Những đóng góp quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát là dịp để chúng ta tri ân, khẳng định những công lao và đóng góp quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trân trọng và ghi nhớ công ơn to lớn của bao lớp người đi trước, nhắc nhở thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng cống hiến vì mục tiêu, lý tưởng đã chọn, quyết tâm sớm biến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thành hiện thực. Từ đó, tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát và vợ trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu 

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/02/1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình địa chủ phá sản. Được gia đình cho ăn học, với tư chất thông minh, Huỳnh Tấn Phát lần lượt tốt nghiệp bậc tiểu học, bậc trung học và năm 1938, ông tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Năm 1940, Huỳnh Tấn Phát mở văn phòng kiến trúc sư tại số nhà 68 - 70 đường Mayer (nay là Võ Thị Sáu). Trước tinh thần đấu tranh bất khuất của những chiến sĩ cộng sản, của Nhân dân trong và sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, Huỳnh Tấn Phát đã chuyển hướng sang hoạt động cách mạng, làm Chủ nhiệm tuần báo Thanh niên, tích cực hoạt động trong phong trào Truyền bá Quốc ngữ, phong trào Cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ.

Tháng 3/1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; sau đó, tích cực hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong (do Xứ uỷ Nam Kỳ lãnh đạo) chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn và Nam Bộ; tham gia lãnh đạo và có đóng góp vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25/8/1945.

Ngày 23/9/1945, khi quân đội Pháp trở lại xâm chiếm Sài Gòn, Đồng chí bị địch bắt. Nhưng nhờ là một kiến trúc sư tên tuổi nên địch trả tự do sau ba ngày giam giữ ở bốt Catinat. Tháng 10/1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Thanh niên Nam Bộ ra Hà Nội dự Đại hội Thanh niên toàn quốc. Trở về Nam Bộ, Đồng chí được giới thiệu ra ứng cử ở đơn vị bầu cử tỉnh Mỹ Tho và đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đầu năm 1946, đồng chí Huỳnh Tấn Phát bị địch bắt và bị địch kết án hai năm tù. Trong Khám Lớn Sài Gòn, Đồng chí đóng vai trò quan trọng trong thành lập “Liên đoàn tù nhân Khám Lớn Sài Gòn” và được bầu làm Trưởng ban đại diện. Tháng 11/1947, sau khi ra tù, Đồng chí liên lạc ngay với tổ chức, được phân công phụ trách công tác trí vận, báo chí ở Sài Gòn, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Nam Bộ.

Đầu năm 1949, Đồng chí thoát ly gia đình vào chiến khu Đồng Tháp hoạt động; được cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Việt Nam.

Năm 1950, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn thành lập, Đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ Đặc khu, Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc khu, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được phân công hoạt động ở Sài Gòn. Cuối năm 1956, Đồng chí được bổ sung vào Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách Ban Trí vận và Chính quyền vận.

Năm 1959, Đồng chí ra hoạt động ở vùng Tam giác sắt (Củ Chi - Trảng Bàng - Bến Cát, địa bàn đứng chân của Khu uỷ miền Đông, Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định) và được phân công làm Khu ủy viên chính thức Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định. Năm 1960, Đồng chí tham gia thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giữ trọng trách Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương lâm thời Mặt trận.

Năm 1961, Đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Năm 1962, được Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam bầu làm một trong năm Phó Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận.

Tháng 6/1969, Đại hội đại biểu Quốc dân toàn miền Nam Việt Nam bầu đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ tịch đoàn kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến ngày đất nước thống nhất.

Năm 1976, Quốc hội khóa VI bầu đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Phó Thủ tướng Chính phủ và năm 1977 được phân công làm Trưởng Ban chỉ đạo Quy hoạch đô thị.

Năm 1979, Đồng chí được phân công kiêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước và được chỉ định làm Đại diện thường trực nước ta tại Hội đồng tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa (SEV).

Năm 1981, Đồng chí được Quốc hội khóa VII bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 6/1982, được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Năm 1983, Đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Đại hội lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời được bầu là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là Đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, VI, VII, VIII.

Ngày 30/9/1989, đồng chí Huỳnh Tấn Phát từ trần, thọ 76 tuổi.

Do công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát. 

