Mở ra hướng đi mới trong công tác sưu tầm Bảo tàng MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) - Sáng 15/7, tại Quảng Ninh, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, Bảo tàng MTTQ Việt Nam ra đời có những thuận lợi cơ bản nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như khối lượng hiện vật còn nghèo nàn, chưa có nhà trưng bày, đầu tư kinh phí hạn chế, đội ngũ cán bộ chuyên môn mỏng, ít kinh nghiệm,…

“Bảo tàng có nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản về lịch sử MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không có cách tiếp cận duy vật lịch sử, hệ thống thì nội dung sưu tầm và trưng bày của bảo tàng chỉ đóng kín trong khuôn khổ một phòng truyền thống của tổ chức Mặt trận”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng trăn trở.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, Bảo tàng Tiền tệ Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam,…

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Nhiều ý kiến cho rằng, Bảo tàng MTTQ Việt Nam cần thiết lập hệ thống cộng tác viên không chỉ trong khối Mặt trận mà nên mở rộng ở các tổ chức thành viên của Mặt trận, ở các bảo tàng trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam, mở rộng mạng lưới cộng tác viên tại các đơn vị, địa phương, từ đó có thể phát hiện, tiếp cận và sưu tầm nguồn hiện vật.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia đề xuất, Bảo tàng MTTQ Việt Nam không có nhiều cơ hội để sưu tầm được các hiện vật quý hiếm, độc đáo về lịch sử do tuổi đời còn ít.

Do đó, để tránh nguy cơ Bảo tàng chưa xây mới đã “cũ”, cách diễn đạt lịch sử một chiều, thông qua diễn trình lịch đại của các sự kiện, nhân vật, thu thập, tập hợp các huân huy chương, bằng khen, giấy khen,… nên được thay thế bởi cách tiếp cận đa chiều, lấy con người làm trung tâm.

Cách tiếp cận này vừa mang hơi thở của cuộc sống đương đại, vừa thể hiện được vai trò của nhân dân và truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong lịch sử, là biểu hiện cao nhất, độc đáo, sáng tạo về hình thức tập hợp, đoàn kết, phát huy tối đa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 
Các đại biểu tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại Bảo tàng Quảng Ninh. 

Đồng thời, muốn duy trì, tồn tại lâu dài, Bảo tàng MTTQ Việt Nam không chỉ dành cho người có tuổi, người hoài cổ, người nhiên cứu mà cần hướng đến cả những người trẻ.

Với tinh thần ấy, khi sưu tầm và chuẩn bị trưng bày, bảo tàng vẫn phải đứng về phe “già, cũ”, nhờ các chuyên gia, nhà nghiên cứu về MTTQ Việt Nam có kinh nghiệm cùng "gác chuẩn" về nội dung, nhưng cần chọn người trẻ để thiết kế ý tưởng, làm đồ họa, thi công, tạo điểm nhấn thu hút mọi lứa tuổi khi đến tham quan bảo tàng.

Nhìn chung, để công tác sưu tầm có hiệu quả, Bảo tàng MTTQ Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu, xây dựng chiến lược sưu tầm dài hạn và kế hoạch hàng năm. Cán bộ sưu tầm cần có tư duy mới, có cách làm sáng tạo, huy động được các nguồn lực và thế mạnh của bảo tàng, tạo được sức hút đến với khách tham quan.

Việc bắt kịp xu thế trong hoạt động của bảo tàng, có cách làm sáng tạo, hoàn thiện kỹ năng sưu tầm, khảo sát kỹ đối tượng, đánh giá đúng thực trạng nguồn lực, phát huy được thế mạnh nội tại, xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tâm huyết sẽ là chìa khóa mở ra hướng đi mới, có triển vọng trong công tác sưu tầm của Bảo tàng MTTQ Việt Nam trong tương lai.