơn các ý kiến chân thành, sâu sắc, dựa trên tinh thần xây dựng, đóng góp tâm huyết cho Đảng của các đại biểu, trực tiếp là vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII.

Bà Trương Thị Mai khẳng định, với trách nhiệm của mình, Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến để chuyển cho Tiểu ban Văn kiện tiếp tục hoàn thiện dự thảo các báo cáo trình Đại hội XIII.