Một số vấn đề lý luận về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới

(Mặt trận) - Trong những ngày này, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức những hoạt động thiết thực tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023, dấu mốc cho giai đoạn đổi mới công tác Mặt trận hướng về cơ sở, đến từng cá nhân, hộ gia đình và mỗi cộng đồng dân cư, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thể hiện sinh động sự gắn bó mật thiết giữa lý luận và thực tiễn về xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Ông Hoàng Công Thuỷ - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam 

Chủ trương, đường lối và định hướng chiến lược của Đảng về nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn đổi mới là cơ sở khách quan cho sự hình thành Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Bước vào giai đoạn đổi mới đất nước, với yêu cầu đổi mới tư duy, thay đổi nội dung và phương thức lãnh đạo cho phù hợp với tình hình mới, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, từng bước xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI yêu cầu:

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động hướng mạnh về cơ sở, thu hút đông đảo nhân dân vào các phong trào cách mạng"1.

Ngày 27/3/1990, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 08B về đổi mới công tác quần chúng của Đảng tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân, trong đó Đảng ta đã xác định quan điểm “động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hoà các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân”2.

Nghị quyết cũng khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò to lớn trong việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”3; Nghị quyết yêu cầu các cấp ủy Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở phải xây dựng được phong trào hành động cách mạng rộng lớn trong mọi tầng lớp nhân dân.

Năm 1991, Đại hội VII của Đảng với tầm quan trọng đặc biệt, quyết định các nhiệm vụ nặng nề trước mắt và cả tiền đồ rộng lớn của cách mạng và của Đảng ta trong những thập niên tới. Nghị quyết nêu rõ:

“Đổi mới nội dung và cách thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, nhằm phát huy mọi tiềm lực vật chất, tinh thần và trí tuệ của tất cả các giai cấp và tầng lớp xã hội, tập hợp trong khối đại đoàn kết dân tộc, phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội”4.

Kế thừa và phát huy vai trò của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam trong mọi giai đoạn cách mạng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã xác định:

“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên, thực hiện dân chủ và đổi mới xã hội, giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân”5.

Triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, từng bước cụ thể hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nghị quyết hội nghị lần thứ II của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) đã nêu rõ:

“Mặt trận và các đoàn thể nhân dân có trách nhiệm tổ chức và vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia xây dựng pháp luật và chính sách, đóng góp ý kiến với cơ quan nhà nước các cấp; vận động nhân dân xây dựng các quy chế, quy ước trên địa bàn mà mình cư trú về các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ và lợi ích của công dân phù hợp với pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước; tham gia việc phổ biến pháp luật trong nhân dân và tổ chức phong trào hành động của quần chúng, làm cho pháp luật và các quyết định của Nhà nước được thực hiện có hiệu quả”6.

Trước yêu cầu đổi mới và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới, ngày 17/11/1993, Bộ Chính trị (khóa VII) ban hành Nghị quyết chuyên đề số 07-NQ/TW về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất xác định:

“Mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc bằng các hình thức tập hợp đa dạng. Tổ chức và phát triển các phong trào quần chúng từ thấp đến cao, sáng tạo thêm nhiều hình thức hoạt động phù hợp với từng thành phần xã hội. Phát huy vai trò tích cực của những người tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo. Hướng hoạt động tới địa bàn dân cư xã phường và hộ gia đình”7.

Tập hợp những quan điểm trên, có thể khẳng định tư tưởng chỉ đạo, định hướng chiến lược của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới đất nước là nền tảng, kim chỉ nam cho định hướng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với những yêu cầu nội dung hành động thiết thực, hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo, chủ động và hiệu quả trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn dân ở tầm cao, chiều sâu mới, nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ trong sự phát triển của lịch sử dân tộc, góp phần giữ vững độc lập thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự và chung vui cùng bà con nhân dân tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc liên địa bàn dân cư phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội tháng 11/2022 

Tư duy sáng tạo, linh hoạt trong hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào quá trình hình thành và phát triển của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Trên quan điểm, đường lối của Đảng, Đại hội IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1994) đánh dấu một quá trình hình thành tư duy mới về công tác Mặt trận. Đứng trước vận hội mới của đất nước, Đại hội xác định: "Đoàn kết, tập hợp mọi người trong đại gia đình Việt Nam, đem hết tinh thần và nghị lực tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho Tổ quốc phồn vinh, xã hội công bằng, gia đình hạnh phúc, con người tự do, đưa nước ta hòa nhập trào lưu tiến hóa chung của thời đại".

