Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ ba Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2009-2014

(Mặt trận) - Ngày 27/02/2011, tại Hội nghị lần thứ ba Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII, (nhiệm kỳ 2009-2014), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng về nội dung "Mặt trận là nền tảng chính trị của nhà nước, là cầu nối giữa đảng với nhân dân, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc". Ban Biên tập trân trọng đăng nội dung lược ghi ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Hơn 775 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra

Công khai để người dân yên tâm khi sự đóng góp của mình đã đến đúng địa chỉ và sẽ về được với người dân bị thiệt hại

Ban Cứu trợ Trung ương sẽ tiếp tục công khai minh bạch danh sách ủng hộ để người dân theo dõi, giám sát

 

Hôm nay, tôi rất vinh dự, phấn khởi được đến dự Hội nghị lần thứ ba Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều rất có ý nghĩa là Hội nghị chúng ta diễn ra vào những ngày đầu xuân, nhân dân vừa đón Tết vui vẻ, phấn khởi chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đảng và đang triển khai thực hiện các quyết sách rất quan trọng của Đại hội lần thứ XI. Trước hết, tôi xin được thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi tới các cụ, các quý vị, các bác, các anh, các chị, các đồng chí lời thăm hỏi chân tình, lời chào trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất.

Hội nghị lần này là Hội nghị thường niên, họp toàn thể và bàn thống nhất về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đồng thời tiến hành một số công việc thường xuyên khác. Vì vậy, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Trước hết, phải khẳng định, lịch sử ra đời, hoạt động, phát triển và trưởng thành của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hơn 80 năm qua là lịch sử vẻ vang, gắn liền với lịch sử oai hùng của dân tộc và của Đảng ta, đã làm nên biết bao kỳ tích rất vinh quang trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Kể cả lúc chưa giành chính quyền cũng như sau khi đã giành được chính quyền, Mặt trận luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng, mà quan trọng trước hết là tập hợp, đoàn kết, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cách mạng, những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt trận là nơi tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài; càng ngày càng có sức hút rất mạnh mẽ và là nhân tố cực kỳ quan trọng. Bác Hồ đã nhiều lần khẳng định và rút ra bài học: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”[1]. Tổng kết thực hiện 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, Đại hội XI đã rút ra năm bài học lớn, trong đó một lần nữa nhấn mạnh bài học tiếp tục xây dựng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, lâu dài và ở tầm cao mới. Từ chỗ chỉ nói đoàn kết, rồi nói đại đoàn kết toàn dân, rồi phát triển lên thành đại đoàn kết toàn dân tộc, nghe tưởng là chuyện bình thường, nhưng là cả vấn đề phát triển về nhận thức. Chúng ta đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế, sẵn sàng là bạn của tất cả các nước vì mục tiêu giữ vững môi trường hòa hình, ổn định cho sự phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Tư tưởng này lớn lắm.

Qua theo dõi hoạt động và được nghe báo cáo của các vị trong Đoàn Chủ tịch hôm nay, chúng ta hết sức vui mừng, phấn khởi trước những thành tích, kết quả và kinh nghiệm mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đạt được. Đây là tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động của Mặt trận ngày càng có hiệu quả, chất lượng cao và thiết thực hơn nữa. Tôi xin nhiệt liệt chúc mừng những thành tích mà các cụ, các vị, các đồng chí ở tất cả các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương với tâm huyết của mình đã tham gia đóng góp hết sức to lớn vào sự nghiệp chung của cách mạng, của Đảng, của nhân dân ta, đặc biệt là trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tôi hoan nghênh Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã rất chủ động và sớm xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và xây dựng Chương trình phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Mặt trận đang rất tích cực, khẩn trương và chủ động trong việc tham gia chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Về kết quả Đại hội XI, hôm trước Đoàn Chủ tịch đã nghe thông báo nhanh; hôm nay với thành phần đông đủ hơn và chủ đề của Hội nghị là triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tôi xin nói khái quát một số nét về thành công của Đại hội XI như sau:

