Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu làm việc với Tỉnh ủy Nam Định

(Mặt trận) - Chiều ngày 18/2, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” trình Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu, Phó ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định nhằm khảo sát việc thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị ở Đảng bộ tỉnh.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại buổi làm việc. 

Xây dựng đội ngũ cán bộ trách nhiệm, năng động, sáng tạo vì sự phát triển chung của tỉnh

Thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh đã trình bày báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 33-KH/TU ngày 10-9-2007 đồng thời xây dựng ban hành Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 5-12-2007 của BCH Đảng bộ tỉnh, trong đó bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể về đổi mới phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với hoạt động của HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các cơ quan tư pháp; công tác cán bộ của tỉnh và đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy Đảng. Kết quả, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; từng bước thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ"; bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ. Công tác tổ chức bộ máy và cán bộ có nhiều đổi mới, trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ; giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.

Hoạt động của HĐND các cấp nền nếp, đúng luật; có nhiều đổi mới trong nội dung và phương thức hoạt động. UBND các cấp từng bước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, điều hành bám sát cơ sở; cụ thể hóa các nghị quyết của cấp ủy, HĐND trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Công tác vận động quần chúng được triển khai đạt nhiều kết quả, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được phát huy. Niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền được củng cố; mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ngày càng gắn bó hơn…

Đối với hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, cấp ủy các cấp trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, một mặt thông qua việc ban hành các Thông tri chỉ đạo, một mặt thông qua quy chế họp giao ban định kỳ. Ủy ban MTTQ các cấp đều có sự tham gia của đại diện cấp ủy cùng cấp, qua đó đảm bảo cơ chế Đảng vừa tổ chức lãnh đạo Mặt trận vừa là tổ chức thành viên của Mặt trận. Đối với các cơ quan tư pháp (Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân) đảm bảo tinh thần không thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, có định hướng nhưng tôn trọng sự độc lập của các cơ quan này.

Về công tác cán bộ Nam Định có sự đổi mới nhưng bám sát quy định của Trung ương, không làm trái các quy định khung. Xuất phát từ đặc thù địa phương, trong các khóa 18, 19, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh có các Nghị quyết cụ thể về vấn đề này, trong đó có các quy định, tiêu chí cao hơn của Trung ương về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Liên quan đến việc phát hiện, sử dụng nhân tài, Nam Định áp dụng phương châm lựa chọn, tuyển dụng những cá nhân được đào tạo bài bản, chính quy; giao việc, thử thách qua thực tiễn từ đó có sự đánh giá, sàng lọc, bổ nhiệm…    

Vừa qua, tỉnh đã tích cực thực hiện hiệu quả các nghị quyết 18, 19 về tinh giảm biên chế, sắp sếp, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, đã giảm được được 12,61% biên chế; thu gọn nhiều đầu mối. Hiện ở Nam Định mỗi xã mỗi cấp học chỉ có một trường học, mới đây cùng lúc Nam Định sáp nhập 7 trường nghề thành một, 3 đoàn nghệ thuật truyền thống thành một; tỉnh cũng vừa thực hiện xong việc sáp nhập các thôn xóm, tổ dân phố, qua đó giảm được hơn 40% số các thôn xóm, tổ dân phố. 

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng luôn giữ vai trò rất quan trọng. Qua 3 nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), tỉnh Nam Định đã làm rất tốt; từ đó góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thời gian tới, Tỉnh ủy tiếp tục nắm chắc, đầy đủ phương thức lãnh đạo của Đảng; đẩy mạnh tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng đến các cơ quan, đơn vị, địa phương; xác định lãnh đạo phải có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò của cá nhân; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trách nhiệm, năng động, sáng tạo, đoàn kết vì sự phát triển chung của tỉnh.

Tại buổi làm việc, Ban thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đề xuất, kiến nghị 3 nhóm vấn đề. Trong đó:

Đề nghị Trung ương tiếp tục nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về thẩm quyền, trách nhiệm giữa Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ gắn với xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp giữa tổ chức đảng với cơ quan của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; Tăng cường phân cấp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của các địa phương trên các lĩnh vực được phân cấp. Quy định đầy đủ việc thống nhất quản lý, tăng cường phân cấp về quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế trong hệ thống chính trị. Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và quản lý ngành.