Với quan điểm đó, Đại hội đề xuất 12 Chương trình đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ đất nước; đồng thời xác định 8 giải pháp đổi mới phương thức hoạt động và củng cố, tăng cường Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Một trong tám giải pháp đã được Đại hội xác định:

"Coi trọng việc tổng kết thực tiễn, tạo mô hình, mở rộng đại diện về tổ chức hoạt động của Mặt trận cơ sở. Tiếp tục hướng mạnh về địa bàn dân cư xã, phường và hộ gia đình, giúp cơ sở đẩy mạnh phong trào của quần chúng từ thấp đến cao nhằm nâng cao vai trò chủ động của nhân dân trong việc xây dựng "tình làng, nghĩa xóm", xây dựng cuộc sống mới ấm no, an toàn, văn minh và hạnh phúc ở địa bàn dân cư; thực hiện khẩu hiệu "mỗi khu dân cư là một Mặt trận đoàn kết thống nhất phấn đấu vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh"8.

Với tư duy sáng tạo trong triển khai Nghị quyết Đại hội, ngày 2/3/1995 tại Hội nghị lần thứ 2 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa IV), quyết định mở cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” gồm 5 nội dung, với phương châm dựa vào sức dân để xây dựng cuộc sống cho dân, lấy đoàn kết để phát huy sức mạnh của mỗi tổ chức và cá nhân, thực hiện dân chủ, công khai ở cơ sở làm động lực để xây dựng cuộc sống mới ở cộng đồng dân cư.

Sau một năm, từ những kết quả tích cực trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động, ngày 3/5/1995, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Thông tri số 04-TT/MTTW về hướng dẫn thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” với 3 yêu cầu và 5 công việc chủ yếu trong tổ chức thực hiện, trong đó xác định: “Hằng năm vào ngày 18/11 các cấp xem xét công nhận những khu dân cư đạt tiêu chuẩn có cuộc sống mới theo thứ bậc từ thấp đến cao, tạo không khí thi đua sôi nổi để ngày kỷ niệm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam thực sự là ngày hội đoàn kết toàn dân”. Đây được xem là sự khởi nguồn cho quá trình hình thành Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày nay.

Để có cơ sở cho các địa phương tổ chức thực hiện Ngày hội, trong 2 năm (1996 - 1997) bằng những giải pháp khảo sát, đánh giá, trao đổi và thảo luận với các địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những văn bản định hướng kịp thời, từng bước xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung và hình thức tổ chức Ngày hội9.

Trong đó tuyên truyền, bồi dưỡng, tôn vinh tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, nghĩa đồng bào của mỗi cộng đồng dân cư là mục tiêu trọng tâm. Biểu dương người tốt, việc tốt; biểu dương tổ nhóm đoàn kết, hộ gia đình và các cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong quá trình thực hiện Cuộc vận động là nội dung tổ chức. Xây dựng không khí đoàn kết phấn khởi, vui tươi như một Ngày hội thực sự của Nhân dân, hướng đến tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng khu dân cư vững mạnh là những hình thức, phương thức phối hợp.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội V Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1999), Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; trên cơ sở đánh giá kết quả của Ngày hội, nhằm bảo đảm cho Ngày hội được tổ chức thường xuyên tại mỗi cộng đồng dân cư nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.

Sau khi xin ý kiến các vị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 29/7/2003, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Tờ trình số 06/TTr/TW, trình Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.

Trên cơ sơ đó, Hội nghị lần thứ 9, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW ngày 1/8/2003 về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, Nghị quyết xác định: “Tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11 hàng năm”.

Đồng thời, Đoàn Chủ tịch cũng kêu gọi toàn thể đồng bào, chiến sĩ trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài hưởng ứng và tham gia "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc", phát huy truyền thống yêu nước, ý thức tự hào dân tộc, tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Quá trình hình thành của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định sự kết tinh cả về lý luận và thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới công tác Mặt trận, động lực to lớn để cổ vũ, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, mà trước hết ở mỗi cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân mỗi con người trước vận mệnh của dân tộc, của đất nước trong quá trình đổi mới.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cùng bà con xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La 
Ý nghĩa và giá trị thực tiễn của Ngày hội là sự khẳng định vai trò, vị thế và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

20 năm, một chặng đường cho quá trình hình thành và phát triển của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, kết quả của sự khẳng định quá trình kế tục truyền thống, kinh nghiệm quý báu và viết tiếp những trang sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.

