Lễ Công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021: Khơi dậy và truyền cảm hứng sáng tạo cho người Việt Nam

(Mặt trận) - Ngày 25/11, trước thềm Lễ Công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021, trao đổi với báo chí, ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, việc công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam không chỉ mang lại ý nghĩa thực tiễn cao, đây còn là nguồn tư liệu sinh động, tiếp tục khơi dậy và truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ, cho cộng đồng và toàn xã hội.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh

PV: Thưa ông, Sách vàng sáng tạo Việt Nam đã bước sang năm thứ 6 để vinh danh các công trình, giải pháp, sáng tạo khoa học. Nhìn lại những năm qua, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chương trình này đối với sự phát triển kinh tế- xã hội?

Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Lê Tiến Châu: Bác Hồ đã dạy: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân”. Bác còn căn dặn phải “phổ biến rộng rãi những hiểu biết khoa học và kỹ thuật trong đông đảo quần chúng, thúc đẩy phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, sáng chế phát minh”.

Thực hiện lời Bác dạy, xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, nhất là trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, trong suốt thời gian qua, với truyền thống đoàn kết, hiếu học, trọng đức, trọng tài; với đức tính thông minh, sáng tạo, cần mẫn của người Việt Nam; sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân, có thể nói rằng, với trách nhiệm, niềm tự hào trí tuệ, niềm say mê nghiên cứu khoa học của người Việt Nam, các phong trào thi đua sáng tạo ngày càng phát huy giá trị trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra nhiều sản phẩm có hàm lượng trí tuệ, hiệu quả kinh tế cao, hoà nhập với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ thế giới.

Nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một số bộ, ngành và thành viên của Mặt trận, tổ chức tuyển chọn, công bố, vinh danh các công trình, giải pháp khoa học - công nghệ tiêu biểu trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam.

Qua 6 năm triển khai, từ năm 2016 đến 2021, Ban Chỉ đạo tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đã tổ chức tuyển chọn, công bố 441/923 công trình, giải pháp khoa học công nghệ gửi về Ban Chỉ đạo để công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam. Số công trình được tuyển chọn, công bố hằng năm bằng với số năm kỷ niệm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam - ngày 2/9.

Theo đó, Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016 công bố 71 công trình; năm 2017 công bố 72 công trình; năm 2018 công bố 73 công trình; năm 2019 công bố 74 công trình; năm 2020 công bố 75 công trình và vinh danh 5 công trình phòng chống dịch Covid-19; năm 2021 là 76 công trình. Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021 cũng tôn vinh  các tập thể, cá nhân đạt giải thưởng quốc tế năm 2020; vinh danh 6 công trình khoa học sáng tạo tiêu biểu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Tác giả của các công trình này là những tập thể, cá nhân trên mọi miền Tổ quốc, có người là giáo sư, tiến sĩ, có người là chủ doanh nghiệp, có người là những công nhân, nông dân và cả những học sinh, sinh viên. Qua đó cho thấy khả năng sáng tạo, nghiên cứu khoa học luôn có ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội.

Với việc triển khai bài bản, khoa học, chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan, các công trình được ghi nhận và vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực được Đảng, Nhà nước tập trung ưu tiên phát triển như: cơ khí tự động hóa, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh… Những công trình, giải pháp được lựa chọn chính là sự khẳng định năng lực sáng tạo mạnh mẽ của người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việc công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam không chỉ mang lại ý nghĩa thực tiễn cao, đây còn là nguồn tư liệu sinh động, tiếp tục khơi dậy và truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ, cho cộng đồng và toàn xã hội. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” (Phong trào Đoàn kết Sáng tạo) do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Từ đó tiếp tục cổ vũ, tôn vinh và khẳng định sự trân trọng đối với các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có đóng góp hiệu quả trong hoạt động khoa học, công nghệ, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ, tinh thần đam mê lao động sáng tạo của người Việt Nam trong thế kỷ 21.

PV: Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách, là động lực phát triển kinh tế xã hội, để phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” được được khơi dậy, phát huy cao độ sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam, theo ông, chúng ta cần phải tiếp tục làm gì trong thời gian tới?

Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Lê Tiến Châu: Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách, là động lực phát triển kinh tế-xã hội, để phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” được khơi dậy, phát huy cao độ sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam, thì rất cần một “đòn bảy chính sách”, tôi nghĩ rằng, điều kiện cần là phải thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng kiến, sáng tạo, coi đây là một ưu tiên mang tính chiến lược của quốc gia lan tỏa thấm nhuần đến truyền thống hiếu học của mỗi người Việt Nam.

Trong thời gian tới nhà nước cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, nghiên cứu các chính sách đột phá về khoa học công nghệ cùng với đó không ngừng quan tâm, khuyến khích động viên các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tập trung sáng tạo, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm và ý tưởng có tính ứng dụng cao, thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhưng làm gì cũng vậy, điều cần quan tâm chính là đầu tư cho con người vì con người là trung tâm của đổi mới. Bên cạnh một chiến lược dùng người để bồi dưỡng vun đắp nhân tài thì cần những chính sách để mời gọi người tài.

Với vai trò và trách nhiệm của mình, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí của khoa học - công nghệ, nhằm tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế và sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cần phối hợp với ngành khoa học và công nghệ, các tổ chức thành viên tiến hành giám sát việc triển khai, ứng dụng các công trình, đề tài khoa học đã được nghiên cứu ở các cấp. Kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các đề tài, công trình khoa học này được triển khai hiệu quả trong thực tiễn.

PV: Cho đến thời điểm này, chương trình Lễ Công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021 đã được chuẩn bị đến đâu, thưa ông? 

Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Lê Tiến Châu: Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Ban Chỉ đạo tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đã lùi lại ngày tổ chức từ 2-9 sang ngày 25/11. Mọi công tác chuẩn bị cho Lễ Công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam lần thứ 6 đã sẵn sàng, đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch bệnh mà Bộ Y tế đề ra.

Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch- Tổng thư ký.

Ngày 25/11, Lễ Công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021 được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế số 11, Lê Hồng Phong, Hà Nội để vinh danh 76 công trình, giải pháp. 76 công trình, giải pháp được chia theo các lĩnh vực như sau: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông: 15 công trình; công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới và chế biến, sản xuất trong nông nghiệp: 14 công trình; sinh học phục vụ sản xuất, đời sống: 13 công trình; cơ khí tự động hóa: 9 công trình; giáo dục - đào tạo: 8 công trình; công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên: 7 công trình; y tế: 7 công trình; công nghệ vật liệu: 3 công trình.