Nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân

(Mặt trận) - Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục phòng, chống đại dịch Covid-19; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trao đổi với báo chí, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho biết, với sự chuẩn bị kỹ nội dung kỳ họp, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ thể hiện cao tinh thần trách nhiệm của mình trước nhân dân, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép” năm 2020.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

 

PV: Thưa ông, qua tiến hành tổng hợp báo cáo kiến nghị cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 9, xin ông cho biết vấn đề nào được nhân dân quan tâm, phản ánh, gửi gắm nhiều nhất tới Quốc hội?

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực: Qua các hình thức tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân thấy rằng, tâm nguyện của cử tri và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời đã giải quyết kịp thời các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, Nhà nước, kịp thời có 2 gói hỗ trợ sản xuất - kinh doanh và an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chạm đến trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Toàn dân đã hưởng ứng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, lan tỏa những phẩm chất, nghĩa cử, việc làm tốt đẹp vì cộng đồng, thương người như thể thương thân, hơn cả thương thân. Các cây “ATM” gạo, phiên chợ “không đồng”, xuất cơm “tình nghĩa”; hình ảnh các cụ già mang tiền tiết kiệm, trẻ em mang tiền mừng tuổi, có người hiến cả đất, các doanh nhân, dân tộc, tôn giáo, văn nghệ sĩ, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài tại Việt Nam. Tất cả đã tích cực hưởng ứng thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ủng hộ phòng, chống dịch, thể hiện trên dưới một lòng, niềm tin và tự hào về Việt Nam.

Tuy nhiên, nhân dân còn lo lắng trước những thách thức, khó khăn về suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu, một số lĩnh vực về an ninh, trật tự; bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông; lo ngại virus trì trệ, tư duy nhiệm kỳ, không dám nghĩ dám làm; bức xúc trước một số người lợi dụng, trục lợi trong khi cả nước và toàn dân đang chống dịch. Nhân dân mong muốn cần nhân lên hơn nữa tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, kỷ cương phép nước, “chống dịch như chống giặc” vừa qua để thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép”.

Kỳ họp này diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều vùng trong cả nước còn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vấn đề phát triển kinh tế, lo cho người dân là vấn đề quan trọng được đặt ra ở kỳ họp lần này. Là đại biểu Quốc hội, theo ông chúng ta cần tập trung vào những giải pháp nào để lo cho dân?

- Dịch bệnh đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể đã ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập của người lao động. Bên cạnh đó, người dân còn phải đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, chưa từng có trong lịch sử ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hạn hán ở Tây Nguyên đã gây thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước phục vụ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Dân tộc ta có truyền thống yêu nước nồng nàn, trong khó khăn càng thể hiện bản lĩnh, khát vọng vươn lên. Trong lúc này, thấu hiểu với những khó khăn, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp là thượng sách để phát triển. Thực tiễn người dân có rất nhiều cách làm sáng tạo, vừa qua trong “nguy” có “cơ”, Việt Nam ta đã chuyển nhiều nguy cơ, thành thời cơ. Vì vậy, tôi mong muốn kỳ họp này Quốc hội, Chính phủ cần tính toán kỹ lưỡng để đưa phương án phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, gắn liền với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho phù hợp, hiệu quả. Triển khai nhanh các gói hỗ trợ trợ của Chính phủ để phát huy tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Vấn đề cốt lõi vẫn là cải thiện môi trường đầu tư sản xuất - kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia. Muốn có chỉ số hấp dẫn về môi trường đầu tư phải thực hiện các giải pháp đột phá về thể chế, cả về thủ tục hành chính, chất lượng phục vụ, tháo gỡ những ách tắc, phiền hà; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, đa dạng hóa thị trường; phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đều nhấn mạnh phải khắc phục cho được tình trạng “quyền anh, quyền tôi”. Do đó, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức, cơ quan, đơn vị hơn bao giờ hết phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch. Đồng thời Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm các hình thức công khai, minh bạch để người dân giám sát, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến, phục vụ tốt hơn nữa đối với người dân, doanh nghiệp.

Một vấn đề mà nhiều cử tri bức xúc là có những kiến nghị được gửi đến Quốc hội từ kỳ họp này sang kỳ họp khác song chưa được giải quyết. Vậy làm sao để giải quyết vấn đề này, thưa ông?

- Ý kiến, nguyện vọng của cử tri và nhân dân trước mỗi kỳ họp Quốc hội được tổng hợp, phản ánh đầy đủ, được gửi đến các cấp có thẩm quyền để giải quyết. Qua theo dõi, đôn đốc của Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc các cơ quan, bộ, ngành, địa phương giải quyết các ý kiến của cử tri và nhân dân được thực hiện ngày càng có trách nhiệm hơn, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp này đã có 95% ý kiến được giải quyết. Tuy nhiên, một số ý kiến, kiến nghị về giải quyết ô nhiễm môi trường, nạn phá rừng, cát tặc…qua nhiều kỳ kiến nghị tuy đã có chỉ đạo thực hiện nhưng chuyển biến chậm, giảm chỗ này lại tăng chỗ khác. Vấn đề này cần có giải pháp tổng thể, đặc biệt phải gắn và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa bàn, lĩnh vực được giao trách nhiệm quản lý. Có biện pháp kinh tế giảm sinh lợi từ các hoạt động này, xử lý nghiêm cả hành chính, hình sự, kinh tế chủ mưu vi phạm.

Theo chương trình thì tại kỳ họp này Quốc hội sẽ không tiến hành chất vấn trực tiếp. Vậy làm sao để giám sát được trách nhiệm của các tư lệnh ngành, thưa ông?

- Trong bối cảnh những tháng đầu năm 2020 cả nước, toàn dân tập trung thực hiện phòng, chống dịch có hiệu quả, kỳ họp này cũng phải đổi mới, tổ chức làm 2 đợt cho phù hợp với tình hình. Việc giám sát thực hiện trách nhiệm của các bộ trưởng và Chính phủ là việc làm thường xuyên, liên tục, không chỉ diễn ra tại kỳ họp của Quốc hội mà còn tại các kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, họp chuyên đề của các cơ quan của Quốc hội. Tại kỳ họp này Quốc hội cần quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm; các ý kiến gửi tới thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn đại biểu, đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần có văn bản cụ thể gửi người đứng đầu các bộ ngành. Các đại biểu theo trách nhiệm của mình dùng phiếu hoặc văn bản gửi tới người đứng đầu các bộ, ngành;  người đứng đầu các bộ, ngành tăng trách nhiệm giải trình bằng văn bản, công khai việc giải trình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cần có chỉ đạo thực hiện hiệu quả phương thức dân hỏi, bộ trưởng trả lời.

Trân trọng cảm ơn ông!