Không vận động tốt không thể hòa giải có hiệu quả

(Mặt trận) - Ngày 13/7, phát biểu tại Hội nghị Trực tuyến công tác Dân vận trong hoạt động hòa giải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, không vận động tốt không thể hòa giải có hiệu quả, hòa giải thành công là nhờ vào sự phối hợp nhịp nhàng giữa MTTQ Việt Nam, ngành Tư pháp, Tòa án nhân dân, các cơ quan, tổ chức với chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở, cùng với việc quan tâm xây dựng, động viên đội ngũ hòa giải viên có uy tín, kiến thức, kinh nghiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải.

Tổng kết thực hiện Đề án Vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên: 9 tháng thần tốc xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Bắc Ninh nhân Đại lễ Phục sinh 2024

Bàn giao 5.000 căn nhà đại đoàn kết: Hiện thực hóa giấc mơ của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên

 Quang cảnh Hội nghị

Hội nghị do Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng Đoàn MTTQ Việt Nam, Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao và Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức.

Tham dự Hội nghị có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; ông Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương và đại biểu tại 63 điểm cầu tại địa phương.

80,6% vụ việc được hòa giải thành công

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, hơn 20 năm qua, với sự tham gia tích cực của MTTQ Việt Nam, ngành Tư pháp, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Con số gần 100.000 tổ hòa giải cơ sở, 600.000 hòa giải viên, gần 900.000 vụ, việc đã được tiến hành hòa giải trong 5 năm qua với tỷ lệ 80,6% hòa giải thành mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc, không chỉ hàn gắn những xích mích, mâu thuẫn phát sinh, mà còn tăng cường sự hiểu biết, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, thắt chặt tình cảm, góp phần cho sự bình yên, ổn định, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các địa bàn dân cư.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho biết, đến nay, với Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và hoạt động của hòa giải viên lao động, trọng tài lao động trong quy định của Bộ luật Lao động góp phần giải quyết tranh chấp lao động, cùng với các cơ chế hòa giải, đối thoại được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... hoạt động hòa giải đã bao quát hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội.

Nhắc tới chủ đề hội nghị “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, bản chất của hoạt động hòa giải chính là công tác dân vận, những mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, “Tổ hòa giải điển hình tiên tiến”, các tổ hòa giải, hòa giải viên tiêu biểu ở nhiều nơi đã khẳng định không vận động tốt không thể hòa giải có hiệu quả. Quá trình hòa giải là quá trình tuyên truyền, vận động chính sách, pháp luật; nêu cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, ý thức chấp hành pháp luật; gắn với lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; tạo sự đồng thuận, tích cực hòa giải để tìm được tiếng nói chung, giải tỏa được vướng mắc, mâu thuẫn.

“Quá trình đó cũng là quá trình phối hợp nhịp nhàng giữa MTTQ Việt Nam, ngành Tư pháp, Tòa án nhân dân, các cơ quan, tổ chức với chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở, cùng với việc quan tâm xây dựng, động viên đội ngũ hòa giải viên có uy tín, kiến thức, kinh nghiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải có hiệu quả”, bà Trương Thị Mai khẳng định.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị 

Phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam trong công tác hòa giải

Đề cập đến việc phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam, các thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh, trong các văn kiện của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam, Luật Hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Thời gian qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở tại các địa phương nhìn chung được triển khai có hiệu quả. 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong 6 năm triển khai thực hiện luật Hòa giải ở cơ sở đến nay các địa phương đã tiếp nhận tổng số 875.573 vụ việc, trong đó hòa giải thành: 707.945 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,85%; hòa giải không thành: 167.628 vụ việc. Hiện nay có 128.091 Hòa giải viên là cán bộ Mặt trận chiếm hơn 21% tổng số hòa giải viên của cả nước. Nhiều địa phương có tỷ lệ hòa giải thành rất cao như Hậu Giang đạt 91,79%; Khánh Hòa: 92,54%...Đây là một kết quả đáng ghi nhận của công tác hòa giải ở cơ sở, nhiều tranh chấp, mâu thuẫn trong sinh hoạt, tranh chấp trong đất đai được giải quyết ngay từ cơ sở, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân. Đồng thời, thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã kịp thời được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cộng đồng dân cư.

“Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, kết hợp đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các chương trình phối hợp giữa MTTQ với các cơ quan, ban, ngành đã nhân lên những giá trị đạo đức tốt đẹp tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm, tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích chung, vì cộng đồng, văn hóa xin lỗi...; nhiều khu dân cư không phát sinh vụ việc phải hòa giải, góp phần tích cực xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình hạnh phúc”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Có được những kết quả này Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng phần lớn nhờ vào công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan tư pháp trong việc triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở có những chuyển biến tích cực.

Cùng với đó, mạng lưới Tổ hoà giải được củng cố, mở rộng, thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia. Số lượng, chất lượng của đội ngũ Hòa giải viên từng bước được đảm bảo, hầu hết Hòa giải viên đều nêu cao tinh thần tự nguyện, nhiệt tình, trách nhiệm, nhiều Hòa giải viên vững về chuyên môn, nghiệp vụ, thành thạo về kỹ năng hòa giải ở cơ sở. 

“Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã làm tốt vai trò nòng cốt trong tham gia công tác hòa giải, những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, hạn chế đơn thư, khiếu nại, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan nhà nước và Nhân dân, tạo nên không khí vui vẻ, gắn kết trong cộng đồng dân cư”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định.

Quang cảnh Hội nghị 

Nhắc đến vai trò của MTTQ các cấp trong công tác hòa giải, báo cáo chuyên đề của Bộ Tư pháp cũng nêu rõ, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, hàng năm Ủy ban MTTQ các cấp đã chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp tổ chức kiểm tra thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở. MTTQ Việt Nam ở cơ sở cũng làm tốt vai trò chủ trì bầu hòa giải viên, Tổ trưởng Tổ hòa giải và cử hội viên ứng cử làm hòa giải viên ở cơ sở.

Cùng với đó, tình hình mâu thuẫn, tranh chấp và giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở luôn được coi là một nội dung trong sinh hoạt chi bộ của thôn, xóm, tổ dân phố do Ban Công tác Mặt trận chủ trì. MTTQ Việt Nam đã gắn việc thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở thông qua các cuộc vận động, phong trào do Mặt trận phát động như “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Vì an ninh Tổ quốc”…Những hoạt động trên cho thấy, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã phát huy tính chủ động, tích cực, đóng góp thiết thực vào kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở thời gian qua.

Giải quyết những tranh chấp nhỏ nhặt ngay từ cơ sở

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cùng chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong công tác hòa giải ở cơ sở thời gian qua, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, nhờ có mô hình tổ hòa giải 5 tốt trên địa bàn đồng thời gắn kết với các tiêu chí đánh giá xã, phường trên địa bàn đã giúp phát hiện sớm nhiều vụ việc để hòa giải ngay tại cơ sở. Nhờ đó, sau 2 năm triển khai, các vụ việc cần hòa giải ở cơ sở ngày càng giảm đồng thời gắn kết người dân với chính quyền, giảm mâu thuẫn trong cộng đồng, đồng thời khuyến khích chính quyền quan tâm hơn đến công tác hòa giải, giảm các điểm nóng trên địa bàn.

Đến từ tỉnh Long An, bà Trần Thị Nhanh Hòa, một cán bộ làm công tác hòa giải tại Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, chìa khóa cho mọi vụ việc hòa giải thành công chính là việc vận dụng kỹ năng dân vận khéo cộng với uy tín cá nhân, năng lực chuyên môn trong nhiều năm phục vụ trong nhiều năm phục vụ trong ngành tư pháp.

Bên cạnh đó cần đưa công tác dân vận vào hoạt động tư pháp từ khâu hòa giải, đối thoại tại trung tâm đến hoạt động hòa giải xét xử của thẩm phán hoặc có giải pháp tập huấn kỹ năng dân vận khéo cho tất cả cán bộ hòa giải ở cơ sở, cán bộ tư pháp kể cả điều tra viên, kiểm soát viên và thẩm phán các cấp sẽ tốt hơn.

