Lựa chọn những nội dung cụ thể và hướng phong trào thi đua về cơ sở

(Mặt trận) - Sáng 18/9, tham luận tại Đại hội Thi đua yêu nước MTTQ Việt Nam giai đoạn 2020-2025, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh, với tư cách là của thành viên MTTQ Việt Nam, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động bằng cách lựa chọn những nội dung cụ thể, hướng về cơ sở, đồng thời phối hợp chặt chẽ với MTTQ trong triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả rõ nét.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga tham luận tại Đại hội 

Cụ thể, hưởng ứng phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế" (phong trào “Đoàn kết sáng tạo), Hội tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Bằng nhiều hoạt động, cách làm ở tất cả các cấp, Hội đã khuyến khích phụ nữ hăng hái học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; khuyến khích phụ nữ tích cực sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lao động, sản xuất như: Tiếp tục duy trì các Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, Giải thưởng Kovalevskia hằng năm, các cuộc thi khuyến khích phụ nữ sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp), tặng Bằng khen, trao học bổng cho nữ sinh có thành tích học tập xuất sắc.

Từ năm 2015-2020, Hội đã trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam cho 50 cá nhân nữ và 34 tập thể nữ xuất sắc trên các lĩnh vực; Giải thưởng Kovalevskia cho 07 cá nhân nữ và 03 tập thể nữ tiêu biểu; trao tặng 273 Bằng khen cho nữ Giáo sư/Phó Giáo sư và bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ trong nước; trao tặng học bổng cho 3 nữ sinh xuất sắc nhằm động viên các cá nhân nữ tiếp tục phấn đấu học tập, nghiên cứu, cống hiến cho khoa học. Đặc biệt, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, từ năm 2018 đến nay, hằng năm, Trung ương Hội tổ chức các cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” cấp vùng và toàn quốc nhằm hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp. Đã có 7.640 phụ nữ có ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp được Hội hỗ trợ vay vốn với số tiền 85,3 tỷ đồng.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Hội tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với 8 tiêu chí: Không đói nghèo; không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ ba trở lên; không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; Sạch nhà; sạch bếp; sạch ngõ làm trọng tâm thực hiện. Điểm nổi bật trong thực hiện Cuộc vận động đó là Hội đã tập trung đề xuất cơ chế, tạo nguồn lực hỗ trợ phụ nữ  thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động... 100% cơ sở Hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền với hơn 15.000 phần việc/hoạt động xây dựng nông thôn mới và có nhiều giải pháp tổ chức thực hiện đạt kết quả. Điểm mới, Hội đã tăng cường vận động xã hội hỗ trợ giúp đỡ phụ nữ, phụ nữ khó khăn, vùng sâu, vùng xa thông qua triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trong 3 năm (2018-2020) với cách làm bài bản, khoa học, đổi mới, sáng tạo: huy động một số người nổi tiếng làm đại sứ của Chương trình để tăng hiệu quả truyền thông; có fanpage “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với gần 2.500 người theo dõi và tiếp cận, chia sẻ bài viết; mở chuyên mục “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trên trang Web Hội, Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam. Các đơn vị đồng hành được phân công giúp tổ chức khảo sát nhu cầu hỗ trợ từng xã trên cơ sở đó tổ chức các hoạt động giúp đỡ phù hợp thực chất, thiết thực bám sát nhu cầu của  hội viên, phụ nữ biên giới như xây dựng mô hình sinh kế; hỗ trợ công cụ sản xuất, vật nuôi, cây, phân bón, con giống, vốn vay; tổ chức khám chữa bệnh; hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế… Kết quả, đã huy động nguồn lực khoảng 110 tỷ đồng hỗ trợ phụ nữ 155 xã biên giới khó khăn.

Song song với tuyên tuyền vận động, Hội chú trọng chỉ đạo thí điểm và nhân rộng các mô hình hiệu quả như: Mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới” được Trung ương Hội hướng dẫn, chỉ đạo điểm tại 8 cụm thi đua và nhân rộng ở 46 tỉnh với gần 3.500 chi hội. Đây là mô hình thực hiện toàn diện các tiêu chí 5 không, 3 sạch gắn với tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, xác định các vấn đề ưu tiên để phụ nữ từng chi hội thực hiện, có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các ngành và nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả nông thôn mới. Mô hình tiết kiệm bằng nhiều hình thức: không chỉ giúp nhau vốn sản xuất, kinh doanh mà còn hướng tới thực hiện mục tiêu an sinh xã hội như giúp nhau mua bảo hiểm y tế, xây dựng công trình vệ sinh, cải thiện nhà ở, thực hiện các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Đến nay, hơn 11 triệu hội viên phụ nữ đã tham gia hoạt động tiết kiệm, huy động được 8,6 nghìn tỷ đồng, cho trên 1,2 triệu lượt phụ nữ vay. Các mô hình hiệu quả về vệ sinh môi trường đã được phổ biến, nhân rộng ở nhiều tỉnh/thành như: mô hình thu gom rác thải, xử lý và phân loại rác thải tại gia đình; tuyến đường hoa, cây xanh với gần 55.000 km.

Qua thực hiện cuộc vận động đã có  10,7 triệu gia đình hội viên phụ nữ đạt 8 tiêu chí gia đình 5 không, 3 sạch; hơn 2 triệu lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Hội giúp đỡ, trong đó gần 300 nghìn hộ đã thoát nghèo, góp phần giảm nhanh tỷ lệ nghèo của cả nước góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ nông thôn, thực hiện tiêu chí nông thôn mới.