Nhà trí thức yêu nước có uy tín lớn

Ngay từ khi còn trẻ, Huỳnh Tấn Phát đã ấp ủ hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng đem tài năng và trí tuệ làm đẹp cuộc đời. Sau khi tốt nghiệp khoa kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Huỳnh Tấn Phát hành nghề kiến trúc sư và sớm nổi tiếng ở Sài Gòn, nhưng không quan tâm đến việc làm giàu mà tự nguyện gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Huỳnh Tấn Phát tích cực tham gia phong trào “Truyền bá quốc ngữ”, phong trào “Cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ”; là một trong những người tổ chức, cổ vũ, lãnh đạo phong trào “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” của thanh niên, học sinh, sinh viên miền Nam, phong trào “Thanh niên tiền phong”, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân vào cuộc đấu tranh yêu nước do Đảng lãnh đạo. Là người cổ động, tuyên truyền, thuyết phục không mệt mỏi các tầng lớp nhân dân, đào tạo, bồi dưỡng hàng loạt cán bộ cốt cán cho phong trào yêu nước. Lực lượng “Thanh niên tiền phong” do Đồng chí tham gia tổ chức và lãnh đạo đã đóng vai trò xung kích quan trọng trong khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân tại Sài Gòn và Nam Bộ, ngày 25/8/1945.

Trải qua các hoạt động vận động quần chúng thời kỳ này, Đồng chí trở thành nhà trí thức có uy tín lớn đối với đồng bào các giới ở Sài Gòn. Đó cũng là nguồn sức mạnh cổ vũ, thôi thúc đồng chí Huỳnh Tấn Phát vượt qua những năm tháng gian khổ, hy sinh đồng hành cùng dân tộc trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như những năm tháng đầy khó khăn, thử thách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này.

Thực hiện chủ trương của Đảng về việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Đồng chí đã tổ chức vận động các nhân sĩ, trí thức có uy tín bí mật ra vùng giải phóng tham gia mặt trận; là người có đóng góp lớn vào việc tổ chức thành công Hội nghị thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn thuyết phục mọi người với thái độ chân thành, nên cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu ủng hộ cách mạng đến cùng. Từ người giao liên, bảo vệ, đến những trí thức thượng lưu đều quý mến, sẵn sàng nghe theo sự hướng dẫn, hết lòng cộng tác và giúp đỡ Đồng chí. Do ảnh hưởng của Đồng chí, nhiều nhân sĩ, trí thức ở Sài Gòn sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vinh hoa, phú quý ra vùng căn cứ kháng chiến theo cách mạng, trong đó có cụ Lâm Văn Tiết, vợ chồng luật sư Trịnh Đình Thảo - Ngô Thị Phú... Vì lẽ đó, Mỹ và chính quyền ngụy đã kết án tử hình vắng mặt chín thành viên Ủy ban Trung ương Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, tịch thu toàn bộ gia sản (trong đó có đồng chí Huỳnh Tấn Phát).

Nhà lãnh đạo giữ nhiều cương vị quan trọng, luôn thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao trước Đảng và Nhân dân

Ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, đại biểu các dân tộc, tôn giáo, các đảng phái yêu nước và các tầng lớp Nhân dân đã tổ chức Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam và tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương. Với trọng trách Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Khu ủy viên trực tiếp phụ trách công tác Trí vận Khu Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Huỳnh Tấn Phát tìm mọi cách vào Sài Gòn, móc nối, tập hợp lại lực lượng, hình thành tổ chức chiến đấu của lực lượng Trí vận mặt trận đô thành Sài Gòn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đồng chí bộ phận Trí vận đã lập được Ban cán sự Trí vận nội thành; hàng loạt cán bộ trẻ được bồi dưỡng về đường lối cách mạng miền Nam và phương pháp hoạt động bí mật, nên trụ vững giữa mạng lưới công an, cảnh sát dày đặc của Mỹ và ngụy quyền.