Đồng thời, thể hiện vai trò, vị trí và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay trước Đảng và Tổ quốc trong phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí tự lực tự cường, sự kết hợp hài hòa lợi ích của từng cá nhân, mỗi gia đình với lợi ích của toàn xã hội, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Kết quả thực tiễn của Ngày hội không chỉ mang giá trị là động lực về tinh thần trong Nhân dân, từng bước được hiện thực hóa bằng các hành động cụ thể trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại mỗi địa phương, góp phần vào kết quả chung của cả nước. Những giá trị thực tiễn của Ngày hội được thể hiện trên các phương diện cơ bản sau:

Một là, thông qua việc tổ chức Ngày hội, Nhân dân ngày càng nhận thức rõ hơn về kết quả sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; vui mừng trước đời sống xã hội ngày càng được cải thiện, nâng cao rõ rệt cả về vật chất, văn hóa, tinh thần, về mức sống và chất lượng cuộc sống, nhất là về ăn, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.

Dân chủ xã hội, kỷ cương pháp luật được củng cố và đảm bảo tính pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Nhân dân đoàn kết, thống nhất, đồng hành với quá trình phát triển và đổi mới của đất nước.

Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được củng cố về tổ chức; đổi mới nội dung, hình thức, mở rộng hoạt động hướng về cơ sở, cộng đồng dân cư. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò liên minh chính trị, từng bước khẳng định vị trí trung tâm, cầu nối giữa hệ thống chính trị với mọi tầng lớp nhân dân.

Kết quả của Ngày hội đã khẳng định được giá trị phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp thực hiện với nhiệm vụ chung của đất nước, hợp với lòng dân, được xã hội đón nhận và triển khai rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bao trùm các vấn đề trong đời sống Nhân dân.

Ba là, tính gắn kết cộng đồng, tinh thần dân chủ, vai trò tự quản là giá trị xuyên suốt trong quá trình tổ chức Ngày hội. Thông qua tổ chức Ngày hội để Nhân dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của địa phương, thấy rõ được sức đóng góp của từng cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng. Nghĩa đồng bào trong mỗi cộng đồng được nhân lên qua những hoạt động san sẻ, hỗ trợ đối với những cá nhân, hộ gia đình khó khăn; tri ân với gia đình có công; tôn vinh những cá nhân, tập thể, hộ gia đình có nhiều đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Ngày hội là dịp trao truyền các giá trị truyền thống, nơi giao thoa văn hóa của mỗi cộng đồng, qua đó giúp cho Ngày hội có những nét riêng có của mỗi vùng. Dịp để mỗi thành viên sinh sống, học tập xa quê được tụ hội với gia đình, báo ơn ông bà, cha mẹ; góp công, góp sức tham gia xây dựng cộng đồng.

Bốn là, trong từng giai đoạn, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động, tập hợp, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trong triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Từ những kinh nghiệm phong phú trong tổ chức Ngày hội, đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở các cấp được tăng cường, phần lớn được trải nghiệm trong thực tiễn và đúc rút những kinh nghiệm trong thực hiện công tác Mặt trận và vận động quần chúng.

Năm là, trong thực tiễn chỉ đạo, nhiều địa phương đã có sự sáng tạo lựa chọn chủ đề của Ngày hội bảo đảm theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhu cầu đời sống của Nhân dân theo phương châm lấy sức dân để lo cuộc sống cho dân. Công tác phối hợp, hướng dẫn tổ chức được đảm bảo chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm, đề xuất lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tham dự Ngày hội, đến công tác xây dựng kịch bản tổ chức và hoạt động, bố trí lực lượng, sắp xếp thời gian phù hợp với mỗi cộng đồng... là những kinh nghiệm giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng chương trình thống nhất hành động với các tổ chức thành viên phù hợp với những yêu cầu mới trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Sáu là, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có sự quan tâm tích cực trong ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và bổ sung nguồn lực cho tổ chức Ngày hội. Điểm nhấn trong công tác chỉ đạo là hệ thống chính trị các cấp đã xác định Ngày hội là diễn đàn dân chủ hàng năm để đội ngũ cán bộ gắn bó mật thiết với Nhân dân; dịp quan trọng để tiếp xúc và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân; trao đổi giải đáp những vấn đề mà Nhân dân quan tâm. Qua đó, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên tự xác định trách nhiệm, chủ động xây dựng chương trình hành động, tích cực tham mưu, đề xuất các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế phù hợp với nhu cầu của Nhân dân.

Với những kết quả trong 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ là những bài học và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, giúp cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chú thích:

1.    Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tập 47, tr. 909.

2,3.   Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tập 50, tr. 87.

4,5,6. Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tập 51, tr. 31, 150, 826.

7.   Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tập 53, tr. 76.

8.  Văn kiện Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IV, tr. 19.

9.  Thông tri số 226/MTTW ngày 7/10/1996 về hướng dẫn tổ chức liên hoan động viên phong trào ở các khu dân cư, thực hiện tốt cuộc vận động nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam; Hướng dẫn số 337/MTTW ngày 6/10/1997 về hướng dẫn tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư, nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.