Phó Chủ tịch Hoàng Công Thuỷ dự Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Lo trọn việc đạo, chung tay việc đời”

(Mặt trận) - Sáng ngày 21/8, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thuỷ và Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã chủ trì Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Lo trọn việc đạo, chung tay việc đời”. Toạ đàm là hoạt động thiết thực hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Người công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ 8, nhiệm kỳ 2023-2028 dự kiến tổ chức vào tháng 10 năm 2023 tới đây.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy và Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh chủ trì Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh 

Nỗ lực hoàn thành sứ mệnh: Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ

Ủy ban Đoàn kết Công giáo (ĐKCG) Việt Nam được thành lập vào tháng 11/1983 để kế tục sự nghiệp các tổ chức tiền thân phong trào yêu nước của người Công giáo yêu Tổ quốc, yêu hòa bình từ tháng 3/1955. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam được thành lập với mục đích đoàn kết rộng rãi đồng bào Công giáo Việt Nam trong và ngoài nước, cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình thực hiện theo tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và Huấn từ của Giáo hoàng Benedicto XVI “Người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chỉnh quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội, đến nay trong cả nước đã thành lập 42 Ủy ban ĐKCG cấp tỉnh và 286 Ban ĐKCG ở các quận, huyện, thị xã với gần 500 linh mục nam nữ tu sĩ tham gia Ủy ban ĐKCG Việt Nam các cấp.

Từ khi thành lập đến nay, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã trải qua 7 kỳ đại hội. Đại hội đại biểu toàn quốc Người công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 dự kiến tổ chức vào tháng 10/2023 tới đây là một trong những sự kiện quan trọng trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo Việt Nam cũng như những người đã và đang tham gia Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp. Đại hội với chủ đề “Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ”.

 Quang cảnh Toạ đàm

Tại Toạ đàm, chia sẻ của đại biểu tham dự đã khẳng định rõ hơn vai trò của Ủy ban ĐKCG Việt Nam trong sứ mệnh: Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ để đoàn kết người Công giáo Việt Nam cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhắc tới những kết quả nổi bật của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong thời gian qua, Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh cho biết, trong những năm qua Ủy ban ĐKCG Việt Nam đã tích cực động viên đồng bào công giáo cả nước thực hành các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước và đúng với đường hướng của Hội đồng giám mục Việt Nam là sống phúc âm giữa lòng dân tộc để mang lại hạnh phúc cho đồng bào.

Dấu ấn quan trọng có thể kể đến đó là đồng bào Công giáo đã tham gia tốt việc phát triển kinh tế để góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đồng bào Công giáo tham gia tốt xã hội hóa y tế, chăm lo sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là trong thời gian phòng chống đại dịch Covid-19, người Công giáo đã tham gia rất tích cực phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”.

Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Quang Vinh. 

Điểm nổi bật tiếp theo mà Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh nhắc tới đó là việc đồng bào Công giáo tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng khu dân cư sáng xanh sạch đẹp, văn minh an toàn; tham gia hoạt động xã hội hóa giáo dục, bảo trợ xã hội và khuyến khích việc dạy nghề; tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

“Người Công giáo đã phát huy tốt dân chủ, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh và thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; phát huy tốt đoàn kết để thực hành bác ái yêu thương và nếp sống tốt lành của người Công giáo”, Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh nói.

GS.TS Đỗ Quang Hưng phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Quang Vinh 

Thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028, Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh cho biết, Đại hội lần này có dự tham dự của khoảng 600 đại biểu trong đó 400 đại biểu chính thức và 200 đại biểu khách mời. Đại hội sẽ đề cử 150 vị Uỷ viên Uỷ ban ĐKCG Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028, trong đó có 30 vị tham gia Đoàn Chủ tịch và 9 vị tham gia Ban Thường trực nhiệm kỳ mới là những người Công giáo tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc các cấp cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, chất lượng các nội dung công việc đề ra theo kế hoạch. Chúng tôi tin với sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ tổ quốc lần thứ 8, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ thành công và cố gắng để thực hiện đúng chủ đề của tọa đàm “Lo trọn việc đạo, chung tay việc đời”.”, Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh chia sẻ.