Đứng trước những diễn biến mang tính bước ngoặt của tình hình trong và ngoài nước sau thắng lợi của chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đã đặt ra yêu cầu phải đoàn kết hơn nữa mọi lực lượng cho cuộc kháng chiến, nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam Việt Nam bằng thế tấn công toàn diện, yêu cầu của cách mạng lúc này là cần có một Chính phủ đại diện hợp pháp cho quyền lợi của Nhân dân miền Nam Việt Nam. Với công tác chuẩn bị kĩ và sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, từ ngày 6-8/6/1969, Đại hội Đại biểu quốc dân toàn miền Nam khai mạc trọng thể tại vùng Tà Nốt (Tây Ninh) đã bầu chọn những nhà trí thức tiêu biểu thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Chính phủ. Tôn chỉ hoạt động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam xác định là thực hiện chính sách hòa bình, trung lập, độc lập, dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm thực hiện nhiệm vụ tối cao là đoàn kết Nhân dân miền Nam chiến đấu đánh bại đế quốc Mỹ, lật đổ ngụy quyền tay sai phản động, “hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc, tạo điều kiện cơ bản để xây dựng miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, phồn vinh, tiến đến hòa bình thống nhứt Tổ quốc”[2] .

Sự ra đời và hoạt động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi. Những hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Huỳnh Tấn Phát ngay trong những ngày đầu mới thành lập đã góp phần tăng đáng kể uy tín quốc tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng thời giúp cho các nước thừa nhận đây là đại diện hợp pháp cho Nhân dân miền Nam Việt Nam và sự ủng hộ của quốc tế đối với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã khiến cho phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn lo sợ.

Đầu năm 1969, Hội nghị Paris bước vào giai đoạn đàm phán bốn bên. Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Ta phải đánh cho quân Mỹ bị thua đau hơn nữa, đánh cho ngụy quân, ngụy quyền phải sụp đổ”[3], nhằm tạo ra sự thay đổi trong cán cân lực lượng trên chiến trường có lợi cho chúng ta, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh ngoại giao. Thực hiện Chỉ thị của Trung ương, đồng chí Huỳnh Tấn Phát với vai trò là người đứng đầu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tập trung đẩy mạnh ngoại giao nhà nước, kết hợp chặt chẽ với ngoại giao nhân dân, phối hợp với ngoại giao Việt Nam dân chủ cộng hòa, đấu tranh tại các diễn đàn đòi thực hiện ngừng bắn, đòi Mỹ chấm dứt dính líu quân sự; đấu tranh đòi trao trả hết nhân viên dân sự bị bắt và bị giam giữ, thực hiện tự do, dân chủ cho Nhân dân miền Nam… Song song với các hoạt động nêu trên, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã thực hiện mũi tiến công ngoại giao trên bình diện rộng bằng việc tổ chức các chuyến đi thăm hữu nghị nhiều nước, thông báo tình hình Hội nghị Paris. Qua các chuyến thăm và tại nhiều diễn đàn, chính phủ các nước đều ra tuyên bố ủng hộ các đề nghị của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nhiều hiệp định viện trợ không hoàn lại cho miền Nam cũng được ký kết với chính phủ các nước. Sự động viên về tinh thần và ủng hộ về vật chất to lớn đó chính là động lực để quân dân Việt Nam dồn sức thực hiện đấu tranh quân sự, chính trị, đưa cách mạng miền Nam nhanh chóng đi đến thắng lợi với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi vẻ vang, để góp phần ổn định tư tưởng Nhân dân, đồng chí Huỳnh Tấn Phát dành nhiều thời gian đi thăm hỏi, nắm bắt tình hình, tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân và trình bày rõ lập trường, quan điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong tình hình mới của đất nước. Đồng chí đã tham gia giải quyết những công việc trọng đại của đất nước và trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, cả về đối nội và đối ngoại bằng những chính sách, kế hoạch hợp lý tạo nền tảng ban đầu nhằm xây dựng miền Nam có được diện mạo như ngày hôm nay. Với cương vị là Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước Nhân dân, trước Tổ quốc về những công việc cần thực hiện để tiến tới thống nhất đất nước; các cuộc họp Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời, các cuộc họp trù bị để chuẩn bị hiệp thương, Tổng Tuyển cử thống nhất hai miền Nam Bắc được triển khai liên tục. Ngày 12/11/1975, Đồng chí ra sân bay Tân Sơn Nhất đón Đoàn đại biểu miền Bắc vào Sài Gòn dự Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, do đồng chí Trường Chinh - Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội làm Trưởng đoàn.