Tại sao sau Đại hội XI lại có nhận định là Đại hội thành công tốt đẹp? Có ý kiến nói là thành công rất tốt đẹp; có ý kiến đánh giá là thành công rực rỡ. Mặc dù trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội, các cụ, các bác, các đồng chí theo dõi đã thấy, cũng có lúc hồi hộp, có lúc căng thẳng, thậm chí có lúc lo lắng, thế mà cuối cùng lại nói thành công tốt đẹp, thành công rực rỡ. Vậy thành công ở chỗ nào? Vì sao lại nhận định đây là sự kiện trọng đại, đây là Đại hội mang ý nghĩa lịch sử? Trọng đại và mang ý nghĩa lịch sử ở chỗ nào, hay cứ nói lấy được?

Xin thưa, nói là sự kiện trọng đại, mang ý nghĩa lịch sử bởi vì Đại hội diễn ra vào thời điểm đất nước ta đã qua 25 năm đổi mới; đã qua 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đã kết thúc thập niên đầu của thế kỷ XXI, bước vào thời kỳ mới. Trên cơ sở tổng kết đổi mới, tổng kết thực hiện Cương lĩnh, tổng kết thực hiện Chiến lược, lần này Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch 5 năm sắp tới; sửa đổi Điều lệ Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới và các đồng chí lãnh đạo mới của Đảng để đáp ứng các nhiệm vụ chính trị của giai đoạn sắp tới. Trong quá trình chuẩn bị Cương lĩnh, Chiến lược, chúng ta biết có nhiều ý kiến khác nhau, toàn vấn đề lớn và rất khó. Tại Đại hội, trong quá trình thảo luận các dự thảo văn kiện, cũng như trong quá trình chuẩn bị nhân sự, đã toát lên không khí dân chủ; như hôm Đại hội bế mạc, họp báo tôi đã trả lời các nhà báo trong nước và quốc tế: Tinh thần dân chủ rất cao. Có phải đây là nét mới của Đại hội lần này so với các kỳ đại hội trước? Thẳng thắn, dân chủ; dân chủ thật chứ không phải là trình diễn. Tôi lấy ví dụ về Cương lĩnh, đã chuẩn bị từ tháng 02/2008, qua ba Hội nghị Trung ương, qua thảo luận tại đại hội đảng bộ các cấp, thế mà đến lúc trình ra Đại hội vẫn còn thảo luận; thảo luận tại tổ, thảo luận công khai tại hội trường, các bác, các đồng chí theo dõi đã thấy. Có những vấn đề cũng gay cấn lắm, thảo luận, tranh luận và cuối cùng biểu quyết theo đa số. Nhiều đồng chí bảo là trước đây chưa có. Thảo luận về sửa đổi Điều lệ Đảng cũng vậy. Dự thảo sửa đổi đã được thảo luận, biểu quyết một số điều ở đại hội các cấp. Ra Đại hội XI vẫn có đại biểu nêu ý kiến về một số điểm; cuối cùng Đại hội biểu quyết theo đa số. Những vấn đề về thành phần kinh tế, chế độ sở hữu, phát huy dân chủ, quan hệ quốc tế, v.v. đều được thảo luận rất sôi nổi. Rõ ràng, việc chuẩn bị các văn kiện mang tính dân chủ cao.

Về công tác nhân sự: Nhiều người nói chưa bao giờ bầu Trung ương có số dư nhiều như Đại hội lần này; đã thảo luận bao nhiêu vòng rồi mới trình Đại hội; ra Đại hội lại tiếp tục giới thiệu thêm nữa. Sau khi cho xin rút rồi mà số dư để bầu Trung ương vẫn còn rất đông. Bầu Trung ương chính thức yêu cầu số dư là 10 – 15%, nhưng đã dư đến 24,5%. Bầu Ủy viên Trung ương dự khuyết số dư đến 164%. Bầu Bộ Chính trị số dư 70%. Khi thảo luận, giới thiệu thì như thế, mà khi bầu thì chỉ một lần là đủ 200 đồng chí, trong đó 175 chính thức, 25 dự khuyết. Phiếu rất tập trung; người trúng cử thấp nhất cũng đạt tỷ lệ 67%; có những đồng chí đạt 63%, 65% mà không được vào Trung ương (vì đã bầu đủ số lượng rồi). Việc đó có phải dân chủ không?

