Quản trị quốc gia và việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quản trị quốc gia ở nước ta

(Mặt trận) - Trong điều kiện phát triển đồng bộ ba trụ cột của quốc gia là kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xã hội dân chủ, công bằng, văn minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với nền tảng công nghệ số, đòi hỏi phải có những đổi mới mang tính đột phá trong tư duy và năng lực thực hành dân chủ. Với tính chất là một liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một chủ thể quan trọng, không thể thiếu trong quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam về nội dung dự thảo Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2040"

Quan niệm về quản trị quốc gia

“Quản trị quốc gia” lần đầu tiên được chính thức ghi nhận trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đây là một khái niệm mới và không đồng nhất với khái niệm quản lý nhà nước mà chúng ta thường dùng lâu nay. Vì thế, Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Tìm hiểu khái niệm “quản trị - governance” trong sách báo nước ngoài và ở nước ta trong thời gian gần đây, chúng tôi cho rằng “quản trị quốc gia” có nội hàm bao gồm các yếu tố sau đây:

Một là, “quản trị quốc gia” có nội hàm rộng hơn “quản lý nhà nước”. Quản trị quốc gia không chỉ bao gồm các phương thức, cách thức của quản lý nhà nước mà còn bao gồm các phương thức và cách thức quản lý xã hội của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của công dân; phương thức, cách thức quản lý trong nội bộ các tổ chức kinh tế - doanh nghiệp, hiệp hội mà không sử dụng duy nhất phương thức quản lý nhà nước bằng mệnh lệnh quyền uy hành chính trực tiếp độc quyền thực hiện các dịch vụ hành chính công như trước đây. Nếu như trong quản lý nhà nước quyền lực được sử dụng là quyền lực cứng, dựa trên sức mạnh cưỡng chế nhà nước thông qua các công cụ như quân đội, cảnh sát… thì quản trị quốc gia, quyền lực mềm lại chiếm ưu thế. Đó là loại hình quyền lực được thể hiện bằng uy tín, năng lực, hiệu quả, tính dân chủ liêm chính, công minh của bộ máy công quyền.

Hai là, quản trị quốc gia là phương thức vận hành xã hội không chỉ bằng luật lệ, cơ chế, quy trình do nhà nước đặt ra mà còn phải phối hợp và dựa vào các quy tắc, quy trình, tập quán, điều lệ, hương ước của làng xã, của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, kinh tế của Nhân dân, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể để tận dụng và tối ưu hóa các nguồn lực quốc gia.

Ba là, quản trị quốc gia không chỉ do nhà nước là chủ thể duy nhất quản lý xã hội tiến hành mà còn có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau - Ở nước ta ngày nay như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp… đều tham gia cùng với nhà nước quản trị quốc gia.

Bốn là, quản trị quốc gia được thực hiện bằng nhiều công cụ như thể chế (chính thức và phi chính thức) bằng công cụ thông tin với chức năng truyền - nhận thông tin và các công cụ kinh tế - tài chính khác.

Năm là, quản trị quốc gia không chỉ là việc thực thi quyền lực nhà nước, mà còn là việc thực thi quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế ở các cấp độ quốc gia, địa phương, khu vực và quốc tế để giải quyết vấn đề ở mọi cấp độ. Vì thế, quản trị quốc gia và quản trị giữa các cấp địa phương cần được phân định bằng việc phân cấp, phân quyền, giao quyền, ủy quyền một cách phù hợp để các địa phương thực hiện hoạt động quản trị ở cấp độ địa phương mình.

Từ các yếu tố cấu thành “quản trị quốc gia” nói trên có thể nói rằng quản trị quốc gia là khái niệm thể hiện mục tiêu chuyển đổi từ quản lý nhà nước chỉ thuần túy do nhà nước tiến hành sang quản trị quốc gia với sự tham gia của tất cả các chủ thể trong đời sống xã hội, đời sống kinh tế vào công việc chung của quốc gia.

Vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong quản trị quốc gia

Như đã viết ở trên, quản trị quốc gia không chỉ do nhà nước là chủ thể duy nhất quản lý xã hội mà còn có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau như các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Các chủ thể này có thể xem là đại diện cho ba bộ phận cấu thành tương ứng của xã hội ngày nay là: Nhà nước, xã hội và thị trường. Trong đó, nhà nước, nhất là nhà nước pháp quyền là chủ thể giữ vai trò quan trọng trong quá trình vận hành nền quản trị quốc gia. Bởi nhà nước là chủ thể duy nhất được toàn thể Nhân dân ủy quyền, Nhân dân chính thức giao quyền sử dụng sức mạnh của quyền lực nhà nước của Nhân dân cả về lập pháp, hành pháp và tư pháp và cả sức mạnh về nguồn lực kinh tế. Tuy nhiên, trong quản trị quốc gia với nhiều chủ thể và với đa nguồn lực thì tổ chức và hoạt động của nhà nước phải được đổi mới theo định hướng xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra. Theo đó, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là mô hình tổ chức và hoạt động của quyền lực nhà nước phù hợp với chủ trương “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại và hiệu quả”.

Trước hết, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải đảm đương vai trò huy động, tập hợp và phối hợp được sức mạnh trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, của các doanh nghiệp, hiệp hội… vào việc xây dựng và hoàn thiện được một hệ thống thể chế chính thức (hệ thống pháp luật) và phi chính thức thật sự dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Hệ thống thể chế chính thức và phi chính thức này chính là phương tiện để nhà nước và các chủ thể khác nhau của đời sống xã hội hợp tác và phối hợp cùng nhau thực hiện quản trị quốc gia tốt.