“Một điều tra viên có tố chất dân vận và kỹ năng dân vận khéo sẽ giải quyết vụ  án đạt kết quả cao hơn, tốt hơn một điều tra viên bình thường. Một thẩm phán có kỹ năng dân vận khéo khi giải quyết vụ việc dân sự việc dân sự, hôn nhân gia đình sẽ giúp giải quyết tranh chấp nhân sự, hàn gắn các mâu thuẫn khi nguyên nhân ly hôn chỉ vì tự ái cá nhân hay những va chạm nhỏ trong cuộc sống đời thường”, bà Hòa nói.

Hòa giải phải xuất phát từ tấm lòng

 Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao nhấn mạnh, hòa giải là một thiết chế đa năng, giải quyết hòa thuận tất cả các xung đột trong đời sống, tạo sự đồng thuận, giữ gìn tình đoàn kết trong xã hội. Thời gian qua, Tòa án nhân dân các cấp đã tiến hành thí điểm hoạt động hòa giải tại một số địa phương, thu được nhiều kết quả rất tích cực. Trên cơ sở đó, Tòa án đã xây dựng Luật hòa giải, được Quốc hội ủng hộ, bỏ phiếu với kết quả tán thành rất cao (trên 90%).

Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực chất hòa giải tại Tòa án chính là công tác dân vận. Để hòa giải thành, không chỉ có hiểu biết pháp luật và chuyên môn sâu, điều quan trọng là mỗi hòa giải viên cần có tấm lòng nhân ái và thiện tâm. Từ thực tiễn, tất cả các vụ án hòa giải thành đều có phương pháp dân vận khéo ở trong đó, là phương pháp vận động, đụng chạm đến trái tim, làm thức tỉnh lòng cao thượng, sự vị tha, sẵn sàng chia sẻ, cảm thông của các bên tranh chấp, từ đó có được sự thành công.

Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, để thiết chế hòa giải tại Tòa án cũng như tại cơ sở có được sự thành công, trách nhiệm và tấm lòng của các hòa giải viên là yếu tố đặc biệt quan trọng.

Trong thời gian tới, ông Nguyễn Hòa Bình đề nghị, tất cả Tòa án, đặc biệt các Thẩm phán trong hệ thống Tòa án cần xem nhiệm vụ hòa giải như một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng để không chỉ giải quyết nhiệm vụ chuyên môn mà còn các nhiệm vụ dân vận của Đảng với tư cách là Đảng viên. Theo đó, các thẩm phán phải tham gia đầy đủ, trách nhiệm tất cả các thiết chế hòa giải, từ hòa giải cơ sở, đến hòa giải tại Tòa án và các thiết chế hòa giải theo tố tụng.

Trước khi Luật hòa giải đi vào thực tiễn áp dụng, ông Nguyễn Hòa Bình mong muốn, Ban Dân vận của các địa phương, các cấp ủy quan tâm chỉ đạo, đưa Bộ luật này vào cuộc sống. Việc quan tâm của các cấp ủy thông qua chỉ đạo, bố trí nguồn lực, nhân lực thực thi các yêu cầu của Luật hòa giải là rất quan trọng, giúp phát huy hết hiệu quả của các quy định pháp luật.

“Trong tương lai, công tác hòa giải sẽ trở thành một xu thế phổ biến, nổi trội trong đời sống của nhân dân, bởi đây là tiêu chí của một xã hội văn minh, thân thiện. Để thiết chế hòa giải tại Tòa án cũng như tại cơ sở thành công, trách nhiệm và tấm lòng của các hòa giải viên là yếu tố đặc biệt quan trọng”, ông Nguyễn Hòa Bình tin tưởng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, công tác dân vận thành công góp phần làm đổi mới công tác dân vận ở chính quyền, làm cho môi trường xã hội ở Việt Nam ổn định, sức mạnh khối đại đoàn kết được tăng cường.

“Chúng ta lấy chủ đề là Năm dân vận khéo và muốn “khéo” thì tất cả chính quyền các cấp cần nắm chắc quy định của pháp luật. Muốn “khéo” trong xử lý các vấn đề phải có lý, có tình, không chỉ hòa giải viên mà cán bộ chính quyền các cấp phải vì dân và muốn dân hiểu phải xuất phát từ tấm lòng. Đồng thời, tham gia giải quyết mâu thuẫn cần nắm sát tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tìm ra khó khăn vướng mắc để hoàn thiện chính sách pháp luật”, ông Vũ Đức Đam nói.