Phát huy vai trò của phật giáo Nam Tông Khmer trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Sáng 14/2, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ “Phật giáo Nam Tông Khmer ở Tây Nam Bộ hiện nay - một số vấn đề nổi bật và kiến nghị các giải pháp tăng cường đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng kết công tác nhiệm kỳ 2019 - 2024

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội nghị

Trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, người Khmer là cộng đồng dân tộc có số dân tương đối lớn. Với dân số khoảng hơn 1,3 triệu người, người Khmer sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Tây Nam Bộ. Nói đến dân tộc Khmer là nói đến Phật giáo Nam tông. Triết lý Phật giáo qua hàng ngàn năm đã thấm sâu vào cộng đồng dân tộc Khmer. Trong cộng đồng này, mối quan hệ giữa dân tộc (người Khmer) - tôn giáo (Phật giáo Nam tông) gắn bó với nhau một cách rất tự nhiên, bền chặt. Nói cách khác, Phật giáo Nam tông đã trở thành tôn giáo của người Khmer và tạo nên một nền văn hóa độc đáo và đặc sắc.

Hiện nay, các chính sách dân tộc - tôn giáo của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Khmer luôn giữ một vị trí quan trọng, không những đảm bảo sự ổn định lâu dài, tạo điều kiện phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer mà còn là nhân tố đảm bảo sự phát triển đồng bộ của khu vực Tây Nam bộ và cả nước.

TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Trưởng ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam, chủ nhiệm đề tài cho biết, nhận thức được vai trò của Phật giáo Nam tông trong chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer miền Tây Nam bộ, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá thực trạng những vấn đề nổi bật của Phật giáo Nam tông Khmer dưới góc độ đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc; nêu bật vị trí, vai trò của phật giáo Nam Tông, sức ảnh hưởng của những ngôi chùa và vai trò của sư sãi Phật giáo Nam Tông Khmer đối với đời sống người Khmer.

Từ những vấn đề đã nêu, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện việc thực hiện chính sách đối với tổ chức, chức sắc, nhà tu hành, cơ sở thờ tự nhằm tăng cường tinh thần đại đoàn kết phật giáo Nam Tông Khmer trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các giải pháp tập trung vào việc tiếp tục triển khai, quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, tạo điều kiện để đồng bào tôn giáo gắn bó với cộng đồng, tham gia ngày càng tốt hơn các hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.

Bên cạnh đó đề cập tới việc phối hợp với các ban, bộ ngành Trung ương có quy định cụ thể về nguyên tắc, tổ chức, quy chế hoạt động trong hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer; Quan tâm hơn nữa đến việc dịch, in kinh sách bằng tiếng Khmer, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer thông qua tiếng nói, chữ viết, kiến trúc, hiện vật truyền thống...;

Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Sư sãi, Ban Quản trị, đồng bào Phật giáo Nam tông Khmer về vai trò của tôn giáo tham gia tập hợp đoàn kết tôn giáo - dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; đồng thời tăng cường vận động các chức sắc, chức việc, đồng bào phật tử thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Luật tín ngưỡng, tôn giáo để đưa sinh hoạt tôn giáo đi vào nền nếp, phù hợp với phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”.

Tại Hội nghị, phản biện và ủy viên Hội đồng đánh giáo cao nhóm nghiên cứu đã mang lại một cách nhìn toàn diện về Phật giáo Nam tông Khmer và nêu ra các đặc điểm chung, thực trạng của Phật giáo Nam tông Khmer ở vùng Tây Nam Bộ hiện nay. Đặc biệt đã đi sâu vào một số vấn đề nổi bật liên quan đến những vướng mắc trong đào tạo, tu tập, sinh hoạt cùng những đánh giá về chính sách pháp luật, công tác quản lý nhà nước đối với Phật giáo Nam tông Khmer.

Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho rằng kết quả nghiên cứu của đề tài đã đánh giá được thực trạng, đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm góp phần vào hoạt động thực tiễn và tham mưu chính sách đối hệ thống chính trị nói chung và hệ thống MTTQ các cấp nói riêng trong triển khai tuyên truyền, vận động Phật giáo Nam tông Khmer ở Tây Nam bộ.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề tài đề nghị nhóm triển khai cần tiếp thu ý kiến góp ý của phản biện và ủy viên Hội đồng để hoàn thiện việc cập nhật số liệu, đưa ra những nhóm giải pháp, kiến nghị phù hợp nhằm phát huy vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer vùng Tây Nam bộ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Qua bỏ phiếu, Hội đồng nghiệm thu đã đồng ý nghiệm thu đề tài. Đề tài đạt loại khá.