Trên cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách quy hoạch đô thị, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã giành nhiều thời gian đi tìm hiểu thực tế và kiểm tra công tác quy hoạch, đặc biệt là đối với các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để có cái nhìn tổng thể và có nhiều đóng góp vào công việc chung của Chính phủ, đặc biệt với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải tạo, khôi phục và phát triển kinh tế đất nước sau chiến tranh. Đồng chí dành nhiều thời gian đi các địa phương để khảo sát thực tế tình hình, trao đổi với chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là với giới trí thức về những vấn đề nóng bỏng của đất nước để phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Chính phủ. Với tư cách là Đại diện thường trực của Chính phủ ta tại Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV) từ năm 1979 đến năm 1983, Đồng chí đã tham dự hơn 10 Hội nghị; dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, đoàn của Chính phủ ta làm việc rất nghiêm túc và có nhiều đóng góp vào các hoạt động chung của tổ chức này.

Tháng 6/1982, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Tiếp đó, tại Đại hội lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 12-14/5/1983, Đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trên cương vị công tác nào, đồng chí Huỳnh Tấn Phát cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, Nhân dân giao phó và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại của Hội đồng Nhà nước cũng như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Tấm gương tiêu biểu cho đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế

Suốt cả cuộc đời đồng chí Huỳnh Tấn Phát gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cao cả này. Từ khi bắt đầu tham gia phong trào yêu nước cho đến khi làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đồng chí liên tục được phân công đảm nhiệm công tác vận động quần chúng; vừa là người tổ chức, chỉ đạo, vừa là người trực tiếp làm công tác phong trào. Tên tuổi của Đồng chí gắn liền với những phong trào vận động quần chúng yêu nước trong thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng 8/1945 ở thành phố Sài Gòn - Gia Định, đặc biệt từ khi ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Gần suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã gắn bó với công tác tuyên truyền vận động quần chúng ở các thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn để cùng nhiều đồng chí khác như Tám Lựu, Hoàng Quốc Tân, Vũ Tùng... vận động trí thức tham gia Mặt trận Liên Việt gây dựng các phong trào đấu tranh chính trị như “đòi hòa bình”, “đòi đế quốc Pháp phải công nhận quyền độc lập của Việt Nam”... Ngay cả khi bị bắt, bị giam trong Khám Lớn Sài Gòn, gia đình gặp nhiều khó khăn, Đồng chí vẫn kiên định lý tưởng, tuyệt đối tin tưởng cách mạng, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng như: tổ chức liên đoàn tù nhân, tổ chức lớp học, ra báo vận động tù nhân đấu tranh chống chế độ nhà tù tàn bạo, vận động tù nhân hướng về cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Đồng chí nhận nhiệm vụ ở lại nội thành Sài Gòn hoạt động cách mạng, trên cương vị là Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn phụ trách công tác vận động quần chúng. Mặc dù chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đàn áp khốc liệt phong trào yêu nước và cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã hoạt động không mệt mỏi, gây dựng được mạng lưới cơ sở trong giới trí thức và công nhân chính quyền Sài Gòn. Đây là nhân tố cốt cán trong phong trào đấu tranh của Nhân dân Thành phố đòi thực hiện Hiệp định Giơnevơ, đòi thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước. Ban Trí vận - Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Huỳnh Tấn Phát phụ trách đã tác động lớn đến sự hình thành của các phong trào nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định thời gian này, các phong trào trong giáo giới nội đô, lực lượng quốc gia tiến bộ và sự hình thành lực lượng thứ ba, nhất là tổ chức liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch năm 1968… Các phong trào đô thị đã giáng cho địch một đòn chính trị chí tử, lột trần bản chất phi pháp, phi nhân, phi nghĩa của cuộc xâm lược và chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ. Và hơn thế, đã củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc chung quanh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mà Đồng chí là một trong những thành viên chủ chốt, quy tụ mọi giới bằng uy tín và đức độ của mình.

Cùng với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có những cống hiến nổi bật trong sự nghiệp tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến thắng lợi tại khu Sài Gòn - Gia Định và trên toàn miền Nam Việt Nam, có công lớn trong việc hình thành và củng cố, mở rộng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; trong việc giúp đỡ để hình thành và hoạt động của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, trong nhiệm vụ điều hành Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ sau khi thành lập đến khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng và Nhân dân giao nhiều trọng trách về mặt nhà nước, đồng thời phụ trách công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tháng 2/1977, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc[4], Đồng chí được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch và đã góp sức với Đảng đoàn, Ban Thư ký xây dựng Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư, được xem như luồng gió mới làm thay đổi toàn diện công tác Mặt trận. Đồng thời, Đồng chí đã góp nhiều kinh nghiệm chuẩn bị nội dung, nhân sự mở rộng thêm nhân sự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.

Trên cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II (tháng 5/1983) bầu, là người chỉ đạo trực tiếp các cấp Mặt trận triển khai Chỉ thị 17-CT/TW; Đồng chí đã đi khắp các tỉnh từ Nam chí Bắc để phổ biến, phân tích nội dung Chỉ thị và đề ra ra những biện pháp củng cố tổ chức mặt trận cơ sở. Với sự nỗ lực của Đồng chí và các thành viên trong Đoàn Chủ tịch, Ban Thư ký, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW góp phần nâng cao vai trò của Mặt trận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó chính là một trong những nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh để dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp khôi phục đất nước sau chiến tranh cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả dân tộc đoàn kết, thống nhất bước vào sự nghiệp đổi mới. Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng chí Huỳnh Tấn Phát.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết quốc tế. Rất nhiều nhà lãnh đạo, nhân vật tiêu biểu và Nhân dân tiến bộ trên thế giới xem Ông là một trong những “đầu mối” để thiết lập tình đoàn kết, gắn bó với Nhân dân Việt Nam. Trên cả hai mặt trận, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, Đồng chí đều làm tròn trách nhiệm, có những đóng góp đặc biệt quan trọng. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của sự phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại mà Đồng chí là một trong những nhân tố then chốt.

Kiến trúc sư tài năng, sáng tạo

Từ năm 1933, Huỳnh Tấn Phát học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, là một sinh viên vừa thông minh vừa chuyên cần nên đã đỗ thủ khoa năm 1938. Sau khi tốt nghiệp, tập sự ở văn phòng kiến trúc sư người Pháp Chauchon ở Sài Gòn, với năng khiếu bẩm sinh và năng lực sáng tạo dồi dào, Huỳnh Tấn Phát đã thực hiện thành công đồ án thiết kế công trình và được giới kiến trúc sư đánh giá cao.

Năm 1940, đồng chí Huỳnh Tấn Phát mở văn phòng kiến trúc và năm 1941, đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế khu trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương, dự kiến xây dựng ở vườn Ông Thượng Sài Gòn, do Toàn quyền Pháp Decoux tổ chức. Với tài năng của mình, trong thời gian từ năm 1938 đến năm 1943, Đồng chí đã thiết kế nhiều công trình được xây dựng tại Sài Gòn, Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Lạt… Các công trình kiến trúc đều thể hiện tư duy sâu sắc về văn hóa Á Đông, về năng lực sáng tạo thể hiện qua những hình khối kiến trúc được bố cục chặt chẽ, hiện đại, nhưng khoáng đạt, cởi mở và hài hòa với cảnh quan nhiệt đới phương Nam, đã gây nên một sự chú ý đặc biệt trong giới trí thức Nam Kỳ và cả sự ngưỡng mộ của người Pháp.

Trong suốt những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược gian khổ, với bao nhiệm vụ nặng nề, nhưng đồng chí Huỳnh Tấn Phát vẫn dành thời gian hiếm hoi để thiết kế và chỉ đạo xây dựng nhiều công trình trong chiến khu, mà nổi bật là hội trường Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định, hội trường Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ I. Tuy các công trình được dựng hoàn toàn bằng tre, gỗ, nứa lá nhưng thiết kế rộng rãi, khang trang, đẹp đẽ nằm ẩn mình kín đáo dưới vòm lá xanh của rừng già chiến khu, đã làm xúc động các đại biểu về dự Đại hội. Và nhiều phác thảo kiến trúc, quy hoạch các công trình dự định xây dựng tại Lộc Ninh, Thủ đô Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam trong điều kiện chiến tranh ác liệt đã thể hiện tầm nhìn lạc quan, tin tưởng vào tương lai, khả năng sáng tạo tuyệt vời, tư duy thông tuệ của một kiến trúc sư tài năng, một nhà văn hóa lớn.

Sau ngày đất nước thống nhất, trên các trọng trách như: Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Trưởng Ban huy hoạch đô thị, Chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng Thủ đô Hà Nội năm 1976; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1977, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước; Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1981; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước năm 1982; Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam năm 1983, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng Thủ đô Hà Nội và nền kiến trúc Việt Nam. Đồng chí đã để lại những công trình, tác phẩm xuất sắc như: Bản quy hoạch Thủ đô Hà Nội năm 1981, Bảo tàng các Vua Hùng, Nhà hát Hòa Bình Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng bản thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh 1979 - 1985 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Ngoài ra Đồng chí còn chỉ đạo và góp ý kiến nhiều dự án thiết kế quy hoạch các đô thị lớn trong cả nước như: Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu - Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn. Nhiều công trình kiến trúc để lại như: Sân bay Nội Bài, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Cung thiếu nhi Hà Nội… đã góp phần xây dựng nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

Không chỉ là một kiến trúc sư tài năng, sáng tạo, để lại nhiều công trình góp phần “làm đẹp cuộc đời”, đồng chí Huỳnh Tấn Phát rất quan tâm tới tương lai của ngành kiến trúc Việt Nam. Trên cương vị là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Đồng chí là người có công trong việc xuất bản Tạp chí Kiến trúc - cơ quan ngôn luận không chỉ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam mà của cả giới kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng nói chung; luôn chỉ đạo Hội Kiến trúc sư phải gắn kiến trúc với đời sống.

Ý kiến của đồng chí Huỳnh Tấn Phát trên cương vị đứng đầu ban giám khảo các cuộc thi kiến trúc luôn chứa đựng một chiều sâu hiểu biết đáng khâm phục. Dù tuổi cao, dù phải dành hầu hết thời gian cho các hoạt động của Nhà nước, Mặt trận nhưng con mắt am tường nghệ thuật vẫn phát hiện rất nhanh những nét tinh túy, kín đáo nhất của mỗi phương án mà không nhiều người làm nghề có được. Đồng chí thường khuyến khích việc nghiên cứu lý luận nghệ thuật kiến trúc, bởi ở đây không chỉ có những ý nghĩa văn hóa - nghệ thuật đơn thuần, mà nó còn mang lại nhiều giá trị về kinh tế - xã hội có tầm chiến lược.

Người cộng sản kiên trung mẫu mực

Đồng chí là một điển hình của thế hệ “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, cả đời gắn bó với Nhân dân, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân với trí tuệ và tình cảm của một trí thức yêu nước, một nhà chính trị lớn - nhà văn hoá lớn - kiến trúc sư có tâm và có tầm. Ở Đồng chí chính trị, văn hoá, đạo đức luôn hòa quyện.

Là một kiến trúc sư nổi tiếng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát có rất nhiều điều kiện để sống cuộc sống giàu sang dư giả về vật chất, danh lợi. Vượt lên trên hết, khi quyết định đi theo con đường cách mạng, Đồng chí Huỳnh Tấn Phát phải chịu sức ép không nhỏ từ chính quyền thực dân. Tuy nhiên, Đồng chí đã thể hiện một nhân cách lớn, đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích cá nhân, quyết tâm đi theo cách mạng.

Từ khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương tháng (3/1945) cho đến khi trở về cõi vĩnh hằng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát tuyệt đối trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn. Lý tưởng và tố chất của người cộng sản đã làm cho tài năng và đức độ của Đồng chí toả sáng. Suốt đời phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, luôn tin vào sức mạnh của quần chúng và sự tất thắng của cách mạng, Đồng chí luôn lạc quan với nụ cười rộng mở không bao giờ tắt trên môi trong mọi cuộc tiếp xúc, kể cả những thời điểm vừa ra khỏi hầm bị bom B52 Mỹ đánh sập.

Nhận thức được chính nghĩa, giá trị nhân văn to lớn của sự nghiệp cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã làm cách mạng một cách trọn vẹn cả tâm và lực. Trên cương vị lãnh đạo cao cấp, Đồng chí không yêu cầu bất cứ đặc ân, đặc quyền nào cho bản thân và gia đình. Là một trí thức lớn và là một cán bộ cấp cao nhưng trong sinh hoạt, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn thể hiện phong cách bình dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, hết lòng yêu thương đồng chí, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với mọi người; là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của người cộng sản kiên trung, suốt đời hi sinh, phục vụ Nhân dân, đất nước.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một người thân thiện và gần gũi, hào phóng, lịch thiệp, một mẫu người trí thức sớm giác ngộ và dám dấn thân, hòa mình vào cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất cho đất nước; luôn trung thực với mình với người và và với cách mạng, sống trong sáng cả trong đấu tranh cũng như trong đời thường; là người có phong cách sống và làm việc quần chúng, dễ gây thiện cảm, có sức thu hút lớn. Với nhân cách cao đẹp, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã dành trọn đời mình cống hiến cho cách mạng, cho Nhân dân.

Cuộc đời đồng chí Huỳnh Tấn Phát cho thấy rõ: khi có lòng yêu nước thương dân nồng nàn, khi đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích bản thân, khi đề cao đạo đức trong sáng, khiêm nhường và biết sử dụng tài năng của mình “phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân” thì mặc cho thành phần xuất thân thế nào, phong thái ra sao, vẫn sẽ rất gần dân, được Nhân dân tin yêu, đón nhận và đi theo; là người tiêu biểu cho tư tưởng, phong cách đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã hiểu đúng, hiểu sâu và hiện thực hóa rất tốt tư tưởng đặc biệt quan trọng ấy của Người.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc và Nhân dân. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau ở Nam bộ và cơ quan Trung ương, dù ở đâu, làm việc gì, cũng đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và Nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên hết. Trong ngục tù của kẻ thù, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đến khi trở thành Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Đồng chí luôn phát huy phẩm chất kiên cường của người cộng sản, thể hiện cao đẹp đức tính liêm khiết, khiêm tốn, cuộc sống giản dị, mẫu mực, là tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản “tận trung với nước, tận hiếu với dân”.

Nét nổi bật trong phong cách của đồng chí Huỳnh Tấn Phát là tác phong làm việc tỉ mỉ, cụ thể, cởi mở, dân chủ; thường xuyên đi cơ sở, gặp gỡ cán bộ và Nhân dân, khơi gợi một cách dân chủ để mọi người phát biểu, đề xuất; lắng nghe ý kiến của Nhân dân để suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết phù hợp và có hiệu quả nhất những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống; mỗi quyết sách của Đồng chí đều là kết quả tìm tòi trên cơ sở tập hợp trí tuệ của quần chúng.

Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi, ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cương vị nào, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn thể hiện tinh thần trung kiên, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc: dân tộc độc lập, Nhân dân tự do, đất nước thống nhất và trọn vẹn lãnh thổ. Với tính khiêm nhường, lòng vị tha, nhân hậu, đức độ, gắn bó mật thiết với Nhân dân và tinh thần hăng hái làm việc tới hơi thở cuối cùng. Cuộc đời hoạt động không mệt mỏi và những cống hiến to lớn cho đất nước và dân tộc của đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

***

Nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chúng ta càng thêm trân trọng, tự hào và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao của người cộng sản kiên cường, bất khuất. Đồng chí để lại cho chúng ta bài học quý báu về nhân cách sống và hoạt động của người cách mạng, đó là: Giữ vững nguyên tắc trong quan điểm, đồng thời linh hoạt trong sách lược, luôn gắn bó với thực tiễn đất nước, đồng cảm, nhân ái với đồng bào, chiến sĩ; bình tĩnh lắng nghe, suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết công việc hợp lý, vừa có lý luận vừa có thực tế và trên cơ sở tổng kết thực tiễn để không ngừng hoàn thiện chủ trương, chính sách đã vạch ra, nhằm đem lại kết quả thiết thực nhất cho cách mạng và Nhân dân.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát, là dịp để chúng ta tri ân, khẳng định những công lao và đóng góp quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, bậc trí thức lớn của dân tộc, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Mặt trận trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trân trọng và ghi nhớ công ơn to lớn của bao lớp người đi trước, nhắc nhở thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, không ngại khó khăn gian khổ, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, cũng phải vươn lên, sẵn sàng cống hiến vì mục tiêu, lý tưởng đã chọn, quyết tâm sớm biến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thành hiện thực. Trước mắt là tập trung triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.



[1] Nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Thành phố Hồ Chí Minh.

[2]. Huỳnh Tấn Phát: Tuyên bố về Chương trình hành động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nxb.Giải phóng, 1969, tr.13.

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2004): Văn kiện Đảng toàn tập, tập 32 (1971), Nxb CTQG, Hà Nội, tr.118

[4] Đại hội đã hợp nhất Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.