Những đóng góp của đồng chí Lê Quang Đạo đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III (tháng 11-1988) đồng chí Lê Quang Đạo được Đại hội hiệp thương dân chủ cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sau đó đồng chí được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Chủ tịch Lê Quang Đạo tiếp đoàn đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng đến thăm MTTQ Việt Nam vào năm 1998. Ảnh: Tư liệu 

Ngay từ khi còn ở cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Lê Quang Đạo đã nhiều lần trao đổi về sự cần thiết phải có một Nghị quyết chuyên đề của Đảng về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đồng chí: Trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, muốn đổi mới công tác mặt trận nhất thiết phải đổi mới nhận thức và sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác Mặt trận. Vì đổi mới lãnh đạo của Đảng là xuất phát điểm, là yếu tố quyết định sự đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận”.

Đồng chí Lê Quang Đạo đã cùng với các đồng chí Hoàng Quốc Việt; Xuân Thủy và Huỳnh Tấn Phát đề xuất với Trung ương xây dựng Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 18/4/1983 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ Việt Nam trong giao đoạn mới”, Chỉ thị đã đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng ta về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, Chỉ thị số 17-CT/TW đã chỉ ra ba chức năng cơ bản của Mặt trận là: Tuyên truyền, giáo dục, phối hợp thống nhất hành động và phản ánh nguyện vọng, ý kiến của nhân dân; đồng thời, đề ra sáu nhiệm vụ cụ thể để thực hiện ba chức năng đó. Chỉ thị số 17-CT/TW của Đảng đã có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển của Mặt trận và còn có ý nghĩa thiết thực cho đến ngày nay.

Đầu năm 1993, đồng chí Lê Quang Đạo được điều sang chuyên trách công tác Mặt trận, với cương vị Bí thư Đảng đoàn và Ủy viên Đoàn Chủ tịch. Trên cương vị mới, đồng chí đã dành nhiều công sức, tâm huyết và trí tuệ cho công tác Mặt trận và sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, đồng chí đã cùng Đảng đoàn Mặt trận tham mưu cho Đảng xây dựng và ban hành Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị về “Đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất” với mục tiêu phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Nghị quyết đã cụ thể hóa Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp năm 1992.

Nghị quyết nêu bật quan điểm “Đảng là người lãnh đạo Mặt trận, vừa là thành viên của Mặt trận; phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc thực chất là phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thừa kế sự nghiệp vẻ vang của các tổ chức Mặt trận trước đây, tiếp tục giương cao ngọn cờ đoàn kết xây dựng và bảo vệ đất nước theo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Nghị quyết số 07-NQ/TW ra đời đã tạo bước ngoặt cho sự tăng cường đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận trong công cuộc đổi mới đất nước. Đây là Nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, thể hiện tư duy đổi mới sâu sắc của Đảng về công tác mặt trận trong thời kỳ mới, mang tính định hướng cho Quốc hội trong việc xây dựng Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau này.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IV (tháng 8-1994), đồng chí Lê Quang Đạo được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong các năm 1993 và 1994, cùng với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí đã tích cực nghiên cứu và ra Thông tri “Về cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” ngày 3/5/1995, hướng công tác Mặt trận về cơ sở xã, phường, góp phần phát huy tinh thần yêu nước, ý thức dân chủ, tự chủ, tự quản, tinh thần chủ động, tích cực của nhân dân trong xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư; đồng thời cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Luật Quốc tịch và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - những văn bản mang tính định hướng để tiếp tục nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đặc biệt là toàn bộ những vấn đề cơ bản về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa X thông qua ngày 12/6/1999 là mốc son, là nền tảng pháp lý mở ra một thời kỳ mới để Mặt trận chủ động đổi mới về tổ chức và hoạt động, góp phần thực hiện dân chủ, xây dựng xã hội lành mạnh, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Đồng chí Lê Quang Đạo cũng rất quan tâm tới công tác tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, coi đây là tiền đề và điều kiện để đổi mới Mặt trận. Theo đồng chí: Mặt trận cần phát huy vai trò lịch sử trong giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng đất nước với những nhiệm vụ nặng nề, mới mẻ chưa từng có trong lịch sử dân tộc, những kinh nghiệm của ngày hôm qua tuy rất quý báu nhưng không đủ sức giải đáp được những vấn đề mới đang đặt ra. Nếu không đầu tư nghiên cứu lý luận, đặt công tác Mặt trận trên cơ sở khoa học, thực tiễn và pháp lý thì công tác Mặt trận sẽ tụt hậu so với sự phát triển của đất nước.

Với 17 năm tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 năm giữ chức vụ Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1994 - 1999), những đóng góp của đồng chí Lê Quang Đạo về lý luận, thực tiễn cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt trong bối cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới thì sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận cần tiếp tục được phát huy hiệu quả, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, quá trình tham gia cách mạng lâu dài và gian khổ, trải qua nhiều lĩnh vực hoạt động công tác khác nhau đã đem lại cho đồng chí Lê Quang Đạo vốn sống phong phú, kiến thức sâu rộng và phương pháp công tác linh hoạt, sáng tạo. Là một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, quân đội và Mặt trận, ở cương vị công tác nào, đồng chí Lê Quang Đạo cũng cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng chung. Do năng lực tư duy sắc sảo, nhậy bén và giầu kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí đặc biệt quan tâm phát triển công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Qua các tác phẩm mà đồng chí để lại, có thể khẳng định, đồng chí Lê Quang Đạo đã có đóng góp to lớn cho công tác tư tưởng, lý luận của Đảng ta.

Trong các tác phẩm, bài nói, bài viết của đồng chí đều mang tính lý luận sắc sảo, luôn xuất phát từ thực tiễn, từ những vấn đề bức xúc nảy sinh trong cuộc sống được đồng chí khái quát lên thành những vấn đề lý luận, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn. Tác phong thận trọng, tỉ mỉ, nghiêm túc trong khi viết các văn bản, nhất là văn bản có tính lý luận, các tham luận khoa học là nét nổi bật trong phong cách làm việc của đồng chí. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khi tiếp đồng chí U-đôm Khát-ti-nhạ, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào dự Đại hội IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nói: "Đồng chí Lê Quang Đạo là lão thành cách mạng, là nhà lý luận của Đảng chúng tôi" (trích: Lê Quang Đạo (1921-1999), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 466).

Với những đóng góp to lớn đó, đồng chí Lê Quang Đạo hoàn toàn xứng đáng với sự đánh giá cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: "Đồng chí Lê Quang Đạo là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng chí đã đi trọn cuộc đời một cách vẻ vang và để lại cho chúng ta tấm gương về cuộc đời cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người đầy lòng vị tha, ham học hỏi, giầu trí tuệ, rất mực khiêm tốn, sống giản dị, trong sáng và chu đáo, chân thành và thủy chung, gần gũi và đoàn kết với mọi người".