Nhân rộng những mô hình bảo vệ môi trường trong các tôn giáo

(Mặt trận) - Ngày 25/11, tại TP HCM, Ban Thường trực Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 43 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tổ chức Hội nghị Ký kết và triển khai Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)”.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Quang cảnh Hội nghị

Tới dự và chủ trì hội nghị có ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH; ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình; cùng lãnh đạo đại diện các tôn giáo nhiều tỉnh, thành phố.

Vẫn còn nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng

Trao đổi tại hội nghị, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cùng với áp lực từ công nghiệp hóa, đô thị hóa, chúng ta đang phải đối mặt với những vấn đề môi trường phức tạp, ảnh hưởng đến điều kiện sống và sức khỏe của nhân dân, trong đó nổi là các nguồn ô nhiễm gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động xấu lên môi trường, làm cho môi trường đất, nước, không khí nhiều nơi bị ô nhiễm. Thống kê cả nước hiện có 291 khu công nghiệp, 735 cụm công nghiệp đang hoạt động; 869 đô thị; gần 4 ngàn làng nghề, gần 14 ngàn trang trại chăn nuôi; hơn 4,1 triệu xe ô tô và hàng chục triệu xe mô tô, xe máy đang lưu hành; trên 13 ngàn cơ sở y tế; gần 120 ngàn cơ sở sản xuất công nghiệp; 30 nhà máy nhiệt điện than…

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội nghị

Ông Nhân khẳng định, những con số vừa thống kê trên, vẫn còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, các cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời. “Xu hướng dịch chuyển, hình thành mới các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường từ đô thị về các khu vực nông thôn. Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thứ phát từ các dự án sản xuất điện năng lượng mặt trời, dự án thủy điện. Ô nhiễm ở các làng nghề tồn tại lâu dài, chưa được giải quyết triệt để”, ông Nhân thông tin.

Đối với ô nhiễm không khí vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, nhiều khả năng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu.

Theo Ban Tổ chức, mục tiêu của Chương trình phối hợp này (giai đoạn 2022-2026) nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm BVMT, thích ứng với BĐKH của các tổ chức, cá nhân tôn giáo và nhân dân, thúc đẩy phong trào “Toàn dân tham gia BVMT”. Phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo tham gia BVMT và thích ứng với BĐKH, góp phần tích cực, chủ động trong thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia về BĐKH đến năm 2050. Đồng thời, khuyến khích các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo ủng hộ, tăng cường sử dụng, khai thác các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Phấn đấu đến hết năm 2026 có 100% các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đều biết đến và tích cực hưởng ứng Chương trình phối hợp…

Đặc biệt, chương trình phối hợp nhằm hướng đến việc chủ động thích ứng với BĐKH; hướng tới cuộc sống xã hội hài hoà với thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; từng bước phục hồi chất lượng môi trường…

Nhiều mô hình có sức lan toả

 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, từ 3 mô hình điểm do Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng vào năm 2016, trên cơ sở các hướng dẫn của Trung ương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương tuyên truyền, vận động và giúp đỡ các tổ chức tôn giáo xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình điểm về BVMT và ứng phó với BĐKH. Đến nay, cả nước đã có hơn 2000 mô hình thuộc 43 tổ chức tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Nhiều địa phương các tôn giáo đã có những mô hình hiệu quả, cách làm hay, tiêu biểu như tỉnh Bình Thuận với mô hình "Khu dân cư BVMT, ứng phó với BĐKH" vùng đồng bào theo đạo Bàlamôn; tỉnh Quảng Nam với mô hình “Tuyến đường tự quản về BVMT, ứng phó với BĐKH” của các cơ sở thờ tự tôn giáo trên địa bàn xã Cẩm Thanh, xã Cẩm Kim, phường Minh An, phường Cẩm Châu, phường Cửa Đại; mô hình "Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác BVMT" tại Chùa Long Quang, thị trấn Núi Thành. Trong khi đó, Thành phố Cần Thơ với mô hình“Xử lý rác thải, xây dựng lò đốt rác, trồng cây xanh, bình chữa cháy” ở Hảo Hòa Tự của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt; mô hình “Chủ động trong việc thu gom và xử lý rác thải đúng nơi quy định đảm bảo vệ sinh môi trường; trồng nhiều cây xanh, hoa kiểng tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp….

Đề cập đến những bài học, kinh nghiệm đối với nhiệm vụ trên, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, muốn phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH phải làm tốt xây dựng chương trình, kế hoạch với các mục tiêu, nội dung cụ thể, tránh chỉ nêu chung chung.

Ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh, cần cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu tuyên truyền về BVMT, ứng phó với BĐKH cho các tôn giáo. Việc 63/63 tỉnh, thành phố đều ký kết được Chương trình/Kế hoạch phối hợp bước đấu đã tạo sự lan tỏa và phát huy được trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân các tôn giáo tham gia Chương trình với gần 2000 mô hình của các tôn giáo đã được xây dựng, cần phải được tiếp tục phát huy, triển khai cụ thể hơn. “Để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của Chương trình phối hợp, cần triển khai đồng bộ giữa vận động, phân loại, thu gom, xử lý chất thải; có sự hỗ trợ về kinh phí, thông tin, tài liệu tuyên truyền của cơ quan nhà nước; sự quan tâm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp. Trên cơ sở đó mới huy động, thu hút được sự tham gia đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và của người dân trong cộng đồng; thu hút và xã hội hóa được các nguồn lực trong cộng đồng và nhất là của các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia đóng góp cho Chương trình”, Phó Chủ tịch gợi ý.