Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam với việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới

(Mặt trận) - Chiều 23/9, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu Đề tài Khoa học cấp bộ đặc biệt với chủ đề: “Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam với việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới”.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến: Đổi mới tư duy, phương thức, cách tiếp cận và nội dung các hoạt động đối ngoại nhân dân

Infographic: 10 hoạt động và sự kiện nổi bật của công tác Mặt trận trong năm 2024

10 hoạt động và sự kiện nổi bật của công tác Mặt trận trong năm 2024

TS.Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Đề tài phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tóm tắt nội dung Đề tài, TS.Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, với vai trò nòng cốt trong việc xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực chú trọng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, triển khai thực hiện thắng lợi Chương trình phối hợp thống nhất hành động hằng năm của UBTƯ MTTQ Việt Nam. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước.

Việc triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của nhân dân và sự chung sức của cả cộng đồng tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội; tham gia phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó, công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước được quan tâm; vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường; Hoạt động đối ngoại của Mặt trận và các tổ chức thành viên ngày càng mở rộng và đa dạng, đóng góp hiệu quả cho công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; Việc hoàn thiện cơ chế, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận.

“Kết quả đạt được thời gian qua có ý nghĩa to lớn và quan trọng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, Đại hội XIII của Đảng năm 2021 tiếp tục khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân…

Quang cảnh Hội nghị

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Mặt trận trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Nội dung và phương thức vận động, tập hợp xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc có lúc chưa theo kịp tình hình, hiệu quả chưa sâu rộng và toàn diện, chưa đáp ứng kịp thời trước những yêu cầu mới của xã hội.

 “Xuất phát từ thực tiễn triển khai, chủ đề nghiên cứu: “Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới” là rất cần thiết, nhằm tạo động lực quan trọng cho công cuộc đổi mới đất nước”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Đề tài được chia làm 3 chương, chương 1 tập trung vào nội dung: “Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam với việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam trong tình hình mới - những vấn đề lý luận và thực tiễn”; chương 2 đề cập đến thực trạng vai trò của MTTQ Việt Nam với việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; chương 3 tập trung vào việc nhận xét, kinh nghiệm và giải pháp, kiến nghị nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam với việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đến năm 2030.

Từ 3 nội dung này, đề tài đã đưa ra 7 phương hướng nhằm phát huy vai trò của Mặt trận đối với việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, tập trung vào việc tăng cường sự chủ động và nâng cao chất lượng, hiệu quả của Mặt trận trong việc tham gia xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nói riêng; phát huy vai trò trung tâm của Mặt trận trong việc phát huy tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, lấy mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm động lực và điểm tương đồng để tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng với đó, Mặt trận cần đóng vai trò là nòng cốt trong việc phát huy dân chủ, tập hợp, phản ánh các ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước nhắm phát triển kinh tế, văn hóa, bảo đảm an ninh, quốc phòng; chăm lo và phát huy vai trò của người tiêu biểu trong xã hội, trong các dân tộc, tôn giáo, nhân sĩ, trí thức và người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy vai trò của các tổ chức thành viên trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp trong xã hội; củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tại Hội nghị, thành viên Hội đồng đã đánh giá cao những nội dung mà đề tài đề cập, từ đó, khẳng định việc nghiên cứu đề tài là cần thiết, nêu rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, đưa ra nhiều nội dung thông tin có độ tin cậy cao; đồng thời có những giải pháp, kiến nghị nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, đề tài được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu đặt ra. Kết quả nghiên cứu rõ nét thông qua 5 nhóm vấn đề đã làm rõ cơ sở lý luận và tình hình thực tiễn, trong đó, đề tài đã có sự tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc trong việc chỉ ra thực trạng và giải pháp khắc phục để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam với việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đánh giá cao nhóm nghiên cứu trong việc sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu, giúp đề tài có tính hệ thống, khái quát cao. Đồng thời, Ban Chủ nhiệm đề tài đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện đề tài.

Từ các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị nhóm triển khai đề tài cần tiếp tục bổ sung các ý kiến phản biện, làm rõ thêm giải pháp đột phá, nhất là vai trò nòng cốt trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò cầu nối để ý Đảng hợp lòng dân, tăng niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước; vai trò là cơ sở chính trị, thực hiện tốt vai trò hiệp thương, chủ trì giám sát, phản biện xã hội, góp ý, thực hiện dân chủ, tăng đồng thuận xã hội.

Với tính cấp thiết của đề tài, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc.