(Mặt trận) - Tiếp tục chương trình kiểm tra công tác Mặt trận năm 2022, chiều ngày 2/12, Đoàn kiểm tra của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng nhằm nắm bắt công tác Mặt trận năm 2022 và phương hướng triển khai nhiệm vụ trong năm 2023.
|
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại cuộc làm việc |
Tham dự cuộc làm việc có ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội cùng thành viên đoàn công tác.
Những con số ấn tượng trong triển khai 5 chương trình hành động
Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2022 của thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Thị Minh Phương cho biết, năm 2022, MTTQ và các tổ chức thành viên đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị đề ra, từ đó tuyên truyền, động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Trung ương, thành phố phát động, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; chăm lo cho đời sống của người dân; giữ vững quốc phòng - an ninh của thành phố.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Thị Minh Phương trình bày báo cáo tại cuộc làm việc |
Theo đó, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 581 Nhà với tổng kinh phí 26.016 triệu đồng cho hộ nghèo, cận nghèo, đoàn viên, hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; Ban vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp hỗ trợ xây, sửa 381 Nhà Đại Đoàn kết với tổng kinh phí 15.733 triệu đồng; hỗ trợ giống, vốn phát triển kinh tế 136 hộ với tổng kinh phí 1.159 triệu đồng, các hoạt động hỗ trợ khác với tổng kinh phí 6.480 triệu đồng; công tác an sinh xã hội trên địa bàn thành phố được MTTQ tích cực quan tâm triển khai, góp phần vào công tác xóa nghèo của thành phố, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Trong công tác tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, MTTQ và các tổ chức thành viên đã chủ động, tích cực phối hợp thực hiện 5 nội dung Cuộc vận động gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào thi đua “Xây dựng Hải Phòng Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn - Văn minh”; Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thành phố ký kết Chương trình phối hợp về thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2021-2025. Hệ thống Mặt trận đã vận động 6.675 hộ hiến 269.023 m2 đất; các tầng lớp Nhân dân tham gia 15.120 ngày công; vận động gần 6.000 hộ thực hiện giải tỏa vật, kiến trúc phục vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố và các địa phương tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 14 xã thực hiện từ năm 2021 và 35 xã năm 2022, nâng tổng số xã xây dựng NTM kiểu mẫu là 57 xã. Hiện nay, thành phố đã có 5/7 huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
|
Ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng phát biểu tại cuộc làm việc |
Đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, năm 2022 MTTQ thành phố đã triển khai 7 nội dung giám sát tại 24 đơn vị. Trong đó, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại 4 đơn vị; Giám sát người đứng đầu theo thông báo số 671, ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy đối với 5 đồng chí là Bí thư Huyện ủy An Lão, Tiên Lãng, Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền, Lê Chân và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại 2 đơn vị; giám sát đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công…
Tại cấp huyện, xã, MTTQ chủ trì giám sát 568 cuộc; phối hợp tham gia giám sát với HĐND cùng cấp 731 cuộc; tổ chức 14 hội nghị phản biện, tham gia ý kiến vào 618 văn bản dự thảo của cấp ủy, chính quyến cùng cấp. Ban Thanh tra Nhân dân tiến hành 686 cuộc giám sát, xác minh xử lý 178 vụ, việc có 89 vụ, việc được cơ quan có thẩm quyền xử lý giải quyết; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 385 công trình, kiến nghị xử lý 62 vụ việc, có 46 vụ việc được các chủ đầu tư xử lý giải quyết, trong đó có những công trình đã được sửa đổi, bổ sung thiết kế để phù hợp với thực tế và hiệu quả sử dụng.
|
Quang cảnh cuộc làm việc |
Ủy ban MTTQ thành phố cũng đã phối hợp với các sở, ngành, Hội Liên lạc Việt kiều tuyên truyền, vận động người Hải Phòng ở nước ngoài giúp nhau ổn định cuộc sống, tuân thủ pháp luật, tôn trọng phong tục tập quán, giá trị văn hóa, đạo đức của nước sở tại. Vận động kiều bào nói chung, trí thức kiều bào nói riêng tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, các hoạt động an sinh xã hội, tham gia đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Giúp đỡ, hỗ trợ bà con quê hương Hải Phòng về nước, ổn định cuộc sống do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ucraina... Tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, đối ngoại Nhân dân với Lào và Cam-pu-chia.
Thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, trách nhiệm và có hiệu quả trong công tác giám sát, phản biện xã hội
|
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu trao đổi với đại biểu tại cuộc làm việc |
Đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng trong triển khai 5 chương trình hành động trong năm 2022, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố đã quan tâm, đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền; phát động, triển khai nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động sát, phù hợp với thực tiễn; xây dựng, triển khai hiệu quả nhiều mô hình hay, sáng tạo; tích cực vận động, huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và người chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…
“Những kết quả quan trọng, thiết thực của Ủy ban MTTQ thành phố Hải Phòng góp phần hoàn thiện bức tranh toàn cảnh của công tác Mặt trận từ Trung ương đến địa phương trong năm 2022”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định.
|
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu kết luận cuộc làm việc |
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong năm 2022, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cần quan tâm hơn nữa cho công tác giám sát, phản biện xã hội. Đây là trọng tâm của công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay và cũng là mong muốn của Đảng, Nhà nước đối với MTTQ Việt Nam các cấp.
Từ đó, MTTQ các cấp cần thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, trách nhiệm và có hiệu quả cao công tác giám sát, phản biện xã hội thông qua việc tập trung triển khai thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các Chuyên đề giám sát do UBTƯ MTTQ Việt Nam ban hành. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến công tác giám sát cán bộ, đảng viên và đẩy mạnh hoạt động phản biện xã hội đối với các văn bản, nghị quyết là thể chế, chính sách của địa phương.
“MTTQ các cấp phải thể hiện vai trò nòng cốt trong triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và công khai, minh bạch kết quả giám sát trên phương tiện thông tin, truyền thông”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu lưu ý.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị Ủy ban MTTQ thành phố cần tiếp tục đổi mới trong triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động do Mặt trận Trung ương phát động với những mô hình, điển hình mới sáng tạo. Đối với vấn đề huy động, vận động và quản lý các nguồn lực xã hội, cần chuẩn hóa quy trình, thủ tục, xây dựng định mức phân bổ để bảo đảm quản lý chặt chẽ, đúng quy định các nguồn lực xã hội do MTTQ chủ trì vận động và quản lý; đồng thời tập trung chăm lo cho người nghèo nhân dịp Tết Quý Mão 2023.
“MTTQ thành phố cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong triển khai nhiệm vụ. Đặc biệt cần đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng thực chất, hiệu quả; đồng thời quan tâm kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ Mặt trận, nhất là cấp cơ sở.”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
|
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu kết luận cuộc làm việc |
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng đề nghị Thành ủy Thành phố tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến Mặt trận, để công tác Mặt trận thực sự được khẳng định đúng vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị thông qua việc chỉ đạo, quán triệt, triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong đó, các cấp uỷ, tổ chức đảng tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội. Hằng năm, Ban Thường vụ cấp uỷ cho ý kiến về chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cùng cấp, đồng thời chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền khẩn trương, nghiêm túc giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội… Người đứng đầu cấp uỷ trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội...
Thể chế hoá kịp thời, đầy đủ quyền và trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Quy định kinh phí bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội…
Hương Diệp