Về công tác tổ chức Đại hội: Lần này có những đồng chí rất hóm hỉnh đã thống kê là Đại hội XI có bao nhiêu cái mới, bao nhiêu cái “lần đầu tiên”. Lần đầu tiên chúng ta họp Đại hội Đảng ở một hội trường lớn như thế, khang trang như thế; lần đầu tiên có số lượng đại biểu dự Đại hội đông như thế; lần đầu tiên có số lượng Ủy viên Trung ương đông như thế, có số dư khi bầu nhiều như thế... Chúng ta đã tổ chức Đại hội trong thời điểm kinh tế - xã hội bên cạnh những thuận lợi, nhưng không ít khó khăn, thách thức; các thế lực thù địch bên ngoài không phải không có ý đồ muốn chia rẽ hoặc chống phá sự kiện này của chúng ta. Nhưng thưa các cụ, các vị, các đồng chí, Đại hội diễn ra tuyệt đối an toàn. Cũng chưa bao giờ điện mừng của các bạn quốc tế nhiều như lần này, có tới 178 điện chúc mừng (tính đến lúc này). Có nước Tổng Bí thư chúc mừng, Tổng thống cũng chúc mừng; đảng cầm quyền chúc mừng, đảng đối lập cũng chúc mừng. Thế chứng tỏ dù người ta nội bộ thế nào thì đối với Việt Nam thái độ chính trị đều là thống nhất, đều gửi điện mừng cả. Đại hội xong, ngay ngày hôm sau một số nước như Lào, Trung Quốc còn cử đặc phái viên của Tổng Bí thư trực tiếp mang thư sang đây chúc mừng kết quả, chúc mừng Đại hội thành công, dù trước đó đã có điện chúc mừng Đại hội rồi. Có phải nói Đại hội thành công tốt đẹp là ở những chỗ đó?

Nhưng điều quan trọng cơ bản là tôi xin trở lại vấn đề nội dung, vấn đề đường lối. Nhiều vấn đề rất khó, rất phức tạp, thảo luận, tranh luận nhưng sau khi biểu quyết một số vấn đề khó rồi, đến khi thông qua toàn bộ Nghị quyết thì 100% tán thành, thế có thành công không nào? Mà quan trọng nhất là Đại hội khẳng định nước ta tiếp tục quá độ lên chủ nghĩa xã hội; dứt khoát kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thời kỳ quá độ là một thời kỳ rất dài; nhưng khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là quy luật tất yếu của lịch sử, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng ta và Bác Hồ, của nhân dân ta. Dân tộc ta đã đổ bao nhiêu xương máu mấy chục năm nay, tạo tiền đề để bây giờ đi lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta phấn đấu để 5 năm tới, tăng trưởng GDP so với năm 2010 khoảng 1,7 lần và đến năm 2020 thì tăng khoảng 2,2 lần; bình quân thu nhập đầu người đến năm 2015 khoảng 2.000 - 2.100 USD và đến năm 2020 khoảng 3.000 - 3.200 USD. Thu nhập thực tế của người dân đến năm 2020 tăng khoảng 3,5 lần. Nhưng không phải chúng ta thiên về tăng trưởng mà phải chăm lo vấn đề xã hội, an sinh xã hội, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Lần này nhấn rất mạnh vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững. Bình quân mỗi năm phải giảm 1 - 2% số hộ nghèo. Lần này cũng nhấn rất mạnh vấn đề giáo dục, tuy không dùng chữ “cải cách giáo dục” nhưng nói là “đổi mới căn bản và toàn diện” giáo dục. Vấn đề môi trường thì khẳng định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nghĩa vụ của từng người dân...

