Nhân rộng các mô hình điểm trong các tôn giáo về bảo vệ môi trường

(Mặt trận) - Ngày 12/10, tại thành phố Vũng Tàu, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức về bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 20

Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam khảo sát thực tế tại Ninh Bình

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam

 

Tới dự có ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo (UBTƯ MTTQ Việt Nam); ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường); đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và 5 tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh.

Theo Ban tổ chức Hội nghị, ở Việt Nam, ô nhiễm môi trường, suy thoái và suy giảm tài nguyên, BĐKH nhanh và phức tạp đã, đang là những rào cản to lớn đối với quá trình phát triển bền vững đất nước.

Ô nhiễm nguồn nước nhất là nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư, các lưu vực sông chưa được khắc phục. Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn khó kiểm soát, xử lý, có nơi ngày càng trở nên trầm trọng.  Ô nhiễm không khí trong các đô thị lớn diễn biến phức tạp tại một số thời điểm và một số nơi, chỉ số chất lượng không khí (AQI) vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Trong khi đó, BĐKH diễn biến nhanh, phức tạp, ngày càng khó lường. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề do BĐKH. Ước tính, nếu mực nước biển dâng 1 m và không có các giải pháp ứng phó, khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,5% diện tích các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,8% diện tích TP HCM, 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập.

Tình trạng thiên tai, khí hậu cực đoan do BĐKH xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn, khốc liệt hơn, khó dự báo hơn. Lũ ống, lũ quét xảy ra ở Miền núi phía Bắc, hạn hán diễn ra gay gắt tại các tỉnh Tây Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có ở đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, gần 5 năm qua, kể từ sau Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức năm 2015 tại thành phố Huế, các tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo tại Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai hiệu quả những nội dung, mục tiêu giải pháp trong Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về BVMT, ứng phó với BĐKH giai đoạn 2015 - 2020.

Để phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực mong muốn các tôn giáo cần: Tâm huyết, thiện nguyện, vì đất nước, vì cộng đồng, vì nhân loại tự giác tham gia.

Bằng những giá trị tinh thần tốt đẹp trong giáo lý của mình cùng với những thông tin, kiến thức về BVMT, ứng phó với thiên tai, tình trạng khẩn cấp, cứu nạn, cứu trợ nhân đạo sẽ tích cực tuyên truyền trong các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào tôn giáo và nhân dân thực hiện. Đó là việc làm cụ thể thể hiện tốt đời, đẹp đạo, gắn đạo với đời, lấy đạo giúp đời.

Ông Ngô Sách Thực lưu ý, cần làm tốt việc hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng cho cán bộ Mặt trận, đoàn thể, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo để ứng dụng vào thực tiễn, từ xây dựng mô hình điểm nhân rộng trong các tôn giáo trong cả nước, toàn xã hội. Thường xuyên rút kinh nghiệm truyền đạt về nội dung, hình thức, phương pháp cho phù hợp với từng đối tượng để đạt hiệu quả tác dụng chuyển biến từ nhận thức đến hành động.

“Phát huy nguồn lực các tôn giáo tham gia vào chương trình, trước hết là khả năng sẵn có của từng tôn giáo, giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, thân thiện với môi trường, tất cả vì con người của mỗi tôn giáo, có sự hỗ trợ một phần của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và sự vào cuộc của toàn dân, tạo nên sức mạnh chung…”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.