Kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng của người dân

(Mặt trận) - Chiều 5/8, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế Dân chủ (QCDC) ở cơ sở tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị

Dự Hội nghị có Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan và thành viên Ban Chỉ đạo.

Phát huy quyền làm chủ của dân thực chất, hiệu quả

 Quang cảnh Hội nghị

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm và thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc cho biết, 6 tháng đầu năm, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới, phòng chống đại dịch Covid-19,… đạt nhiều kết quả tích cực. Nhận thức về dân chủ, thực hành dân chủ và kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở tiếp tục được nâng lên; dân chủ trong Đảng, trong quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng thực chất hơn.

“Việc thực hiện QCDC ở địa bàn dân cư tiếp tục nền nếp; thực hiện dân chủ trong các cơ quan nhà nước có nhiều tiến bộ, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc được quan tâm nhiều hơn và ngày càng thiết thực… Từ đó góp phần hoàn thiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, ông Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo đã đánh giá những chuyển biến tích cực trong thực hiện QCDC ở cơ sở thời gian qua đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế đưa ra những kiến nghị cho hoạt động của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới để phát huy quyền làm chủ của dân thực chất, hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, qua 6 tháng đầu năm, trong điều kiện cả nước vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa triển kinh tế-xã hội, tiến hành đại đảng các cấp, công tác thực hiện dân chủ nói chung và thực hiện dân chủ cơ sở tiếp tục có bước tiến lớn.

Đánh giá cao vai trò của nhân dân trong phòng, chống đại dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, trong thành công đó có sự đồng hành đồng thuận của người dân, sự tham gia nòng cốt của hệ thống dân vận, tuyên giáo, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó rất nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dù gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng qua đối thoại, đời sống của người lao động về cơ bản tạm ổn định dù phải giảm lương, tạm nghỉ, giảm thu nhập.

Đặc biệt theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố, nâng cao qua cuộc đấu tranh chống tham nhũng, việc siết chặt kỷ cương của bộ máy hành chính các cấp. Người dân cũng tự giác tuân thủ các quy định pháp luật. Kỷ cương xã hội được nâng lên.

Góp ý thêm về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong tình hình dịch bệnh hiện nay cần sự vào cuộc của hệ thống dân vận, Mặt trận và các đoàn thể để vận động người dân thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, đưa cuộc sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh bước vào trạng thái bình thường mới.

Nắm vững tình hình nhân dân

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị

Đồng tình với dự thảo báo cáo đã nêu và ý kiến góp ý của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng thành công của việc thực hiện QCDC ở cơ sở trước tiên phải kể đến sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân khi luôn cùng với Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng khẳng định, từ QCDC ở cơ sở, cấp ủy Đảng, chính quyền tại các địa phương đã thể hiện tinh thần lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân. Thông qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã hạn chế tối đa việc phát sinh các điểm nóng ở cơ sở. Đặc biệt, việc phát hiện những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí ở địa phương đã củng cố niềm tin của nhân dân.

“Từ không khí dân chủ, báo chí đã vào cuộc tích cực, hiệu quả hơn, đăng tải những thông tin phản ánh sát thực hơn từ những vấn đề phát sinh ở cơ sở.” Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chia sẻ.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của quy chế dân chủ ở cơ sở, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp cần nắm vững tình hình nhân dân hơn nữa trong bối cảnh các giai tầng thay đổi về số lượng, chất lượng nhằm nâng cao nhận thức trong tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Cần lắng nghe những ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề mà nhân dân bức xúc như môi trường, an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, an ninh trật tự, tệ nạn ma túy… để phản ánh kịp thời tới Đảng, Nhà nước”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh,

Đề cập đến vấn đề đời sống của người dân ở một số nơi, đặc biệt là các tỉnh miền núi còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, lợi dụng yếu tố này, các thế lực thù địch sẽ kích động nhân dân nhằm gây mất trật tự và an toàn xã hội, chính bởi vậy cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm tới các chính sách an sinh xã hội và đời sống của hộ nghèo; đặc biệt cần quan tâm hơn nữa tới công tác dân tộc và tôn giáo.

Năm 2020 là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Mặt trận và các tổ chức thành viên huy động sự tham gia góp ý của các tầng lớp nhân dân vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, đồng thời lắng nghe ý kiến của nhân dân để lựa chọn những người có đức, có tài, xứng đáng đứng trong đội ngũ cấp ủy nhiệm kỳ mới.

Thúc đẩy thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đi nhanh hơn vào cuộc sống

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định trong 6 tháng đầu năm 2020 và 5 năm gần đây không khí dân chủ ở cơ sở có nhiều hay đổi tích cực. Đây là vấn đền tất yếu của một xã hội đang phát triển và cũng là mong muốn của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị khi khuyến khích, động viên người dân tham gia phát huy quyền làm chủ của mình.

“Quá trình thúc đẩy người dân phát huy quyền làm chủ cũng chính là góp phần tăng cường niềm tin, làm cho Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị gần với người dân hơn.” Bà Trương Thị Mai chia sẻ.

Để việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thực chất và hiệu quả, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường việc lắng nghe, đối thoại, giải quyết công khai, minh bạch những nguyện vọng của người dân. Đặc biệt cần quan tâm đến việc cải cách và xây dựng hệ thống pháp luật để thúc đẩy quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đi nhanh hơn vào cuộc sống.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ “kép”phù hợp với “điều kiện bình thường mới”, phù hợp với hoàn cảnh phòng, chống dịch bệnh từ nay đến cuối năm.

Bà Trương Thị Mai cũng cho rằng thời gian tới, một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là khi dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được công bố chính thức, hệ thống Dân vận và Mặt trận sẽ khởi động quá trình xin ý kiến nhân dân. Dự kiến từ 15/10 tới đây sẽ có khoảng 24 Hội nghị. Các hội nghị sẽ tổ chức theo từng đối tượng để cùng lắng nghe thêm ý kiến đóng góp cho Đại hội Đảng.