Đại hội còn chỉ rõ: trong thực hiện phải xác định các khâu trọng điểm, cụ thể là xác định ba khâu đột phá và tám nhóm giải pháp. Lần này có một điểm rất mới là, qua tổng kết thực tiễn, trong Cương lĩnh đã chỉ rõ phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn. Đó là: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ... Và chốt lại là: không phiến diện, cực đoan, duy ý chí. Tư tưởng chỉ đạo này lớn lắm. Nếu phiến diện, cực đoan, từ cực này nhảy sang cực kia, không biện chứng, không khoa học, vi phạm quy luật khách quan, thì sai! Toàn những vấn đề lý luận và thực tiễn lớn và khó, thế mà chúng ta thống nhất cao được; lại bầu ra được Ban Chấp hành Trung ương với sự tín nhiệm tập trung như thế, không khí dân chủ như thế, thì thưa các đồng chí, có thể nói Đại hội thành công tốt đẹp được không?

Tuy nhiên, nói như vậy không phải chỉ toàn là việc tốt cả, chỉ thấy một chiều thuận lợi, phơi phới đi lên, mà không thấy hết những thiếu sót, khuyết điểm, khó khăn, thách thức. Quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội có nhiều việc phải rút kinh nghiệm. Trước mắt chúng ta có biết bao nhiêu trở ngại phải vượt qua. Tôi nhớ là mấy lần phát biểu ở một số nơi, kể cả khi bế mạc Đại hội, tôi đều nói rất đậm mặt yếu kém, khó khăn, thách thức. Khi điểm báo tuần, các đồng chí truyền hình, báo chí cũng đã thống kê, thấy tân Tổng Bí thư chỉ có một lần nói là vinh dự thôi, còn nhấn rất nhiều mặt khó khăn, thách thức; cái đó là đúng, không chủ quan được đâu.

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội thì điều quan trọng là phải cụ thể hóa thành các chương trình hành động, thể chế hóa thành luật pháp. Hôm nay, Mặt trận chúng ta đã cụ the hóa thành Chương trình hành động của Mặt trận và triệu tập Hội nghị đúng ở thời điểm này, tôi rất hoan nghênh. Chính phủ đang phải cụ thể hóa thành chương trình hành động; Quốc hội cũng đang xây dựng chương trình luật pháp để bảo đảm làm sao đưa Nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống. Tất cả chúng ta đồng lòng nhất trí; các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, đồng bào trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, với khí thế của Đại hội phải làm sao triển khai thực hiện cho được, đó mới là điều quan trọng. Trong toàn bộ nhiệm vụ chung đó, phải nói thời gian vừa qua, Mặt trận đóng góp rất nhiều vào thành công, thắng lợi của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Chẳng những chỉ là tập hợp, đoàn kết, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn tham gia đóng góp vào các dự thảo văn kiện, tập hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân để phản ánh đến Đại hội.

Nhân đây, tôi cũng báo cáo là trước Đại hội có tâm trạng cho rằng Đảng hỏi ý kiến, nhưng liệu góp rồi “các ông” có tiếp thu không. Ý kiến rất nhiều, hàng vạn ý kiến, có những đồng chí viết hàng tập dày, đóng góp ý kiến rất tâm huyết.

Xin báo cáo với các cụ, các vị là Trung ương chỉ đạo tổng hợp rất nghiêm túc, đầy đủ, hàng mấy tập dày. Mặt trận của chúng ta cũng được phân công tổng hợp một phần; Đảng đoàn Quốc hội, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng cũng vậy. Qua nhiều kênh tập hợp, chắt lọc trình ra hai hội nghị Trung ương, tiếp thu cái gì cái gì đưa ra thảo luận; cái gì phải biểu quyết; và với vấn đề khó thì phải tiếp tục nghiên cứu.