Đề nghị Bộ Nội vụ và các bộ chuyên ngành sớm ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo quy định tại Nghị định 107/2020/NĐ-CP, Nghị định 108/2020/NĐ-CP; Ban hành hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn đối với các cơ quan của Đảng và chính quyền sau khi sáp nhập; hướng dẫn về vị trí việc làm và định mức biên chế công chức trong các cơ quan hành chính, vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại buổi làm việc, đoàn khải sát và các cán bộ ở địa phương đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, trao đổi nhiều vấn đề, khía cạnh liên quan đến công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Trong đó, có vấn đề phương thức lãnh đạo của của Trung ương đối với hoạt động của các Tỉnh ủy, Thành ủy hiện nay có vấn đề gì cần đổi mới không? Có phương thức nào không phù hợp với địa phương không? Ở địa phương có hay không việc Đảng làm thay chính quyền? Xử lý vấn đề “Đảng ko quan tâm thì thành buông lỏng, quan tâm quá thì thành làm thay chính quyền” ra sao? Mô hình cán bộ kiêm nhiệm áp dụng thời gian qua hiệu quả ra sao, bất cập thế nào? Các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập hoạt động, vận hành ra sao, có những bất cập gì phát sinh? Sau tinh giản biên chế chất lượng cán bộ, hiệu quả hoạt động của bộ máy có được nâng lên?...

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy trao tặng Đoàn công tác bức tranh Tháp Phổ Minh, biểu tượng của tỉnh Nam Định. 

Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên

Phát biểu kết luận buổi khảo sát, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu, Phó ban Chỉ đạo Châu đánh giá, Đảng bộ tỉnh Nam Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW5, khoá X, thông qua đó, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ để lãnh đạo, chỉ đạo Hệ thống chính trị trong tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng, từng bước thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, tình hình kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Từ đó xây dựng Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế, tạo diện mạo mới, tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cũng đánh giá cao sự lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của HĐND và UBND cùng cấp cơ bản toàn diện; ban hành đầy đủ, kịp thời các Quy chế làm việc, nhất là mối quan hệ công tác giữa cấp ủy, ban thường vụ với HĐND, UBND; các vấn đề lớn, quyết sách quan trọng của địa phương về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng… đều được Ban Thường vụ đưa ra bàn bạc, thảo luận và quyết định đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ; Công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của cơ quan tư pháp ở địa phương đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quy chế làm việc quan trọng tạo điều kiện cho hoạt động của các cơ quan tư pháp ở địa phương; những vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp về kinh tế đều được Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời cho ý kiến; thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương; công tác phòng, chống tham nhũng thực hiện khá hiệu quả.

Cùng với đó, công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội được quan tâm, thường xuyên lãnh đạo, định hướng hoạt động. Đặc biệt, Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 10 ngày 22/9/2008 về Nâng cao chất lượng công tác dân vận, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với hoạt động của MTTQ và các đoàn thể ở xã, phường, thị trấn. Đây là một trong số ít các địa phương ban hành Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo công tác dân vận, đoàn thể.

“Tỉnh ủy Nam Định đã tập trung xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; phát huy vai trò trách nhiệm, tính chủ động sáng tạo của cán bộ, đảng viên. Thực hiện đồng bộ từ tuyển chọn, bố trí, sử dụng, đánh giá nhận xét, quy hoạch, đào tạo đảm bảo đúng quy định; tăng cường phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức Đảng, địa phương trong công tác cán bộ.”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Đồng tình với nhiệm vụ, giải pháp mà báo cáo đã nêu, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị Tỉnh ủy Nam Định cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 Khoá X và các nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, nghị quyết về công tác cán bộ; Các quy định về nêu gương; quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản, nghị quyết, quy định, thể chế của Tỉnh ủy để phù hợp với các văn bản mới được ban hành của Trung ương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Cũng theo Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Lê Tiến Châu, Tỉnh ủy Nam Định cần quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển và quản lý kinh tế tư nhân; đồng thời đẩy mạnh đổi mới tác phong, lề lối làm việc, trong đó quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính và ứng dụng CNTT.

“Cần phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt việc giải quyết đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương. Thực hiện nền nếp việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp định kỳ đối thoại, tiếp xúc với đảng viên, nhân dân”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu gợi mở.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng đề nghị cần triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức các cơ quan đảng, nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ, công chức trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định của pháp luật nhằm tạo sự nhất trí cao trong cán bộ, công chức, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo quản lý không tiếp tục giữ chức vụ trong tổ chức mới và với công chức, viên chức do tinh giản hoặc dôi dư trong bộ máy.

Cùng với đó cần tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên đối với cấp ủy cấp dưới, của tổ chức đảng đối với cán bộ, đảng viên; chú trọng xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, hằng năm, tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân.

Trước đó, trong sáng cùng ngày Đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Nam Định cùng nội dung trên.