Đồng bào Công giáo có nhiều đóng góp lớn lao vào sự phát triển chung của đất nước

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu tại Toạ đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy nhấn mạnh, Ủy ban ĐKCG Việt Nam là tổ chức xã hội đại diện cho phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trải qua 68 năm hình thành và phát triển, với đường hướng hoạt động “Kính Chúa yêu nước”, “Sống Phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, Ủy ban ĐKCG Việt Nam đã đoàn kết rộng rãi đồng bào Công giáo Việt Nam thi đua yêu nước, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Theo Phó Chủ tịch Hoàng Công Thuỷ, trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban ĐKCG Việt Nam nhiều tỉnh, thành phố đã làm tốt vai trò tập hợp, động viên các vị linh mục, nam nữ tu sĩ và đồng bào Công giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần tích cực đoàn kết đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”; "Xứ, họ đạo tiên tiến", "Gia đình Công giáo văn hoá, sống tốt đời đẹp đạo", “Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”…

Sự phát triển phong phú và đa dạng các phong trào thi đua yêu nước trong các xứ, họ đạo là sự thể hiện sâu sắc tấm lòng "Kính chúa yêu nước", sống "Tốt đời đẹp đạo" của đồng bào Công giáo Việt Nam. Đồng thời cũng khẳng định khẳng định vai trò chỉ đạo, dẫn dắt của Ủy ban ĐKCG Việt Nam đối với các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo. Qua đó ngày càng nâng cao vai trò, uy tín của Ủy ban ĐKCG Việt Nam đối với đồng bào Công giáo, với Giáo hội và xã hội.

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy cho biết, trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tới Tòa thánh Vatican và hội kiến với Giáo hoàng Francis ngày 22/3/2014, Giáo hoàng Francis đã nói: Người Công giáo Việt Nam phải là công dân tốt. Người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước, đồng hành cùng dân tộc xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc.

Và gần đây nhất, ngày 27/7/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thăm Tòa Thánh Vatican và gặp gỡ Đức Giáo hoàng Francis, Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo, trong đó có Công giáo. Chủ tịch nước hoan nghênh những đóng góp tích cực của cộng đồng Công giáo Việt Nam trong các hoạt động thiện nguyện, giáo dục, y tế, dạy nghề; đồng thời mong muốn Công giáo Việt Nam tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Quang Vinh 

Theo Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy, trong cuộc gặp lịch sử này, Giáo hoàng Francis cũng đã khẳng định: Tòa thánh mong muốn quan hệ Tòa thánh - Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp; nhấn mạnh Giáo hội Công giáo Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa đường hướng “đồng hành cùng dân tộc”, “giáo dân tốt là công dân tốt”; đồng thời khuyến khích giáo dân và chức sắc Công giáo tại Việt Nam đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước và Giáo hội.

Để thực hiện lời huấn từ của các Đức Giáo hoàng và đường hướng mục vụ hằng năm của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Trung ương Ủy ban ĐKCG Việt Nam từ khi ra đời đến nay đã luôn tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo gắn với đường hướng mục vụ của từng năm. Qua công tác triển khai và tổng kết cho thấy, đồng bào Công giáo đã thực hiện có hiệu quả đường hướng mục vụ của Giáo hội trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hoá - xã hội, nhất là tham gia tích cực và có hiệu quả cao trong công tác từ thiện, bác ái xã hội, nâng cao dân trí, cùng với đất nước từng bước vượt qua những khó khăn thử thách và ở bất kỳ giai đoạn nào cũng có những đóng góp lớn lao vào sự phát triển chung của đất nước.

“Với trách nhiệm của mình, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ luôn quan tâm phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện để Uỷ ban ĐKCG Việt Nam các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình với đồng bào Công giáo, với xã hội và Giáo hội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thuỷ khẳng định.

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thuỷ tặng quà lưu niệm cho đại biểu tham dự Toạ đàm