Thời gian qua, Mặt trận đã đóng góp và sắp tới với chức năng, vị thế, vai trò hết sức quan trọng của mình, các cụ, các vị, các đồng chí cần tiếp tục suy nghĩ, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Tôi đọc trong Chương trình hành động của Mặt trận thấy toàn những vấn đề “trúng” cả. Trước mắt phải làm sao để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 5 này cũng thành công rực rỡ. Đây là một sự kiện trọng đại trong năm 2011. Cuộc bầu cử sắp tới, bên cạnh thuận lợi, cũng có cái khó là ngay sau Đại hội mấy tháng thì bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cùng trong một ngày. Biết bao nhiêu vấn đề mới phải xử lý, đòi hỏi một sự đồng thuận rất cao, quyết tâm rất lớn và có biện pháp thật cụ thể, thiết thực. Rất mừng là vừa rồi Mặt trận đã hiệp thương một bước, ý kiến của các cụ, các vị trong Đoàn Chủ tịch rất sôi nổi, thống nhất rất cao. Thẳng thắn, dân chủ, phân tích với nhau những tình huống thế này, yêu cầu thế kia, chấp nhận thế nào, song quan trọng là phải phù hợp với thực tế. Có những mong muốn mà thực tế chưa cho phép thì đi dần từng bước một.

Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển đất nước; quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền không có gì thay đổi. Đây là việc lâu dài và nói biết bao nhiêu về đại đoàn kết cũng là không đủ. Tôi chỉ xin nói lại ý của các cụ, các đồng chí và đã nói nhiều lần rồi. Mặt trận là nơi mà nhân dân gửi gắm rất nhiều tâm tư, tình cảm, ý nguyện, thậm chí cả những đòi hỏi. Mặt trận là nền tảng chính trị của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân; Mặt trận là hình ảnh thu nhỏ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để triển khai, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng thì có phải điều đầu tiên là Mặt trận phải góp phần tạo ra sự đồng thuận, thống nhất cao về những tư tưởng, quyết sách của Đại hội XI, phải tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đương nhiên, chúng ta tuyên truyền theo phương thức của Mặt trận chứ không thể theo kiểu Nhà nước, kiểu chính quyền được; đồng thời phát động các phong trào thi đua mà Mặt trận là nòng cốt. Vừa qua, những phong trào Mặt trận đã làm tốt, như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đồng thời tăng cường các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện với tinh thần vì dân thực sự, không phải là ban ơn. Mặt trận đã xây dựng, củng cố tổ chức ngày càng vững mạnh, nhất là đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện mới. Phát huy dân chủ thì một trong những hình thức dân chủ vừa qua chính là làm sao có nhiều tiếng nói phản biện sâu sắc, xác đáng để góp phần xây dựng và hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thế là một chiều đưa tư tưởng Nghị quyết của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước vào trong dân, biến thành hành động trong thực tiễn, tạo ra hiệu quả cụ thể trong cuộc sống. Một chiều ngược lại, Mặt trận lại lắng nghe, tập hợp tất cả các ý kiến, nguyện vọng của dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước, với các cơ quan có thẩm quyền, rồi lại tổ chức các phong trào để biến tư tưởng thành hành động thực tiễn. Muốn như thế thì tổ chức phải rất vững mạnh, có phương thức hoạt động phù hợp và phối hợp với các cơ quan, các bộ phận thật tốt.

Mặt trận với Quốc hội, Mặt trận với Chính phủ, Mặt trận với Chủ tịch nước trong nhiều năm qua đã có sự phối hợp thường xuyên, ký kết thường niên, nhưng cũng muốn chất lượng, hiệu quả cao hơn nữa, tốt hơn nữa. Hoạt động đối ngoại cũng đã được đẩy mạnh, có thể thấy chưa bao giờ Việt Nam có được vị thế như ngày nay nhờ có hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhưng hoạt động đối ngoại của nhân dân hiệu quả chưa cao lắm. Có nhiều vấn đề, hoạt động đối ngoại nhân dân lại mang lại hiệu quả tốt hơn, thuận lợi hơn là những kênh khác.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với những thành tựu, kinh nghiệm, truyền thống vẻ vang 81 năm của Mặt trận Dân tộc thống nhất, với tất cả tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, trước Đảng, trước đất nước của các cụ, các vị, các đồng chí thì hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong những năm tới, đặc biệt ngay trong năm 2011, sẽ có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa vào thành tựu chung của đất nước. Trực tiếp trước mắt là góp phần xử lý một loạt vấn đề bức xúc, nóng bỏng về kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chăm lo an sinh xã hội, và chuẩn bị thật tốt để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vào ngày 22/5 tới thu được thành công rực rỡ.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.120 (B.T).