Những đóng góp của đồng chí Hoàng Quốc Việt đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Tưởng niệm 29 năm Ngày mất của đồng chí Hoàng Quốc Việt - người có nhiều công lao đóng góp quan trọng trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc qua các thời kỳ cách mạng, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đã đến dâng hương và cùng sẻ chia, tưởng nhớ công lao của đồng chí Hoàng Quốc Việt tới sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thông báo thời gian kết thúc đợt vận động, tiếp nhận ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực dâng hương tưởng nhớ đồng chí Hoàng Quốc Việt
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực dâng hương tưởng nhớ đồng chí Hoàng Quốc Việt 

Nhân dịp này, Ban Biên tập trân trọng giới thiệu bài viết về "Đồng chí Hoàng Quốc Việt với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc" của PGS,TS Trần Minh Trưởng.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên khai sinh là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28-5-1905 ở làng Đáp Cầu, tổng Đỗ Xã, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Là một thanh niên sớm có tinh thần yêu nước, ngay từ khi là học sinh của Trường Bách Nghệ Hải Phòng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã giác ngộ cách mạng, đi theo con đường cứu nước do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo, nhằm giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trải qua những năm tháng hoạt động cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, đồng chí đã từng bước trưởng thành và trở thành một trong những nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Với 87 tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục (1928-1992), đồng chí được phân công giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước và các Đoàn thể, như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Liên hiệp Công đoàn thế giới, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII… Đặc biệt, đồng chí có nhiều công lao đóng góp quan trọng trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc qua các thời kỳ cách mạng, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Với những công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt (đứng giữa) _ ảnh tư liệu 

1. Đồng chí Hoàng Quốc Việt với những cống hiến xuất sắc trong việc xây dựng Mặt trận đại đoàn kết toàn dân tộc

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, về vai trò của Mặt trận đoàn kết dân tộc trong thực thi đường lối chiến lược cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có sự bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và trong kháng chiến chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí luôn quan niệm sức mạnh của cách mạng là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; phải xuất phát từ lợi ích của dân tộc, của đất nước, của nhân dân để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Thể hiện trong thời kỳ vận động tiến tới Cách mạng tháng Tám, thực hiện chủ trương của Đảng xây dựng Mặt trận Việt Minh, đoàn kết tất cả các lực lượng để tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tích cực chỉ đạo, vận động các đoàn thể quần chúng, các đảng phái... tham gia sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc, tạo nên sức mạnh, đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện chiến lược xây dựng Mặt trận trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ đạo, phải coi công tác Mặt trận là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng, đồng chí nói: “Mặt trận là một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến kiến quốc, là cơ sở quần chúng rộng rãi làm thành một áo giáp vững bền của Đảng để đánh thắng bọn xâm lược và tay sai của chúng”[1]. Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng trong kháng chiến, còn nhằm chống lại âm mưu của địch hòng chia rẽ dân tộc, tôn giáo, lôi kéo quần chúng, làm suy yếu lực lượng kháng chiến của ta. Làm tốt công tác Mặt trận, sẽ phát huy được sức mạnh toàn dân, đoàn kết mọi lực lượng dưới sự lãnh đạo của Đảng để kháng chiến thắng lợi, củng cố chính quyền, xây dựng dân chủ mới. Để tập hợp đoàn kết toàn dân trong tổ chức Mặt trận, phải “tích cực thi hành chính sách Mặt trận của Đảng"[2].

Là người trực tiếp chỉ đạo công tác Mặt trận, nhằm củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tích cực chăm lo, xây dựng, củng cố Mặt trận về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng chí phê bình một số cán bộ đảng viên và tổ chức Đảng đã có tư tưởng và thái độ không đúng đối với công tác Mặt trận, coi thường công tác Mặt trận. Đồng chí chỉ ra nguyên nhân của khuyết điểm trên là do một số cán bộ, đảng viên đã không hiểu rõ chính sách bạn đồng minh của Đảng, chưa rõ chính sách đối với các tầng lớp nhân dân trong giai đoạn kháng chiến để vận động, đoàn kết, giáo dục quần chúng nhân dân thành một lực lượng mạnh mẽ, một lợi khí để đánh tan quân thù và để xây dựng đất nước; cán bộ làm công tác Mặt trận và dân vận chưa được rèn luyện trong đấu tranh cách mạng, còn thiếu quan điểm quần chúng; một số tổ chức Đảng chưa biết dùng Mặt trận làm trường học rộng rãi để gần gũi, giáo dục các tầng lớp nhân dân, học hỏi nhân dân, nên chưa động viên được thật đông đảo các tầng lớp trí thức, tư sản, địa chủ yêu nước giúp sức, giúp của cho kháng chiến; nhiều cán bộ, đảng viên còn có sự hiểu lầm rằng công tác Mặt trận không liên quan đến công tác Đảng. Thực tế đã chứng minh rằng: “Ở địa phương nào chú ý đến công tác Mặt trận, dân vận thì cơ sở Đảng, chính quyền, quân đội ở nơi ấy mạnh, nhân dân hăng hái thi đua làm mọi việc. Trái lại, nơi nào, công tác Mặt trận, dân vận kém thì mọi mặt đều kém”1. Đồng chí Hoàng Quốc Việt nhấn mạnh: Ban lãnh đạo Mặt trận phải có đủ các thành phần đại diện cho các tầng lớp nhân dân và phải hoạt động theo đúng nguyên tắc của Mặt trận. Mặt trận phải có cương lĩnh cụ thể. Để làm tròn nhiệm vụ, Mặt trận phải được củng cố và phát triển theo hai hướng: Một là, phải vận động các tầng lớp tư sản, trí thức, địa chủ, các tôn giáo, dân tộc tham gia đông đảo vào Mặt trận. Hai là, phải xây dựng vững chắc các tổ chức chính của Mặt trận như, Công đoàn, Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên Cứu quốc.

Từ lý luận vận dụng vào thực tiễn cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đưa ra quan điểm về tổ chức Mặt trận: Đảng là người lãnh đạo Mặt trận, song về tổ chức thì Đảng là một bộ phận trong Mặt trận, cho nên sau khi mọi chủ trương của Đảng đưa ra, được Mặt trận tán thành, thì Đảng cũng như mọi tổ chức khác trong Mặt trận phải thi hành. Việc Đảng sinh hoạt và đứng trong Mặt trận, là thành viên hạt nhân của Mặt trận, không những không làm cho Mặt trận lu mờ, mà còn đề cao vai trò chính trị của Mặt trận, làm cho khối đoàn kết dân tộc lớn mạnh thêm. Phương thức ấy cũng không làm mất uy tín của Đảng, mà càng làm cho vai trò lãnh đạo của Đảng được đề cao. Đồng chí nêu lên phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận:

Thứ nhất, Đảng cần đưa ra một chương trình chung cho Mặt trận, tức là chương trình tối thiểu của Đảng. Chương trình ấy phải được các bộ phận trong Mặt trận nghiên cứu, thảo luận và nhất trí.

Thứ hai, Đảng lãnh đạo Mặt trận bằng cách dùng Đảng đoàn vận động; lấy danh nghĩa Đảng công khai đề nghị với Mặt trận. Đồng chí cho rằng: "Nếu chúng ta chỉ đưa ra một chương trình không thôi mà chưa làm cho các tổ chức, các giai tầng trong Mặt trận tán thành, chưa biến được chương trình ấy thành ý nguyện chung của Mặt trận, của nhân dân thì chính sách của Đảng không thể thực hiện được"1.

Thứ ba, phải củng cố khối liên minh công nông - cơ sở của Mặt trận dân tộc thống nhất; phải làm cho tổ chức Công đoàn và Hội Nông dân được đề cao trong Mặt trận và có sự quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau trong công tác. Đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng nêu lên yêu cầu có tính nguyên tắc đối với Đảng: "Trong quá trình lãnh đạo Mặt trận, Đảng phải thực hiện tốt nguyên tắc giữ vững sự độc lập về tổ chức của Đảng. Trong khi liên minh với các đảng phái khác, không bao giờ Đảng hòa vào trong khối liên minh ấy, xóa nhòa tổ chức của mình. Đảng phải có chương trình rõ ràng (tối đa và tối thiểu), luôn luôn tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin trong Đảng để giác ngộ giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân. Đảng phải thực hiện tốt những nguyên tắc trên thì mới làm cho Đảng xứng đáng là lực lượng tổ chức và lãnh đạo của Mặt trận, là linh hồn của khối đại đoàn kết"1.

Đối với cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, Đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ đạo: Cán bộ phải có thái độ hòa nhã, khiêm tốn, cùng bàn bạc giúp đỡ quần chúng nhân dân trong mọi công việc; thật thà tự phê bình và phê bình để tiến bộ; dùng tình cảm, lý trí và quyền lợi thiết thực để vận động nhân dân; phải đi sâu tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc của nhân dân, tôn trọng ý kiến của nhân dân, học những cái hay của dân; phải kiên trì, nhẫn lại trong việc tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân. Có như vậy mới được dân tin, dân phục, dân yêu, mới hoàn thành được nhiệm vụ củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, tổ chức và động viên toàn dân đánh đuổi đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ mới.

2. Đồng chí Hoàng Quốc Việt với việc chỉ đạo củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc 

Là người trực tiếp phụ trách công tác Mặt trận và công tác dân vận của Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đề xuất nhiều ý kiến quan trọng với Đảng và Bác Hồ nhằm xây dựng khối đoàn kết toàn dân, phục vụ cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Để thu hút và kết nạp những tầng lớp nhân dân yêu nước còn đứng ngoài Mặt trận Việt Minh, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thành lập Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt). Một Ban vận động thành lập Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam được thành lập với sự tham gia của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Hội Liên Việt ra đời đúng lúc đã  liên  kết  được mọi tầng lớp nhân dân yêu nước, cả thân sĩ, địa  chủ  yêu  nước, các tôn giáo, dân tộc thiểu số..v.v. Với tổ chức này, khối đoàn kết toàn dân tộc được mở với biên độ rộng rãi, nhưng vẫn bảo đảm cái hạt nhân lãnh đạo là công – nông – trí dưới sự  lãnh đạo của Đảng.

Để thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận trong giai đoạn kháng chiến ngày càng quyết liệt, cùng với chính sách đại đoàn kết được đề ra trong chương trình hành động, Mặt trận Liên Việt còn đưa ra những chủ trương hành động cụ thể. Về đối ngoại, Mặt trận liên hiệp với nhân dân Pháp, chống phản động thực dân Pháp; đoàn kết với nhân dân Lào, Campuchia và thân thiện với các dân tộc yêu chuộng tự do, hòa bình trên thế giới. Về đối nội, Mặt trận thực hiện đoàn kết chặt chẽ toàn dân; hiệu triệu, cổ vũ quân dân làm cho cuộc kháng chiến “thật là của toàn dân”.

Kháng chiến càng gần thắng lợi càng đòi hỏi phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là đồng chí Hoàng Quốc Việt, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam đã phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong  công cuộc kháng chiến, kiến quốc của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Tháng 9-1955, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc, thay mặt Đoàn Chủ tịch Mặt trận, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã trình bày bản dự thảo Cương lĩnh và Điều lệ mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội đã nhất trí thông qua bản Cương lĩnh gồm 10 điểm, thể hiện tinh thần đoàn kết rất rộng rãi và rất thiết thực”. Sự ra đời Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền là một sự kiện chính trị trọng đại và là một thắng lợi lịch sử của nhân dân cả nước. Mặt trận Tổ quốc trở thành ngọn cờ đoàn kết tập hợp nhân dân cả nước và nhân dân tiến bộ thế giới, chĩa mũi nhọn, cô lập đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Cương lĩnh và Điều lệ mới của Mặt trận được Đại hội thông qua là cơ sở dẫn dắt nhân dân miền Bắc tiến lên theo con đường dân chủ mới; tạo niềm tin cho đồng bào miền Nam tiếp tục tiến lên hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Thành công của Đại hội có đóng góp tích cực và to lớn của đồng chí Hoàng Quốc Việt.

Theo sát yêu cầu và nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước nêu cho từng thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt, công tác chính trị, tư tưởng của Mặt trận và của các tổ chức thành viên đã kịp thời góp phần động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi, các cuộc vận động thi đua yêu nước, làm dấy lên khí thế cách mạng sôi nổi, huy động hàng triệu người hăng hái tham gia chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm nảy nở ngày càng nhiều tập thể và cá nhân anh hùng và chiến sĩ thi đua trong sản xuất và chiến đấu.

Phong trào “kết nghĩa Bắc – Nam” và phong trào “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” được Mặt trận Tổ quốc thường xuyên hướng dẫn và cổ vũ, đã động viên được đông đảo các tầng lớp nhân dân khắp mọi ngành, mọi địa phương tích cực hưởng ứng bằng các hình thức hoạt động phong phú và thiết thực. Bên cạnh đó, nhiều hình thức hoạt động phong phú như: Đại hội chống Mỹ, cứu nước, đại hội liên hoan dân tộc, hội nghị đảng viên tích cực của Đảng Dân chủ, tổ chức kết nghĩa giữa các đơn vị sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác… đã củng cố và mở rộng thêm khối đoàn kết toàn dân, thắt chặt các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Cùng với những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí còn góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết quốc tế. Đồng chí là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung và đã có nhiều đóng góp vào việc củng cố và phát triển tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Trung Hoa. Đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng rất coi trọng đoàn kết, hợp tác với các nước XHCN anh em, các nước dân chủ nhân dân, các lực lượng dân chủ hòa bình trên thế giới, nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các nước đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Qua đó, đồng chí đã góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tình đoàn kết quốc tế trong sáng giữa nhân dân lao động các nước trên thế giới.

3. Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương mẫu mực về đoàn kết toàn dân tộc

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám (5-1941) đồng chí Hoàng Quốc Việt được cử làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Thực hiện chủ trương chiến lược của Hội nghị Trung ương lần thứ tám, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương đã ngày đêm lăn lộn với phong trào cách mạng của quần chúng, vượt qua sự khủng bố ác liệt của kẻ thù, bám sát tình hình, kịp thời chỉ đạo xây dựng Mặt trận Việt Minh, phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tháng 8 - 1945, với tư cách là đặc phái viên của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, đồng chí Hoàng Quốc Việt được phái vào Nam hoạt động. Đồng chí đã truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương đến lãnh đạo các địa phương về chính sách của Đảng, của Mặt trận Việt Minh một cách kịp thời, đầy đủ. Trong bối cảnh phức tạp của tình hình Nam Bộ, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã cùng với Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam Bộ giải quyết hàng loạt công việc cấp bách, xây dựng củng cố lực lượng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đầu năm 1946, đồng chí Hoàng Quốc Việt được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ phụ trách công tác dân vận, mặt trận, đồng chí đã cùng với Trung ương hoạch định chủ trương, đường lối và tổ chức thực hiện xuất sắc mục tiêu “thêm bạn bớt thù”, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, tập hợp, đoàn kết các dân tộc, đảng phái, tôn giáo vì lợi ích tối cao của đất nước. Đồng chí là người có công lớn trong việc hợp nhất Mặt trận Việt Minh – Liên Việt, góp phần vào việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần “một dân tộc, một mặt trận”. Qua thực tiễn lãnh đạo công tác Mặt trận trong kháng chiến, đồng chí đã nêu lên 5 nguyên tắc cơ bản trong tổ chức hoạt động của Mặt trận dân tộc thống nhất: Thương lượng, dân chủ, thống nhất hành động, tôn trọng tính độc lập của tổ chức, thân ái hợp tác giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Trên cương vị Trưởng ban Dân vận Trung ương, đồng chí Hoàng Quốc Việt trực tiếp tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân vận, làm cho toàn dân đoàn kết, tham gia kháng chiến, ủng hộ Chính phủ, ủng hộ bộ đội. Thực hiện lời căn dặn của Người: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, trong công tác vận động quần chúng, đồng chí đặc biệt quan tâm đến những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, tín đồ các tôn giáo, nhằm tranh thủ ảnh hưởng, uy tín của họ có lợi cho phong trào.

Trên cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí đã luôn đề cao trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, tổ chức các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc. Bằng nhiều hình thức phong phú và linh hoạt, bằng tài thuyết phục, sự giản dị, gần gũi với nhân dân của người chiến sĩ cộng sản lăn lộn lâu năm trong thực tiễn cách mạng đầy gian khổ hy sinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, làm cho Mặt trận thống nhất có cơ sở thật vững chắc và rộng khắp.

 Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động, làm nòng cốt và tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào quần chúng xây dựng và kiện toàn hệ thống chính quyền nhân dân trong cả nước, các phong trào thi đua yêu nước… Đồng chí Hoàng Quốc Việt không chỉ tham mưu, đề xuất với Trung ương, trực tiếp tham gia xây dựng chủ trương, chính sách lớn về công tác Mặt trận, mà còn là người chỉ đạo thực hiện những chủ trương, chính sách đó với tinh thần trách nhiệm cao, đầy nhiệt huyết của một nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm trong công tác Mặt trận. Nhờ chính sách mặt trận đúng đắn của Đảng, nhờ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã góp phần tích cực vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất, phát huy truyền thống yêu nước của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có thể nói, trên bất cứ cương vị nào, bất cứ nhiệm vụ gì được Đảng và nhân dân giao phó, đồng chí Hoàng Quốc Việt đều hoàn thành xuất sắc, đồng chí là tấm gương mẫu mực về tinh thần làm việc tận tụy, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến trọn đời. Đảng ta nhận định: “Đồng chí Hoàng Quốc Việt để lại cho chúng ta tấm gương sáng về một chiến sĩ cách mạng bất khuất, trung kiên, liêm khiết, giản dị, chân thành và cởi mở với đồng chí, đồng bào, đặc biệt quan tâm đến người lao động, tính nguyên tắc kết hợp với tính linh hoạt, rất nghiêm khắc nhưng rất khoan dung, được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta yêu mến và kính trọng”[3].

Trong bối cảnh, tình hình hiện nay, khi các thế lực thù địch trong và ngoài nước tăng cường tuyên truyền xuyên tạc, bài xích chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, hòng làm suy yếu lực lượng cách mạng; những quan điểm lý luận và chỉ đạo thực tiễn của đồng chí Hoàng Quốc Việt đã góp phần khẳng định những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng lực lượng cách mạng trong tình hình mới, đồng thời có giá trị thiết thực trong việc triển khai thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng hiện nay.

________________________________________

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 12, tr 186

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 12, tr 190

1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.189.

1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.210.

1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.215.

[3] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Hoàng Quốc Việt, Báo Nhân Dân, ngày 31-12-1992.