Hai là, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng thể chế với việc tổ chức và thi hành thể chế. Đặc biệt, nhà nước, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải là tấm gương thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng các thể chế phi chính thức của các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và của các doanh nghiệp, nghiệp đoàn… Quản trị quốc gia trước hết phải trên cơ sở đề cao trách nhiệm chính trị, pháp lý, đạo đức của các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức.

Ba là, nhà nước có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện quan điểm của Đảng về phát huy nhân tố con người, từng bước hình thành các giá trị chuẩn mực góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam. Đề cao trách nhiệm của các thiết chế nhà nước trong tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; lấy tiêu chí tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Xây dựng cơ chế xử lý vi phạm quyền con người, quyền công dân; cơ chế khắc phục bồi thường nhanh chóng và công bằng các thiệt hại do các hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân gây ra. Theo đó, nhà nước tương tác và phối hợp giữa chủ thể là Nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo nên sức mạnh và gắn kết chặt chẽ trong việc xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách pháp luật về bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quản trị quốc gia ở nước ta

Ngày nay, việc phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp trong quản trị quốc gia đang trở thành xu hướng thời đại. Ở nước ta phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội tham gia vào hoạt động quản trị quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, Nhà nước phải chủ động phối hợp và tạo điều kiện cho các tổ chức phi nhà nước này tham gia vào công cuộc phát triển đất nước, phát huy ý chí và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước, mặt khác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải phát huy mạnh mẽ vai trò của mình vào quản trị quốc gia nói chung, quản lý nhà nước nói riêng.

Trước hết, nhà nước phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp xây dựng và hoàn thiện các thể chế và thiết chế, các điều kiện đảm bảo để phát huy có hiệu quả vai trò của các tổ chức này trong quản trị quốc gia. Xây dựng cơ chế, đặc biệt là cơ chế pháp lý để phát huy quyền làm chủ, vai trò chủ thể, vai trò trung tâm của Nhân dân trong việc tham gia với nhà nước quản trị quốc gia tốt. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hiệp hội và doanh nghiệp không ngừng đổi mới nội dung và phương thức tham gia xây dựng nhà nước, tham gia quản trị quốc gia. Theo đó, để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quản trị quốc gia, cần phải đổi mới mạnh mẽ trên một số mặt hoạt động cơ bản sau đây:

Một là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận phải thực sự là người “đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân” như Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Trong quản trị quốc gia thì việc đại diện hợp pháp cho người lao động trong các quan hệ với nhà nước, với doanh nghiệp và công dân; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ là chức năng quan trọng, bắt nguồn từ tính chất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là “tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài” (khoản 1 Điều 9 Hiến pháp năm 2013). Cụ thể hóa chức năng này Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã thể chế hóa thành một chương (Chương III) từ đại diện phản ảnh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân (Điều 15); phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri và Nhân dân (Điều 15); phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp (Điều 16); tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện chính sách pháp luật (Điều 17) đến việc tiếp công dân, tham gia công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc xá, bào chữa viên nhân dân (Điều 18). Làm tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, Mặt trận Tổ quốc các cấp thực sự là các chủ thể không thể thiếu trong quản trị quốc gia.

Hai là, đổi mới cách thức và phương pháp tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Bằng nhiều phương pháp và cách thức khác nhau, Mặt trận Tổ quốc các cấp phải tập hợp được rộng rãi các thành phần dân cư, các cá nhân có uy tín, tri thức, kinh nghiệm của các giới, các thành phần, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào mục đích phát triển đất nước, vào việc quản trị quốc gia. Tổ covid cộng đồng với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” trong thời gian phòng chống dịch bệnh vừa qua là một ví dụ sinh động về việc phát huy vai trò của Nhân dân tham gia vào quản trị quốc gia.

Ba là, đổi mới cách thức và phương hướng tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hành dân chủ tăng cường đồng thuận, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hiểu đúng và thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc tham gia vào quản trị quốc gia. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần nghiên cứu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, từng nhóm xã hội. Qua đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không những tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước mà còn là một hình thức tập hợp động viên các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia quản trị quốc gia, làm giàu cho đất nước.

Bốn là, tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của nhà nước. Đây là một phương thức tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, quản trị quốc gia đặc biệt quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc. Bởi thông qua phương thức này mà góp phần làm cho hệ thống chính sách pháp luật, đặc biệt là chính sách pháp luật về kinh tế, lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của người dân, người lao động ngày càng hoàn thiện; phản ảnh đầy đủ ý chí và nguyện vọng của đại đa số Nhân dân, góp phần cùng Nhà nước xây dựng được một hệ thống thể chế chính thức ngày càng hoàn thiện. Cùng với hệ thống thể chế này, Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là cấp cơ sở, thường xuyên chăm lo xây dựng và hoàn thiện các hương ước làng xã với tư cách là thể chế phi chính thức để cùng với thế chế chính thức của Nhà nước đủ sức trở thành phương tiện đầy hiệu lực, hiệu quả trong quản trị quốc gia. Góp ý và phản biện xã hội đối với các văn bản là một hình thức quan trọng để Mặt trận Tổ quốc các cấp tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước cần tiếp tục nâng cao chất lượng và hoàn thiện quy trình thực hiện.

Năm là, tăng cường hoạt động giám sát xã hội, coi đây là phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước trong việc góp phần thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là giám sát các hoạt động quản lý nhà nước liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân. Đổi mới mạnh mẽ cách thức và phương pháp lựa chọn nội dung giám sát một cách thiết thực, trọng tâm, trọng điểm hướng vào những lĩnh vực mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Đồng thời, đổi mới công tác tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát từ việc phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan dân cử, đến việc mời chuyên gia, các nhà khoa học để tiến hành các cuộc giám sát có hiệu quả và chất lượng cao.

Trần Ngọc Đường

Giáo sư, Tiến sĩ, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam