(Mặt trận) - Với trách nhiệm cùng cả hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ môi trường, vai trò của MTTQ càng phải rõ nét hơn, trách nhiệm hơn và tập hợp, khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên. Đó là nội dung mà Ủy ban MTTQ Việt Nam 5 thành phố tập trung thảo luận tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và Tọa đàm “Giải pháp vận động người dân không xả rác, thực hiện phân loại rác tại nguồn” chiều 13/7.
|
Chủ trì Hội nghị |
Dự và chủ trì Hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, Cụm trưởng Cụm thi đua; bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cùng đại biểu tại các điểm cầu thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp.HCM, Cần Thơ.
|
Đại biểu tại các điểm cầu |
Đưa ra các giải pháp vận động người dân không xả rác và thực hiện phân loại rác tại nguồn, bà Phan Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố HCM cho biết, qua gần hai năm triển khai CVĐ “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” có vận động được hơn 1,3 triệu hộ dân ký cam kết không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định vì thành phố văn minh – sạch đẹp – an toàn; 100% phường, xã , thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân về vấn đề vệ sinh môi trường với hơn 4000 cuộc đối thoại cấp quận, huyện và phường, xã, thị trấn, 24/24 quận huyện trên địa bàn thành phố đều đã triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin, kế quả đã tiếp nhận và giải quyết hơn 13000 ý kiến phản ánh của người dân. Đặc biệt, trong đó có 91 điểm đen về môi trường đã được chuyển hóa thành điểm sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, khu vui chơi cho thanh thiếu nhi. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã có một số mô hình, công trình, giải pháp tiêu biểu như: Mô hình “Phủ xanh tuyến hẻm”; “Gạch sinh thái”; “Biến mảng tường cũ thành tranh tuyên truyền”; Công trình “Nạo vét, gia cố bờ kè thành công viên”; “Trang bị thùng rác công cộng nhằm giảm thiểu việc vứt, bỏ rác không đúng nơi quy định”…
Hà Nội được biết đến là một trong những thành phố tiên phong trong công tác BVMT, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, đến nay 4.924 khu dân cư trên địa bàn Thủ đô đều có mô hình bảo vệ môi trường. Nhiều địa phương đã hình thành “KDC tự quản bảo vệ môi trường”, “Tuyến đường tự quản”,…gắn với việc thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” có hiệu quả. Các khu dân cư đã tổ chức cho hầu hết các hộ dân ký cam kết thực hiện vệ sinh môi trường gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong đó, Ban CTMT ở khu dân cư được phân công phụ trách thường trực việc triển khai thực hiện, các thành viên Ban Công tác Mặt trận vừa tích cực tuyên truyền, vừa gương mẫu đi đầu tham gia làm tổng vệ sinh định kỳ vào mỗi sáng thứ 7, chủ nhật đường làng ngõ xóm, khu dân cư, khơi thông cống rãnh, hệ thống thoát nước, dọn vệ sinh khu vực công cộng, trồng cây xanh; phân loại rác thải ngay tại gia đình, tập kết rác đúng nơi quy định, duy trì thực hiện đoàn đường tự quản, khu sân chơi xanh, sạch, đẹp, biến các chân rác thành tường hoa…
“Hướng về cơ sở, xây dựng mô hình bảo vệ môi trường, các tổ tự quản về bảo vệ môi trường, phát huy vai trò giám sát của người dân trong thu gom rác thải đã được Mặt trận thành phố Hà Nội triển khai sâu rộng. Việc thu gom rác thải đã đi vào nề nếp. Theo thống kê, ở ngoại thành Hà Nội có đến 89%, nội thành là 100% rác thải đã được thu gom, xử lý; các hoạt động tổng vệ sinh môi trường vào cuối tuần được quán triệt sâu sắc, góp phần nâng cao vai trò Ban Công tác Mặt trận ở KDC, đặc biệt là nêu cao vai trò của mỗi gia đình”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Đồng quan điểm để đưa ra các giải pháp BVMT, ông Đỗ Tràng Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng lại cho rằng, để xử lý dứt khoát vấn đề rác thải, ngoài sự tham gia của người dân còn có vai trò quan trọng của Nhà nước trong quản lý, xử lý rác thải, xây dựng đô thị văn minh. Nhà nước và người dân cùng nhau xây dựng và triển khai các mô hình ngay tại cộng đồng với sự tham gia trực tiếp của người dân, Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội ở khối phố, khu dân cư, tổ dân phố có vai trò dẫn dắt và giám sát hoạt động này.
Ông Đỗ Tràng Thành đề nghị, trong quá trình triển khai công tác BVMT, cần chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc ứng xử với rác thải sinh hoạt, coi rác thải giống như giặc và chống ô nhiễm môi trường từ rác thải như chống giặc, dần thay đổi hành vi và thói quen giản đơn về rác, xem thường và coi thường rác, đồng thời cần có các giải pháp đồng bộ trong việc quản lý, xử lý rác thải và rác thải sinh hoạt.
Chia sẻ về vai trò của Mặt trận các cấp trong triển khai thực hiện mô hình “KDC thân thiện môi trường”, thực hiện phân loại rác tại nguồn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Lê Văn Minh cho biết, để góp phần nâng cao ý thức của người dân, Mặt trận và các hội đoàn thể đã tổ chức nhiều buổi phát động phong trào chống rác thải nhựa, các hội nghị tuyên truyền công tác thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và tuyên truyền sâu rộng đến từng gia đình thông qua các buổi họp tổ dân phố để người dân hiểu, có trách nhiệm, góp phần thực hiện tốt công tác phân loại rác tại nguồn. Các Ban CTMT phối hợp với ban điều hành tổ dân phố treo pano tại các địa điểm thuận lợi, dễ nhìn tại các khu dân cư, cấp phát sổ tay tuyên truyền, hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; phát tờ dán cho từng hộ gia đình để biết và thực hiện; đồng thời phối hợp với tổ trưởng tổ dân phố cung cấp túi đựng rác cho các hộ gia đình.
Điểm nhấn trong công tác vận động bảo vệ môi trường của Mặt trận Tổ quốc thành phố là vận động các tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo trên địa bàn thành phố đã ký kết Chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở chương trình ký kết, các tôn giáo tổ chức các buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong phật tử, giáo dân, đạo hữu… tham gia phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, trồng cây xanh, tiết kiệm điện, dọn vệ sinh môi trường, không cúng rải vàng mã, không để vương vãi gạo muối, hương đèn ra đường gây mất mỹ quan,…
Nhắc đến vai trò của cán bộ Mặt trận trong vận động nhân dân thu gom rác thải đô thị và nông thôn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ Tống Văn Nghị cho biết, MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố phối hợp xây dựng 724 mô hình điểm về thực hiện CVĐ “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh”, trong đó có 324 mô hình liên quan đến bảo vệ môi trường. MTTQ đã phối hợp vận động nhân dân xây dựng 161 tuyến đường sáng - xanh - sạch -đẹp, trồng hơn 55.000 cây hoa kiểng các loại, phối hợp lắp đặt 1.470 thùng chứa rác công cộng, thùng ủ rác thành phân hữu cơ… tổng gía trị gần 2,9 tỷ đồng.
“Có được những kết quả này, Mặt trận thành phố đã huy động sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo và đông đảo quần chúng nhân dân đã tích cực tham gia hưởng ứng, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Nghị nhấn mạnh.
Hương Diệp - ảnh Kỳ Anh