Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh: Cần có giải pháp để giữ chân những người tham gia bảo hiểm xã hội

(Mặt trận) - Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, để giữ chân những người tham gia bảo hiểm xã hội và hạn chế rút bảo hiểm một lần cần thiết kế thêm những chế độ vào bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự phiên thảo luận (Ảnh: Quang Vinh). 

Ngày 27/5, Quốc hội thảo luận cả ngày ở hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Dự phiên thảo luận có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Phát biểu tại đây, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn TP Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam) bày tỏ quan điểm nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, thời gian vừa qua, lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan Quốc hội đã hết sức trách nhiệm trong việc tổ chức các cuộc hội thảo, các buổi làm việc để làm rõ những ý kiến còn khác nhau sau kỳ họp thứ 6 đối với dự thảo Luật. Đồng thời đã đôn đốc Chính phủ rà soát và chỉnh lý các nội dung của dự thảo Luật để dự thảo luật trình ra kỳ họp lần thứ 7.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá, đây là bản dự thảo “rất tiến bộ”. Trong đó đánh giá rất cao về Chương III, là chương bảo hiểm hưu trí, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta và đảm bảo triển khai Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Vinh.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Điều 3. Đối với khoản 1 Điều 3 thì đề nghị Quốc hội cần cân nhắc đưa 2 đối tượng sau sang nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đối tượng thứ nhất là đối tượng quy định tại khoản k điểm 1. Đó là những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cấp thôn, tổ dân phố. Lý do là bởi, đối với cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn, tổ dân phố là những người hoạt động không ổn định. Đặc biệt đối với cán bộ không chuyên trách ở cấp thôn, tổ dân phố thì nhiệm kỳ của họ chỉ có 2 năm rưỡi, và sau nhiệm kỳ đó lại phải tìm kiếm những người cán bộ khác để tham gia. Vì vậy, đề nghị đưa đối tượng này sang đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Về đối tượng thứ hai là đối tượng chủ hộ kinh doanh của các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khoản m, theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Luật khi triển khai phải có tính khả thi, tính thực thi và tính hiệu lực. Nếu quy định đối tượng này là đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc sẽ rất khó thực hiện. Thực tế không thực hiện được thì Luật sẽ không có hiệu lực và sẽ phải giải quyết những vấn đề pháp lý sau này, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh doanh của các hộ gia đình mà chúng ta đang khuyến khích. Đặc biệt là đối với khu vực nông thôn đang khuyến khích các làng nghề phát triển các nghề dịch vụ và các nghề tiểu thủ công nghiệp.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quang Vinh. 

Về bảo hiểm xã hội một lần tại khoản 1 Điều 74, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tán thành phương án 2 trong dự thảo Luật. Vì phương án vừa đảm bảo quyền lựa chọn cho người tham gia bảo hiểm xã hội, vừa giữ được an sinh tối thiểu cho người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, đối với phương án này lại chưa giải quyết được vấn đề khó khăn trước mắt của người lao động, bởi vì đa phần những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện họ có khó khăn về cuộc sống, do đó họ cần một khoản tiền để giải quyết những khó khăn.

“Để giữ chân những người tham gia bảo hiểm xã hội và hạn chế rút bảo hiểm một lần cần thiết kế thêm những chế độ vào bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ làm cho người tham gia bảo hiểm tự nguyện yên tâm hơn khi họ có khó khăn trong cuộc sống”, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ.